ASEAN thời 4.0
Nền kinh tế ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á) được dự báo sẽ thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050, một phần nhờ vào công nghệ kỹ thuật số.
Những năm gần đây, nền kinh tế ASEAN (bao gồm 10 quốc gia thành viên) tăng tốc với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm là 5,1%, dự báo sẽ được giữ cho đến năm 2022. Đây cũng là một trong những khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) được ví như chất xúc tác và là xu hướng phát triển tất yếu mà ASEAN cũng như nhiều quốc gia, khu vực khác phải đi nếu muốn tăng tốc phát triển. Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tập trung vào tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Do đó, cuộc cách mạng này sẽ có tác động lớn đến ASEAN do lĩnh vực sản xuất chiếm hơn 35% GDP của khu vực. Việc áp dụng công nghệ giúp tăng năng suất sẽ đóng góp hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế ASEAN đến năm 2025.
Trong xu thế đó, các quốc gia thành viên ASEAN nhanh chóng thiết lập tầm nhìn và chính sách để tích hợp các công nghệ như internet vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)… để thích ứng và tận dụng cách mạng 4.0. Được phát động vào cuối năm 2018, chính sách quốc gia của Malaysia về công nghiệp 4.0 (Industry4ward) tập trung chủ yếu vào việc chuyển đổi kỹ thuật số lĩnh vực sản xuất và các dịch vụ liên quan. Theo đó, Malaysia thành lập quỹ chuyển đổi số hóa ngành công nghiệp trị giá 3 tỷ ringgit để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, trọng tâm của Thái Lan thời 4.0 là kỹ thuật số, rô bốt và tự động hóa, hàng không và hậu cần, nhiên liệu sinh học, hóa sinh và y khoa. Một mục tiêu khác cũng được người Thái hướng tới là thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo ASEAN Post, “Công viên kỹ thuật số Thái Lan” được phát triển theo lộ trình 5 năm (giai đoạn 2018 - 2022) theo mô hình kinh tế “Thái Lan 4.0”. Công viên sẽ được chia thành 3 khu, gồm một không gian đổi mới, một trường đại học 4.0 (đào tạo nguồn nhân lực) và một không gian sống.
Philippines thúc đẩy số hóa thông qua các sáng kiến như chiến lược công nghiệp toàn diện nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp, hậu cần và thương mại. Bên cạnh đó là chương trình tăng cường năng lực mới đặt mục tiêu cho Philippines trở thành trung tâm sản xuất ô tô, điện tử, may mặc và thực phẩm. Chính phủ Philippines phân bổ 1,4 tỷ USD để tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Với kế hoạch “Making Indonesia 4.0”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tin rằng đất nước vạn đảo này sẽ thành công trong việc đón đầu làn sóng công nghiệp 4.0 và trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2030. Kế hoạch đồng thời nâng cao hiệu quả năng suất của các doanh nghiệp, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh kinh doanh của họ trên thị trường khu vực và toàn cầu.
Năm lĩnh vực ưu tiên của lộ trình “Making Indonesia 4.0” bao gồm thực phẩm và đồ uống, ô tô, dệt may, điện tử và hóa chất, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Indonesia tăng trưởng ở mức 6% - 7% hằng năm, trong giai đoạn 2018 - 2030.
Tương tự, Việt Nam đã khởi động chương trình “Made in Vietnam 4.0”, là sáng kiến thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước dựa trên chính sách mới, tư duy quản lý mới và những công nghệ mới.
Tháng 10.2019, Việt Nam lần đầu thử nghiệm thành công dịch vụ công nghệ 5G, qua đó kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ tập trung vào cải cách các chính sách của mình nhằm tiếp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh và theo đuổi các dịch vụ và sản phẩm thân thiện với môi trường.