Dấu xưa mở cõi

PHÚ BÌNH 31/01/2020 10:37

(Xuân Canh Tý) - Quá trình mở cõi ở vùng phía nam tỉnh Quảng Nam từ đầu thế kỷ 15 đến cuối thời các chúa Nguyễn hiện còn nhiều dấu tích rõ ràng. Đó là những xóm ấp đầu tiên được thành lập gần con đường thiên lý xưa.

Mộ Chiên Đàn. Ảnh: PHÚ BÌNH
Mộ Chiên Đàn. Ảnh: PHÚ BÌNH

Mấy đợt di dân đến vùng nam Quảng Nam được tư liệu xưa của địa phương ghi nhận. Đầu tiên là đợt di dân từ phía Bắc vào lập trấn Tân Ninh thời nhà Hồ (1400-1407). Kế đó là đợt di dân từ sau khi vua Lê Thánh Tông nam chinh vào năm 1471. Đợt thứ ba diễn ra vào giữa thế kỷ 16 khi Đô đốc Bùi Tá Hán theo lệnh nhà Lê - Trung hưng vào chiếm giữ vùng phía nam phủ Thăng Hoa vốn trước đó do quân nhà Mạc quản lý. Đợt thứ tư - nhiều lần và nhiều di dân nhất - diễn ra từ năm 1600 về sau, khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam (từ 1600). Suốt thời gian dài kể trên, ruộng đất được khai phá, những thôn ấp đầu tiên được lập rồi dần dần được mở rộng lên núi, xuống biển thành huyện Hà Đông với khá nhiều dấu tích còn lưu lại.

Xứ Bà Môn và tờ lục chí của họ Bùi

Tộc Bùi làng Phương Hòa, huyện Hà Đông xưa còn lưu tờ “lục chí” (chọn tìm và ghi lại) cho biết: vào thời Hồ Hán Thương (Thiệu Thành thứ hai - 1402), ông thủy tổ của tộc là Bùi Viết Nhân cùng vợ và bốn con trai từ xã Văn Xá, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam thượng (về sau thuộc tỉnh Hà Đông thời Nguyễn) đến định cư ở xứ đất Bà Môn, sau là ấp An Hòa (nay là phường Hòa Thuận, Tam Kỳ), từ đó mở rộng đất đai và kiến lập xã hiệu Chiên Đàn.

Tờ bản đồ thời Chúa Nguyễn. Ảnh: PHÚ BÌNH
Tờ bản đồ thời Chúa Nguyễn. Ảnh: PHÚ BÌNH

Làng Chiên Đàn và mộ tiền hiền tộc Ung

Tư liệu hiện còn ở làng Chiên Đàn cho biết các tộc Ung, Bùi, Đống, Kiều, Trương, Huỳnh, Lê, Trần, Phạm, Hồ… là những tộc đến ở sớm nhất tại làng này. Trong đó, tộc Ung được giao nhiệm vụ làm chủ bái trong các lễ tiết ở đình làng. Bia mộ tiền hiền tộc Ung có hiệu “Liêm hộ” lập năm Mậu Dần - 1578 (?). Theo truyền khẩu trong họ tộc này, thủy tổ tộc Ung ở Chiên Đàn là người Chăm ở lại, cùng di dân người Việt mới đến lập nên xã Chiên Đàn (nay là hai xã Tam An và Tam Đàn thuộc huyện Phú Ninh và TP.Tam Kỳ).

Ấp Cây Dừa, Cây Chay và bia Tống Sơn

Bài văn khắc gỗ ở ngôi cổ miếu “Tướng quân từ” ở xã Tam An, huyện Phú Ninh lập giữa thời Tự Đức cho biết tên xưa nhất của địa phương này là Cây Dừa. Ấp này ở ngay chân tháp Chiên Đàn, được lập bởi một người tộc Ung ở địa phương và một di dân đến từ bắc Thuận Hóa. Về sau, tên nôm Cây Dừa được chuyển thành Gia Thọ.

Phổ chí tộc Nguyễn làng An Hà nay là phường An Hà (Tam Kỳ) cho biết, vào năm 1585, thủy tổ của tộc là ông Nguyễn Thiên Bôn đã đến vùng này lập nên ấp Cây Chay, sau đổi tên thành An Não, nằm quanh ngọn đồi An Hà. Ở đây hiện còn một ngôi mộ, có bia hiệu “Tống Sơn”, an táng một võ quan họ Huỳnh, chức Chánh đội trưởng, tước Sát Chấn Hầu. Ở vùng Nam Quảng Nam thuộc địa bàn huyện Hà Đông xưa hiện còn nhiều ngôi mộ có bia mộ ghi hiệu (huyện) Tống Sơn - đất phát tích của thủy tổ các chúa Nguyễn ở Thanh Hóa.

Xứ Cây Cau và tờ bản đồ thời chúa Nguyễn

Phía nam ngã ba sông Tam Kỳ, gần tháp Chăm Khương Mỹ có xứ Cây Cau. Các tộc tiền hiền Nguyễn, Trần, Lê, Đỗ lần lượt từ vùng biển Nghệ An, Thanh Hóa vào định cư tại xứ đất này từ sau năm Hồng Đức thứ mười - 1471 đến khoảng sau năm 1556 - khi đô đốc Bùi Tá Hán đưa di dân vào tiếp quản vùng đất nam Thăng Hoa vừa thu lại từ quân nhà Mạc. Ấp Cây Cau về sau đổi tên thành Tân Lang rồi Tân Khương. Một họ tộc ở địa phương này còn giữ một tờ bản đồ mà địa hình và ghi chú tên xứ đất cho biết đó là địa mạo xã Tân Khương hồi giữa thời các chúa Nguyễn (nửa sau thế kỷ 17). Địa phương này, sau hơn năm thế kỷ với nhiều lần đổi tên, nay là xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành.

Thôn Cây Vông và bài thơ mở đất

Ở tờ bản đồ vừa nói trên có ghi tên thôn Cây Vông giáp xã Tân Khương về phía tây. Tư liệu từ tộc Nguyễn - một trong những tộc tiền hiền thôn này cho biết: Thủy tổ của họ vào vùng phía nam tháp Khương Mỹ lập nên hai xóm: Cây Vông và Cây Bông. Về sau, xóm Cây Bông (nơi có một mỏ vàng) tách thành thôn riêng và đổi tên thành Bông Miêu. Tên thôn Cây Vông được đổi thành Bích Ngô trong thời Minh Mạng. Trên tấm bia mộ ông thủy tổ tộc Nguyễn thôn Cây Vông có khắc một bài thơ nói về công sức của các lưu dân đến vùng Nam Quảng Nam buổi đầu (trích): “Kể từ lưu đáo Quảng Nam dinh/ Sinh hạ ngày nay đến ở mình/ Mưu để cháu con nên khẩn ruộng/ Kính thờ thần thánh mới lập đình/ Đào ao đắp đập phòng trời hạn/ Đãi cát bòn vàng nạp thuế thanh…”.

Đoạn thơ trích trên đã khái quát được rất nhiều điều về người mở cõi ở vùng nam Quảng Nam xưa.

PHÚ BÌNH