Đầu năm rời làng

QUỐC TUẤN 06/02/2020 12:12

Có chút bâng khuâng, ngậm ngùi khi chuyến tàu, xe đưa những đứa con quê hương quay lại thành phố làm việc. Với họ, làng là nơi để về nhưng gánh nặng mưu sinh vẫn trĩu trên vai nơi góc phố.

Ở nhiều làng nghề, chỉ thấy người lớn tuổi bám trụ với công việc. Ảnh: Q.T
Ở nhiều làng nghề, chỉ thấy người lớn tuổi bám trụ với công việc. Ảnh: Q.T

1. Chiều mùng 7 tháng Giêng, sân đình làng Hà Gia (phường Điện Dương, Điện Bàn) rộn rã thanh âm chiêng trống, người ngựa. Đây là dịp hiếm hoi trong năm để người trong làng tụ họp đầy đủ, thực hiện nghi thức hạ cây nêu theo hướng dẫn của các cụ cao niên và tổ chức liên hoan cầu mong năm mới sung túc, an lành.

Nhưng anh em Đại thì lỡ mất cơ hội đó. Đại đã quá quen với việc lặng lẽ vác hành lý rời làng sau mỗi đận tết, nhưng người em của mình thì dường như vẫn còn quyến luyến.

Tạt ngang sân làng, Giang thấy hình bóng của mình một thời chưa xa từ những đứa trẻ đang í ới đuổi nhau và thấy lòng như thắt lại. Tốt nghiệp ngành môi trường ở một trường đại học danh tiếng, Giang đành bám trụ lại đất Sài Gòn để mưu sinh và nuôi giấc mơ riêng từ ngày thơ bé. Ngoảnh mặt rời đi, cả hai anh em có lẽ sẽ thấy trong lòng trống rỗng với một câu hỏi không có lời đáp, rằng bao nhiêu mùa xuân nữa mình sẽ thôi không phải rời làng?!

Sau tết, mấy con ngõ vòng vèo ở Hanh Đông, Hanh Tây (xã Đại Thạnh, Đại Lộc) vắng hoe bóng người. Nhịp sống nơi đây trở lại êm đềm như thường nhật khi trai tráng trong làng tỏa ra tứ xứ mưu sinh. Ông Phan Văn Năm (một người dân địa phương) bộc bạch: “Mấy đứa con tôi đều ở phố làm công nhân cả chục năm nay rồi. Mùa tết này chúng nó về là mừng vì biết lương, thưởng cũng xông xênh chứ có năm bấm bụng ở lại luôn thì ở nhà cũng hụt hẫng”.

2. Qua hơn hai thập kỷ chuyển mình, nhà máy, công trường ở Quảng Nam đã mọc lên khắp nơi để giảm thiểu thực trạng người trẻ và nông dân ngược xuôi theo con đường thiên lý mưu sinh nơi đất khách.

Với chủ trương “ly nông bất ly hương”, theo ông Nguyễn Kỳ Vĩnh - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, đến năm 2019 toàn tỉnh có khoảng 50 nghìn công nhân. Dù vậy, nhiều nhà quản lý và chuyên môn vẫn cảnh báo thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” khi nhiều doanh nghiệp tại địa phương vẫn “đỏ mắt” tìm lao động trình độ cao, thợ có tay nghề, nhất là “chất xám” trong các ngành công nghệ thông tin, cơ khí…

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động có tay nghề của địa phương rời quê nhà đến các thành phố lớn lập nghiệp từ năm 1997 đến nay vào khoảng 70 nghìn người. Tuy con số này đang giảm dần trong thời gian gần đây nhưng rất khó để nguồn “chất xám” trên trở lại quê nhà làm việc trong tương lai gần.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, ở những làng nghề có tuổi hàng trăm năm cũng hằn nỗi lo thiếu người truyền nghề khi lớp trẻ vẫn nuôi mộng rời làng để đến phố gần, phố xa.

Anh Huân (xã Quế An, Quế Sơn) - một thợ xây trẻ bộc bạch: “Ở làng gốm Thắng Trà quê tôi vẫn còn vài hộ làm gốm nhưng thu nhập trung bình chỉ khoảng 100 nghìn đồng/ngày thì lớp trẻ làm sao bám nghề được. Nghề thợ xây cho các công trình tuy vất vả với nay đây mai đó có khi mấy tháng chưa về nhà, nhưng mỗi tháng cũng được hơn chục triệu đồng, tiêu pha xong còn dành dụm được gửi về cho gia đình”.

Những tốp thợ như anh Huân sẽ có thời gian nghỉ sau tết dài hơn một chút nhưng một mai rồi họ cũng sẽ rời làng để theo tiếng gọi của... phố xá. Rời xa cổng làng, những ưu tư rồi cũng phải lắng lại dưới vòng quay hối hả của công việc. Đầu năm rời làng, trong thâm tâm họ vẫn mong đến ngày sớm trở về.

QUỐC TUẤN