Quảng Nam đề ra 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025
(QNO) - Sáng nay 14.2, Tỉnh ủy (khóa XXI) tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác cán bộ và lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt tỉnh đối với dự thảo lần hai văn kiện báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Báo cáo về tình hình chuẩn bị dự thảo văn kiện báo cáo chính trị và gợi ý các nội dung cần thảo luận, góp ý của các đại biểu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nêu rõ: Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định sự đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng, các nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Nam phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, dự kiến có 4 chỉ tiêu không đạt (thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm; số đảng viên kết nạp mới hàng năm; tỷ lệ các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn vững mạnh về quốc phòng - an ninh).
Trong quá trình dự thảo văn kiện, Tiểu ban Văn kiện đã đề ra một số định hướng lớn trong nhiệm kỳ đến rất cần sự tham gia góp ý của các đại biểu dự hội nghị lần này. Dự thảo văn kiện đề ra mục tiêu tổng quát là: xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Nam trong sạch, vững mạnh; sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa con người Quảng Nam; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Tiểu ban Văn kiện dự kiến đưa ra 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đến. Đó là: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư gắn với bảo vệ môi trường và khởi nghiệp sáng tạo.
Dự thảo văn kiện báo cáo chính trị xác định, về cơ cấu nền kinh tế: tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch. Phát triển dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mở rộng không gian phát triển du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh…
Trong định hướng phát triển vùng: vùng đồng bằng ven biển là vùng động lực phát triển của tỉnh, tập trung xây dựng vùng ven biển của tỉnh trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - chuỗi đô thị - nông nghiệp công nghệ cao. Đối với vùng trung du, miền núi: tập trung tạo đột phá trong thực hiện các nhóm dự án về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây tỉnh Quảng Nam.
Đối với định hướng phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai: tiếp tục xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu phi thuế quan..., đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển tỉnh Quảng Nam và động lực kết nối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Các ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện báo cáo chính trị đã tập trung phân tích, bổ sung vào các nội dung về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ đến. Nhiều ý kiến đồng tình với chỉ tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm bợ...
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội lần này phải thể hiện sâu sắc quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh đối với sự phát triển của quê hương Quảng Nam ở 5 năm đến, vừa có những định hướng, tầm nhìn lâu dài ở những năm tiếp theo. Vì vậy, dự thảo tiếp tục lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và tiếp thu tối đa để xây dựng hoàn thiện với tinh thần thể hiện rõ khát vọng và trí tuệ của Quảng Nam trong giai đoạn mới.