Tình yêu hướng về quê núi

PHƯƠNG GIANG - ĐĂNG NGUYÊN 02/02/2020 06:13

(Xuân Canh Tý) - Một acoon Kinh (người con đồng bào Kinh - theo tiếng Cơ Tu) từng đối đầu với những “sóng gió” đến từ quan niệm lạc hậu của đồng bào, cuối cùng lại được tất cả bà con đón nhận và thương yêu. Vui buồn rồi như sợi khói, tan đi theo năm tháng. “Rồi bà con cũng hiểu, cũng biết tấm lòng của mình”, như lời anh Bùi Đức Ngọc chia sẻ.

Bùi Đức Ngọc trao đổi với người dân ở cơ sở. Ảnh: N.C
Bùi Đức Ngọc trao đổi với người dân ở cơ sở. Ảnh: N.C

Con của làng

Vùng cao co mình trong cái lạnh se sắt. Mùa đông đến muộn. Sương giá còn đọng trên cây, chúng tôi theo chân Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn P’rao (Đông Giang) - Bùi Đức Ngọc ngược dốc về làng. Điểm đến, là nhà của Ating Đhía, trưởng nhóm bảo vệ rừng của địa phương. Bên bếp lửa, có tiếng chào vọng ra. Một nhóm người đã chờ sẵn. Họ đã quá quen với anh Ngọc. Trước và sau mỗi chuyến đi tuần rừng, anh đều có mặt. Ngoại trừ những lúc có công việc cấp bách của thị trấn, thôn, còn lại anh dành thời gian để gặp, nghe bà con kể về chuyến đi, ghi chép những dấu hiệu bất thường. “Mùa này rét. Nhưng anh em cố gắng, đừng bỏ tuần tra. Càng gần tết, tình hình càng phức tạp. Có khi chỉ cần vắng một hai bữa là các đối tượng đã chặt mất một vạt rừng, đặt vài trăm bẫy thú” - anh Ngọc dặn dò.

Anh thích về cơ sở. Ở đó, anh nghe được nhiều câu chuyện, gặp được từng người. Cái khó, cái khổ, cái làm được, bà con đều kể hết. Nhiều câu chuyện khó có thể biết nếu chỉ ngồi trong văn phòng ở thị trấn. Chuyện chung nhiều, chuyện riêng cũng lắm. Chúng tôi gặp Ating Nghĩa, một thanh niên ở làng A Duông. “Hôm nay không đi làm à?”. “Nửa tháng nay, họ không gọi”. “Làm gì?”. “Em đi bốc keo cho họ thôi”. Ngọc ghé vào nhà Nghĩa. Câu chuyện giữa hai người tiếp tục, bằng tiếng Cơ Tu. Dứt chuyện, anh mở điện thoại, gọi cho ai đó. “Ngày mai, xuống gặp anh. Anh giới thiệu đi làm với tổ thợ xây dưới thị trấn. Làm, có cái mà sắm sửa cho tết, lo cho vợ con chứ!” - Ngọc vỗ vai Nghĩa, động viên. Mẹ của Nghĩa đứng gần đó, ra nắm lấy tay Ngọc, ríu rít lời cảm ơn. Bà cũng cùng nỗi lo, khi con trai mình không kiếm được việc làm, vợ lại vừa sinh con.

Ngọc nói với chúng tôi, chuyện như Nghĩa không hiếm. Thanh niên đã lập gia đình nhưng khá rụt rè. Thành thử, nhiều lúc phải “dài tay”. May nhờ những chuyến đi, anh quen biết nhiều, việc kết nối cũng dễ dàng hơn. “Nhiều lúc phải lấy uy tín của mình ra đảm bảo. Nhưng nghĩ cho cùng thì mình cũng giúp bà con, nên không suy nghĩ gì nhiều. Làm được gì cho bà con thì làm thôi” - Ngọc cười.

Ngược dòng hủ tục

Lớn lên ở vùng cao, Ngọc thạo tiếng Cơ Tu, rành rẽ từng luật tục của đồng bào. Nhưng cũng chính anh lại phải đối diện với nhiều phen “sóng gió”, vì đấu tranh với hủ tục. Một cuộc chiến âm thầm nhưng dai dẳng, đầy thử thách, khi chính quyền không thể có sự giúp sức của... già làng: nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cả một dòng họ từng tìm đến nhà riêng của Bí thư Đảng ủy thị trấn, gây áp lực đòi “xử” Ngọc, chỉ vì kiên quyết ngăn cản một đám cưới mà nhà trai, nhà gái là anh em cô cậu. Việc bất thành, họ tiếp tục phản ứng bằng cách “từ mặt” anh suốt thời gian dài. Anh buồn. Nhưng, bỏ qua những lời trách móc, bỏ qua cả thái độ vô tâm, anh lặng lẽ giúp đỡ bà con, bằng cách riêng của mình. “Nhân vật chính” trong đám cưới rồi cũng lấy được một người vợ khác, sinh con, dựng được nhà nhờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Ngọc gặp thanh niên ấy nhiều hơn, xuống tận nhà để thăm hỏi, động viên. Sự kiên trì của anh xóa dần đi ác cảm. Đến khi mọi người hiểu được chuyện cũ, đã chủ động mời anh đến dự một bữa tiệc, nơi lời xin lỗi được cất lên. Thay cho sự hờn dỗi, họ xem anh như người con trong gia đình. Sự việc gì quan trọng, Ngọc cũng là người đầu tiên được mời.

Đau đáu với hủ tục, nhưng anh cũng trăn trở về văn hóa truyền thống của đồng bào. Nhiều năm trước, anh cùng chính quyền đứng ra vận động bà con thôn Tà Vạc “hồi sinh” nghề nấu rượu cần của người Cơ Tu. Bây giờ, rượu cần Tà Vạc ít nhiều đã gầy dựng được danh tiếng của một sản vật độc đáo ở địa phương. Những lần về làng, anh luôn nhắc bà con, bảo tồn văn hóa không phải chỉ là giữ gươl truyền thống, cất một tấm tút, sắm vài cái ché trong nhà. Mà phải biết tự hào với điệu múa, phải vui, phải quý khi mặc trên người tấm thổ cẩm Cơ Tu, phải nói bằng tiếng mẹ đẻ. Và hơn nữa, phải giữ được những tinh túy của chính ông cha mình.

Có riêng cho mình không ít câu chuyện vui buồn, Ngọc nói, sau tất cả, niềm tự hào lớn nhất với anh, là được bà con quý. “Mình nghĩ, vì mình đã sống với bà con bằng hết tấm lòng, đã ở đây và gắn bó như một người Cơ Tu của chính bản làng. Niềm tin đó giúp mình đồng hành với quê hương này, đi cùng bà con, từng ngày” - Ngọc chia sẻ.

Ở Ngọc, luôn có một tình yêu hướng về quê núi!

PHƯƠNG GIANG - ĐĂNG NGUYÊN