Du lịch khó khăn do dịch viêm phổi cấp: Tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp

VĨNH LỘC 14/02/2020 11:48

Xây dựng kế hoạch kích cầu; tổ chức truyền thông tích cực; giảm, giãn thuế, lãi vay ngân hàng… là những biện pháp được doanh nghiệp đề xuất với các sở ngành liên quan trong buổi làm việc giữa Sở VH-TT&DL với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam diễn ra sáng qua 13.2, về hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn do dịch Covid-19.

Du khách sụt giảm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doạnh nghiệp du lich Quảng Nam. Ảnh: V.L
Du khách sụt giảm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doạnh nghiệp du lich Quảng Nam. Ảnh: V.L

Doanh nghiệp khó khăn

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch duy nhất Đông Dương chia sẻ, hiện các đường bay từ Trung Quốc, Hồng Kông, Macau đến Đà Nẵng cơ bản đã tạm ngưng. Một số đường bay đến từ Singapore, Đài Loan (nơi trung chuyển khách châu Âu) cũng đang có dịch nên khách hạn chế, chỉ còn các đường bay đến từ Hàn Quốc và Thái Lan nhưng số lượng khách không nhiều. Điều này đồng nghĩa các cửa ngõ vào Đà Nẵng của khách du lịch đã bị đóng, du lịch Quảng Nam gặp khó khăn.

Còn theo ông Trần Thái Do – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Á Đông Villas, chủ đầu tư khách sạn Silk Sense Hội An, du lịch Quảng Nam đang trong tình trạng khủng hoảng, nhiều khách sạn khách giảm đến 80% nên tỉnh phải có giải pháp khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp. “Bên cạnh tích cực phòng chống dịch, chúng ta phải có chính sách kích cầu đồng bộ, khác biệt để khách quan tâm. Đồng thời, phải có phương pháp tiếp cận thị trường mới, chọn thị trường trọng điểm nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch” - ông Do đề xuất.

Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp cho rằng trước hết phải xác lập Hội An là điểm đến an toàn. Vì vậy, Sở VH-TT&DL phải có thông tin, giải pháp cụ thể về ứng phó, phòng chống dịch, cung cấp cho doanh nghiệp để giải đáp, trả lời khách khi có yêu cầu.

Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, hiện nay nhiều công ty đã lên kịch bản đóng cửa do nguồn thu không đủ chi phí. Do đó, tỉnh nên sớm ban bố kịch bản ứng phó dịch bệnh để khách biết Quảng Nam luôn trong tình thế chủ động và an toàn. Ngoài ra, tỉnh sớm tổ chức cuộc gặp mặt giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, bảo hiểm, ngân hàng, điện, nước… để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm, giãn thuế, lãi vay ngân hàng.

“Tôi cũng đang tính đến phương án đóng cửa, nhập hai nhà hàng lại để tiết kiệm tiền điện nước, nhân công, bảo hiểm chứ tình hình hiện nay rất căng” - ông Thanh thừa nhận.

Biến khó khăn thành cơ hội

Thống kê bình quân mỗi năm Trung Quốc đón khoảng 137 triệu lượt khách. Dự báo sau dịch bệnh, một lượng lớn khách sẽ dè dặt khi quay lại quốc gia này, nên đây cũng là cơ hội để Việt Nam, Quảng Nam tận dụng thời cơ hút lượng khách trên. Để tận dụng hiệu quả thời cơ này, Chính phủ đã tính đến phương án miễn giảm visa với một số thị trường khách như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thực tế, thị trường khách Ấn Độ được đánh giá khá tiềm năng vì dân số đông, đặc biệt, ngày 14.5 này Hãng hàng không Vietjet cũng chính thức khai trương đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng - New Dehli (Ấn Độ), mỗi tuần 5 chuyến.

Ông Nguyễn Sơn Thủy cho rằng, bên cạnh những thiệt hại thì đây cũng là cơ hội để ngành du lịch và các địa phương sàng lọc, đề ra những định hướng phát triển mới, khắc phục những bất cập trước đây, nhất là trong việc sàng lọc khách, phát triển sản phẩm, xây dựng Hội An trở thành điểm đến cao cấp.

Theo ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, sở luôn phối hợp với doanh nghiệp, địa phương trong điều kiện của ngành để tìm giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Do đó, sau cuộc họp này sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch với từng nhiệm vụ, công việc cụ thể. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề “nóng” nhất hiện nay là phòng chống dịch, truyền thông tích cực, kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, thông điệp kích cầu phải mạnh mẽ, khác biệt và toàn diện; thông điệp truyền thông phải làm nổi bật về điểm đến an toàn. Những thông tin này sẽ được truyền tải trên nhiều kênh thông tin khác nhau.

“Trước mắt, Hiệp hội Du lịch phải có báo cáo tổng hợp về số liệu thiệt hại, cũng như có những đề xuất cụ thể như chậm hoặc giãn nộp thuế, lãi vay, bảo hiểm để sở có cơ sở đề xuất, làm việc với các bên liên quan ngay trong tuần sau. Những việc khác như giảm lãi vay ngân hàng, bảo hiểm, thuế… thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các cơ quan trung ương nên tỉnh phải kiến nghị Trung ương có tiếng nói chung” - ông Tường nói.

Theo ông Tường, bên cạnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn hiện nay, sở cũng sẽ nghiên cứu tái cơ cấu ngành du lịch như chọn khách, chọn thị trường, sản phẩm…; đồng thời cũng sẽ tính toán những lợi hại của việc chọn lựa này đối với doanh nghiệp và cộng đồng.

VĨNH LỘC