Cấp bách phòng chống

LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC 05/02/2020 09:01

Chiều 4.2, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra, đánh giá tình hình và triển khai cấp bách một số biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì cuộc họp cùng sự tham gia của các sở ngành, địa phương toàn tỉnh. 

Doanh nghiệp du lịch ở Hội An hỗ trợ du khách đo thân nhiệt. Ảnh: HIỀN VIÊN
Doanh nghiệp du lịch ở Hội An hỗ trợ du khách đo thân nhiệt. Ảnh: HIỀN VIÊN

Xoay xở với xáo trộn

Tại cuộc họp, có khá nhiều tình trạng xáo trộn do dịch corona gây ra được các sở ngành cũng như địa phương nêu ra. Trong đó, tại Hội An xảy ra tình trạng tài xế taxi từ chối chở khách Trung Quốc, cũng như một số cơ sở lưu trú “né” việc đón khách Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, từ mùng 6 Tết Nguyên đán đến nay, lưu lượng khách đến Hội An giảm 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dòng khách Âu lại tăng lên. Cùng với đó, việc dừng hẳn các hoạt động lễ hội - trong khi ở thời điểm này hằng năm Hội An lại là nơi đón khách tìm đến vì các sự kiện hội lễ - khiến nguồn thu từ du lịch giảm đáng kể. TP.Hội An đưa ra phương án thành lập đội xe lưu động chuyên phục vụ khách Trung Quốc cũng như đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ lắp đặt máy đo thân nhiệt ở khu vực trung tâm phố cổ, ngoài ra duy trì các hoạt động tham quan tại các điểm trên địa bàn, trang bị thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa Hội An...

Trong khi đó, tại Cảng Hàng không Chu Lai, việc lúng túng về một quy trình chuẩn kiểm dịch y tế cho sân bay nội địa khiến đơn vị này gặp khó khăn. Ông Lê Minh Triều - Giám đốc Cảng Hàng không Chu Lai cho biết, tết năm nay, đơn vị đã đón lượng khách quốc tế tăng hơn năm ngoái. Trong đó có 9 khách Trung Quốc đi từ Chu Lai (2 trong số 9 người này đã bị cách ly tại sân bay Nội Bài vì có các triệu chứng sốt, ho), tuy nhiên rất may mắn đã không xảy ra tình trạng dịch bệnh.

“Nhân viên tại Cảng Hàng không Chu Lai cần được bảo hộ vì chúng tôi tiếp xúc hằng ngày với một lượng khách đến và đi khá lớn. Mới đây, chúng tôi đã cầu cứu đến Sở Y tế về nguồn cung khẩu trang và dung dịch sát khuẩn. Tuy nhiên, vì tình trạng khan hiếm chung của cả nước nên đơn vị phải tìm đến “chợ đen” mới mua được khoảng 4.000 chiếc” - ông Lê Minh Triều nói. Sau cuộc làm việc vào sáng ngày 3.2 cùng Sở Y tế, Cảng Hàng không Chu Lai thực hiện khâu khử trùng diệt khuẩn vào cuối mỗi ngày nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Đồng bộ vào cuộc

Ở góc độ lao động nước ngoài tại địa phương, hiện nay ngoài 13 lao động Trung Quốc đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn tỉnh, ở một số doanh nghiệp vẫn đang có chuyên gia người Trung Quốc làm việc. Đại diện Panko Tam Thăng cho biết, doanh nghiệp có 4 chuyên gia Trung Quốc vừa đến làm việc và đơn vị này đã thực hiện cách ly từ ngày 2.2 theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đã tạm dừng cấp phép mới cho lao động người nước ngoài đến làm việc, cũng như tạm dừng tiếp nhận các đoàn từ thiện đến hỗ trợ tại 8 đơn vị trung tâm trực thuộc sở. Đối với 10 lao động của tỉnh đang làm việc tại Trung Quốc, qua theo dõi của Sở LĐ-TB&XH, các lao động này không về quê ăn tết và sức khỏe vẫn ổn định tại các địa phương của Trung Quốc. 

Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh - Lương Viết Tịnh cho rằng, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam vẫn còn tình trạng khan hiếm khẩu trang, nước sát khuẩn. Một số cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, nhà thuốc có bán mặt hàng này, tuy nhiên số lượng rất ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Tính đến 10 giờ ngày 4.2.2020, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và yêu cầu 401 cơ sở kinh doanh, nhà thuốc ký cam kết bán khẩu trang, nước sát khuẩn đúng giá; trong đó có 1 trường hợp vi phạm về giá bán và bị xử phạt hành chính, 1 vụ chờ xử lý và tạm giữ 120 hộp khẩu trang loại 50 cái/hộp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, các khách sạn, nhà hàng… trên địa bàn tỉnh rất cần nhiều khẩu trang y tế, nước sát khuẩn để phát cho nhân viên, khách lưu trú. “Vì vậy chúng ta cần phải công bố các điểm bán khẩu trang, nước sát khuẩn và niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ để cho mọi người dân, du khách mua yên tâm” - ông Hồng nói. Trong khi đó, theo các bác sĩ tại một số bệnh viện, hiện nay thiết bị vật tư y tế để phòng và chống dịch chưa đảm bảo; tại nhiều cơ sở y tế thiếu thiết bị bảo hộ cho cán bộ y tế, có nơi phải dùng tạm đồ bảo hộ của nhiều năm trước. 

Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần chủ động khai báo thông tin về khách nước ngoài đến làm việc tại đơn vị mình với địa phương để có các phương án ứng phó phòng chống dịch. Với doanh nghiệp có người Trung Quốc, cần tự mình quản lý mình.

Theo đó, phải xây dựng phương án cách ly, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất của doanh nghiệp… và có trách nhiệm khai báo với chính quyền địa phương đối với người lao động nước ngoài tạm trú, cư trú, đảm bảo an toàn tại cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo từ Trung ương về cách ly đủ 14 ngày đối với những ai đi qua 31 vùng tại Trung Quốc. Đồng thời đề nghị Sở Y tế làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về việc dự kiến thành lập khu cách ly tập trung tại Tam Phú (TP.Tam Kỳ) và Bệnh viện dã chiến tại Núi Thành. Ngoài ra, các hoạt động tập trung đông người đều cần xem xét để tạm dừng.

Đối với công tác thông tin truyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế mỗi tuần 1 lần thông tin tổng hợp về tình hình dịch bệnh trên trên Báo Quảng Nam và Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam. Đối với ngành du lịch, cần thực hiện các phần việc từ quản lý chặt chẽ khách trên địa bàn từ khách lẻ đến khách đoàn, cơ sở lưu trú, thành lập các điểm hỗ trợ thông tin và thiết bị, thành lập taxi lưu động trọng điểm tại TP. Hội An.

LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC