Đầu năm đỏ lửa làng nghề
Qua bao thăng trầm, thịnh suy, cụm làng nghề Đông Khương (Điện Phương, Điện Bàn) vẫn mỗi ngày đỏ lửa như tiếp nối những tinh hoa tiền nhân đã lưu dấu trên mảnh đất này.
Đa dạng sản phẩm
Sáng mùng 10 tháng Giêng, Công ty TNHH Làng Đúc Phước Kiều Dương Ngọc Thắng (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) đồng loạt ra quân, khởi đầu mùa sản xuất mới. Năm nay, doanh nghiệp có thêm nhiều việc làm hơn, trong đó, sản phẩm đáng kể nhất chính là hệ thống đài phun nước chất liệu nhôm giả đồng, kích thước cao 3m gồm 5 tầng ghép nối với nhau, trị giá gần 2 tỷ đồng. Dự kiến, sau 6 tháng thi công sản phẩm sẽ được chuyển giao cho khách hàng tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Tiếp đến là chuông đồng nặng gần 1 tấn làm theo đơn đặt hàng từ Thánh thất Hội An…
Từ nhiều năm nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều chùa, khu du lịch trong và ngoài nước, các sản phẩm như: trống đồng, súng thần công, đồng hồ nước, đài phun nước, chuông đồng, chóp đồng… đã trở thành thương hiệu của làng. Đặc biệt, có thể kể đến chiếc đồng hồ nước cao 2,5m, đường kính rộng nhất 1,2m, nặng hơn 500kg đặt tại khu du lịch Bà Nà (TP.Đà Nẵng) hay sản phẩm biểu tượng 12 con giáp bằng đồng (mỗi con cao hơn 1m), lư đồng dài 1,8m, cao 1,5 m, nặng 1,5 tấn với nhiều hoa văn độc đáo.
Theo nghệ nhân Dương Ngọc Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Làng Đúc Phước Kiều Dương Ngọc Thắng, hiện tại đầu ra của sản phẩm làng nghề tương đối vững chắc do đã sáng tạo được nhiều mẫu mã kỹ thuật mới và tiếp cận được thị hiếu người tiêu dùng.
“Khách hàng đưa bản vẽ, chúng tôi sẽ tạo mẫu và lên thiết kế. Nhiều sản phẩm cần kỹ thuật rất cao, phải luôn đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ, kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu đối tác” - ông Thắng nói.
Trước năm 2000 nghệ nhân Dương Ngọc Thắng làm Chủ nhiệm HTX Nhôm đồng Điện Phương, năm 2000 HTX giải thể ông thành lập Công ty TNHH Làng Đúc Phước Kiều Dương Ngọc Thắng. Từ sản phẩm thờ cúng truyền thống, thiếu sức cạnh tranh, thị trường nhỏ lẻ, ông đã chuyển sang sản xuất những sản phẩm phục vụ các dự án du lịch, tâm linh nên đầu ra dần ổn định.
“Thị hiếu tiêu dùng của khách hiện nay là thích đồ đồng vì bền đẹp, nên ngoài việc đón bắt nhu cầu thị trường, phải thường xuyên thay đổi mẫu mã kỹ thuật và cách làm phù hợp” - ông Thắng cho biết thêm.
Năm 2019, tổng doanh thu công ty đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất ra nước ngoài, nhiều đơn đặt hàng sản phẩm mỹ nghệ đã được khách du lịch đặt mua, riêng năm ngoái doanh nghiệp đã xuất sang Úc một đại hồng chung bằng đồng nặng gần 1 tấn, qua đó mở ra cơ hội mới cho thị trường nhiều tiềm năng này.
Nỗ lực giữ nghề
Với bề dày hơn 20 năm, Cơ sở đất nung Lê Đức Hạ đã tạo lập được thương hiệu vững chắc trên thị trường hàng thủ công mỹ nghệ trong nước với các sản phẩm mỹ nghệ trang trí độc đáo. Đến nay, gần 500 mẫu mã với hàng nghìn sản phẩm đã được cơ sở chào bán thị trường. Một số sản phẩm như đèn ốp tường, đèn vườn, phù điêu… được nhiều khu du lịch, quán cà phê, khách sạn đặt hàng.
Tại các điểm du lịch như Khu đền tháp Mỹ Sơn, Hội An, kể cả làng gốm Thanh Hà, sản phẩm của cơ sở Lê Đức Hạ đều hiện diện. Nghệ nhân Lê Đức Hạ - chủ Cơ sở đất nung Lê Đức Hạ chia sẻ, sản phẩm tại cơ sở chủ yếu phục vụ du lịch nên mẫu mã phải luôn được đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thị hiếu khách hàng. Dù vậy, vài năm gần đây đầu ra cũng giảm dần.
“Khó khăn đầu ra sản phẩm vẫn là câu chuyện muôn thuở nên nỗi lo của tôi hiện nay không phải là nghề mai một hay thiếu người kế cận mà chỉ lo không sáng tạo được mẫu mã mới cho khách hàng” - ông Hạ chia sẻ.
Đầu năm nay dù chưa có đơn hàng mới nhưng nghệ nhân Lê Đức Hạ vẫn đỏ lửa lò nung như duy trì niềm đam mê với nghề.
Theo nghệ nhân Dương Ngọc Thắng, nỗi lo của ông và làng nghề chính là nguồn nhân lực, khi nhiều thợ chưa thể đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật. Hiện tại, công ty ông có 16 thợ, phần lớn trẻ tuổi, người địa phương, bên cạnh sự yên tâm về người kế cận thì hạn chế nhất của lực lượng này chính là kinh nghiệm và khả năng tiếp cận kỹ thuật như thiết kế, tạo bản vẽ mẫu trên máy tính. Với lịch sử phát triển gần 400 năm tuy có thăng trầm nhưng làng đúc đồng Phước Kiều vẫn khẳng định được sức sống, dù số lò đỏ lửa trong làng hiện chỉ còn khoảng 10 hộ. Có thể thấy, với sự tìm tòi sáng tạo, mở lối đi riêng những người như nghệ nhân Dương Ngọc Thắng hay Lê Đức Hạ vẫn luôn là mạch nguồn tiếp nối sự sống cho nghề truyền thống cha ông để lại.