Đường thiên lý và trạm thư qua Quảng Nam xưa
(Xuân Canh Tý) - Con đường thiên lý Bắc - Nam cha ông ta đã mở lối và đi suốt dặm dài lịch sử hơn nửa ngàn năm. Những lưu dân mở cõi “đầu đội trời, chân đạp đất” với những chiếc túi lớn trên vai, ra đi mang tâm thế can trường, tùy nghi ứng biến với bao chướng ngại nơi vùng đất mới.
Đường cái quan
Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi xác định “nay xét Thuận Hóa về mặt đường bộ thì qua Ải Vân đã tới Thăng Hoa”. Cũng sách ấy có lời bình của Ngô Thời Sĩ: “…Đến thời họ Hồ, vua Chiêm đem dâng Chiêm Động tức địa giới của Đại Chiêm, tính theo đường bộ là từ Kim trạm trải qua Câu Đê, Cẩm Sa cho tới tỉnh Quảng Nam là Đại Chiêm Động. Lộ trình phải trải qua ba ngày đường…” (Nguyễn Trãi, Ức Trai tướng công di tập - Dư địa chí, Sài Gòn xuất bản,1966).
Vào thế kỷ 18, cuốn sách khảo tả con đường thiên lý “mở rộng bờ cõi về phương Nam” chân xác nhất là cuốn “Quảng Thuận đạo sử tập” (NXB Đại học Vinh, 2018) của quan Đề đốc học chính Thuận Quảng Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785). Sách ghi lại đường đi, các trạm dịch, dư địa chí của hai tỉnh Thuận Hóa và Quảng Nam cũng như việc thể hiện sinh động bằng bản đồ vùng đất Thuận Quảng trong mối tương quan giữa núi non và sông biển.
Đường bộ, theo sách trên mô tả: “…từ núi Ải Vân theo đường Thuận Hóa mà vào có bốn tuyến đường như sau (trong phạm vi bài viết này chỉ chọn hai đường bộ liên quan đến Quảng Nam - NV): Con đường từ đò Ải (Vân), cầu Tứ Khê, qua 5 tầng đỉnh núi, đến đò Cu Đê là 1 ngày, 3 canh giờ. Lại một đường vượt núi Hoa Ổ (Hoa Sơn - quán Hoa Ổ, huyện Hòa Vang) thông qua núi nhỏ Thanh Khê, Bàu Đất, đến bến đò Mỹ Thị là 1 ngày 2 canh giờ. Từ Mỹ Thị qua sông Tam Hà (tục gọi là Ba Đò) đến (quán) Cẩm Sa là 1 ngày 3 canh giờ. Từ Cẩm Sa đến dinh Quảng Nam là 1 ngày 3 canh giờ. Từ Quảng Nam đến bến đò Kẻ Thế (sông Sài Thị) là 1 ngày 3 canh giờ. Từ Kẻ Thế vượt qua đò Bà Rèn (Rén) đến quán Hà Lam là 1 ngày… Từ Hà Lam vượt tháp Bà Dầu đến Chiên Đàn là 1 ngày 3 canh giờ. Từ Chiên Đàn vượt cầu, vượt đò Tam Kỳ đến bến đò Bầu Bầu Tây (sông Bàu Bàu) là 1 ngày 3 canh giờ rưỡi. Từ đò Trà Lý đến Bến Ván, vượt qua sông là 1 ngày 2 canh giờ. Từ Bến Ván vượt qua Quán Ốc, bến đò Châu Ổ là 1 ngày 3 canh giờ…”.
“Quảng Nam thất trạm”
Từ thời Gia Long, những năm đầu thế kỷ 19, đường chuyển thư (công văn, văn bản, thư tín…) đều phải dựa vào đường bộ và người chuyển thư phải dùng ngựa (gọi là ngựa trạm). Trên đường cái quan, từ Móng Cái đến Hà Tiên chừng 4.000 trượng thì đặt một sở nhà trạm. Trạm là nơi người đưa thư “đổi ngựa, thay người và chuyển giao công văn, thư tín” đi đến các trạm tiếp theo và cũng là nơi dừng nghỉ của các quan lại khi đi kinh lý. Các trạm luôn được dựng sát bên đường, mỗi trạm đều được cấp chừng 4 đến 5 con ngựa tốt, chục người lính trạm có sức khỏe tốt, luân phiên nhau chuyển công văn, thư tín đến trạm kế mình. Thời kỳ này, con đường từ Nam Ô đến Cẩm Sa đã có đoạn được mở, được đắp đất dọc vùng Đà Sơn, Phước Tường, Cẩm Lệ… theo hướng gần trùng với quốc lộ 1 ngày nay.
Con đường cái quan qua Quảng Nam là đường thư hết sức quan trọng trong công vụ, giao thương kinh tế cũng như quốc phòng với vùng lãnh thổ phương Nam. Triều đình Huế đã đặt ở Quảng Nam 7 trạm thư - thường gọi là “Quảng Nam thất trạm”. Các nhà trạm đều được xây gạch, đá, lợp ngói và số lượng phu trạm cũng đông đến hàng chục người để phục vụ nhu cầu chuyển thư trạm tăng bởi giao thương kinh tế hàng hóa, khí tài quân sự để phòng thủ của kinh sư… với thương thuyền các nước phương Tây. Bảy trạm thư ở Quảng Nam gồm: Nam Chân - dưới núi Chân Sảng, nơi nhà Nguyễn xây đồn Chân Sảng ở vị trí “tiền tiêu” vùng Hải Vân quan; Nam Ô - gần cửa sông Cu Đê, thuộc làng Hóa Ổ (nay thuộc phường Hòa Hiệp, Liên Chiểu); Nam Giản - thuộc làng Miếu Bông (nay là xã Hòa Phước, Hòa Vang); Nam Phước (nay thuộc thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên); Nam Ngọc (nay thuộc Hà Lam, Thăng Bình); Nam Kỳ (nay thuộc Tam Kỳ) và Nam Vân (nay thuộc vùng Chu Lai - Kỳ Hà giáp với tỉnh Quảng Ngãi).
Theo bản đồ “Quảng Nam toàn đồ” (tư liệu của Ths.Nguyễn Hữu Thông - Viện VH-NT khu vực miền Trung tại Huế) thì đường thư từ Hải Vân uốn cong theo hướng tây nam để đến trạm chân đèo là Nam Chân, từ đó đường đi thẳng đến trạm Nam Ô. Từ Nam Ô đường tiến về phía đông đến Chợ Mới - lỵ sở huyện Hòa Vang, “…men theo dãy núi đất Cẩm Lệ, vượt qua sông Cẩm Lệ bằng đò Cẩm Lệ để đến trạm Nam Giản (Miếu Bông), rồi từ trạm Miếu Bông đường thư đi thẳng vào tỉnh thành La Qua (Vĩnh Điện) và tiến vào nam theo các trạm Nam Phước, Nam Ngọc, Nam Kỳ và Nam Vân” (sách “Văn hóa xứ Quảng, một góc nhìn”, nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng 2007, tr.96).
Đường thư trạm trên đất Quảng Nam có vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin về kinh tế xã hội, những thông tin về thiên tai, địch họa và chuyển công văn về những chính sách quản lý, điều hành xã hội của triều đình. Đến khoảng đầu thế kỷ 20, con đường thư trạm này được Pháp thảm nhựa, xây song song với đường bộ là đường xe lửa và lập “đường dây thép” (đường điện thoại). Kể từ năm 1886 khi đường “dây thép” được Pháp xây dựng từ Huế vào thì vai trò của trạm thư dần mai một. Đường thư xưa gợi nhớ đến con đường Nam tiến “mở cõi” của cha ông, đi về phương Nam với khao khát khai phá những đồng ruộng, bờ bãi mới.