Về đồng du xuân
Du xuân trên đồng làng, để tìm sự thư thái, yên bình, để trở về với ký ức tuổi thơ, để tránh những sự ồn ào, đông đúc là xu hướng của nhiều người Quảng trong tháng Giêng này.
Một số làng quê xứ Quảng từ lâu đã trở thành những điểm du lịch nổi tiếng như Triêm Tây (Điện Bàn) hay Trà Quế (Hội An). Những cánh đồng làng bình dị khác của xứ Quảng, cũng trở thành điểm du ngoạn, trở về với thiên nhiên của nhiều người.
Tháng Giêng trời nắng đẹp. Ruộng đồng xứ Quảng ngan ngát xanh. Màu xanh của lúa, của rau màu, điểm xuyết những vạt cải trổ hoa vàng hay đám mướp, đám bí ngô, dưa leo đang kỳ cho hoa cũng vàng rực một góc ruộng… Rồi những cánh đồng hoa quả trên vùng đất Quảng Nam: hoa hướng dương ở Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ), hoa sao nhái ở Điện Minh (thị xã Điện Bàn), hay vườn ổi Hồ Lộc ở xã Đại Minh (Đại Lộc)…, cũng đều lôi cuốn những bước chân du xuân. Nắm bắt tâm lý thích trở về với thiên nhiên, với những gì gần gũi đời sống, nhiều người đầu tư trồng hoa, canh cho hoa nở vào mùa xuân và bắt đầu mở cửa đón khách từ những ngày đầu năm mới.
Mỗi khi về làng ở thôn An Thái (xã Bình An, Thăng Bình), anh Nguyễn Công Định (sống ở Đà Nẵng) cũng đều dành thời gian tản bộ ra cánh đồng lúa gần nhà anh. Chỉ là lúa thôi, nhưng với anh lại có sức hút kỳ lạ. Là bởi, theo anh Định, cánh đồng làng nuôi dưỡng nhiều kỷ niệm của tuổi thơ anh và bạn bè; là nơi ngày xưa anh chăn trâu, cắt cỏ, làm đồng. Giờ sống ở phố thị, mỗi khi về quê hay tết đến xuân về, anh luôn vòng vèo khắp đồng làng, để sống dậy những ký ức để cảm thấy yêu quê hương hơn và trân quý hơn những gì có được ở hiện tại.
Đầu tháng 2 này, sau khi ảnh cây cầu tre nối 2 xã Đại An với Đại Cường (Đại Lộc) được một người đưa lên Fanpage Đại Lộc, nhiều người đã đến đây check-in. Phong cảnh nơi đây được cho là giống cảnh trong phim Mắt biếc. “Dòng sông này, cây cầu này mình qua lại nhiều lần khi làm đồng, cả gốc cây to mọc ven sông nữa, mọi thứ đều rất gần gũi với mình. Cảnh quê hương đẹp, yên bình như thế này mà lâu nay mình không để ý, cho đến khi tình cờ xem ảnh trên trang Đại Lộc, mình đã rủ bạn bè về đây làm một album và bạn bè mình ai cũng trầm trồ” - chị Thu Hiền (xã Đại An) nói.
Với chị Lê Thị Thanh Hoa (xã Tiên Kỳ, Tiên Phước), điểm du xuân chị nghĩ đến đầu tiên chính là những cánh đồng nằm kề chân núi ở vùng quê bán sơn địa xứ Tiên. Chị Thanh Hoa chia sẻ, bởi vì chị yêu quê xứ của mình, nên lúc nào cũng thấy thi vị mà chẳng cần đi đâu xa, đúng như Van Gogh từng nói: “Nếu bạn thực sự yêu thiên nhiên, bạn sẽ thấy cái đẹp ở khắp nơi”. Đặc biệt, một cây bồ quân rừng mọc giữa cánh đồng lúa xã Tiên Mỹ khiến phong cảnh nơi đây thêm đẹp ngỡ ngàng. Nhiều bạn trẻ gọi đây là cây cô đơn và cũng cho là giống một phân cảnh trong phim Mắt biếc. Mấy ngày gần đây, khi hình ảnh cây bồ quân “cô đơn” nằm giữa cánh đồng xanh mướt này được đăng lên mạng xã hội facebook, ngay lập tức địa điểm này đã trở thành “điểm hẹn” của các bạn trẻ Tiên Phước và của nhiều nam nữ thanh niên các địa phương lân cận.
Cánh đồng rau màu làng Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) đang trở thành điểm check in hấp dẫn, không chỉ đối với con em trong làng về quê ăn tết mà nhiều người từ Đà Nẵng vô, từ vùng B Đại Lộc qua. Họ dạo quanh vùng rau, làm vài kiểu ảnh, mua một ít rau củ quả về ăn hay làm quà. Những nông dân làm đồng bỗng dưng trở thành thợ chụp ảnh bất đắc dĩ, nhưng ai cũng vui vẻ, coi như đó là cách góp phần quảng bá vùng rau của làng mình. Từ TP.Hồ Chí Minh về quê nghỉ tết, chị Thu Thủy vội đưa con đến cánh đồng rau củ quả của làng Bàu Tròn. Vừa để giúp con tìm hiểu về thế giới thực vật, vừa cho con gần gũi, tiếp xúc với thiên nhiên và cũng ôn lại một thời chị từng gắn bó với cánh đồng làng. Còn anh Nguyễn Thanh Nhất, sống ở Đà Nẵng, quê ngoại ở thôn Quảng Đại, xã Đại Cường (Đại Lộc), khi ngang qua làng Bàu Tròn, vừa dừng xe mua nông sản của người dân, vừa tranh thủ kéo cả gia đình lội xuống cánh đồng làm vài kiểu ảnh. Anh Nhất nói với vẻ tự hào: “Cảnh quê mình đẹp quá. Khách nước ngoài phải bỏ ra hàng nghìn đô la để sang đây ngắm cảnh, chụp hình ở những nơi như thế này, tại sao mình không chụp cùng nhau mấy tấm để làm kỷ niệm ở ngay trên quê mình...”.