Vui tết cùng đồng bào Cơ Tu

ALĂNG NGƯỚC 31/01/2020 10:31

Gần chục năm ở Việt Nam, lần đầu tiên Marni Tamara (quốc tịch Úc) cùng những người bạn của mình quyết định lên huyện vùng cao Tây Giang dịp tết để được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống đầy thú vị của đồng bào Cơ Tu.

Chị Marni Tamara cùng nhóm bạn thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Cơ Tu ngày tết. Ảnh: L.P
Chị Marni Tamara cùng nhóm bạn thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Cơ Tu ngày tết. Ảnh: L.P

Trải nghiệm xuân đại ngàn

Khác với những thường lệ cũ, năm nay, nhóm bạn của Marni Tamara gồm người bạn đồng hương Alec Charles và Emmanuel (quốc tịch Pháp) - hiện sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh - đã tìm đến các bản làng của đồng bào Cơ Tu để đón tết. Dù hành trình chỉ bắt đầu từ mùng 3 Tết, nhưng Marni Tamara nói, chị và bạn đồng hành đã thực sự có trải nghiệm thú vị, tham gia lễ hội và được hòa mình trong không gian ngày tết cổ truyền của người dân địa phương.

“Không chỉ khí hậu mát mẻ, người dân ở đây còn rất thân thiện và hiếu khách. Vì thế, chúng tôi cảm thấy khá thoải mái khi cùng họ tham gia ngày hội tết chung, cùng thưởng thức những món ẩm thực rất độc đáo và thú vị. Đây sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ với tôi và nhóm bạn khi lần đầu tiên trải nghiệm trong không gian đón tết cùng đồng bào Cơ Tu. Rất tuyệt vời!” - Marni Tamara chia sẻ.

Suốt thời gian lưu lại ở vùng cao, nhóm bạn của Marni Tamara được tham quan một số điểm du lịch của Tây Giang, trực tiếp đến xem mô hình trồng cây dược liệu ba kích dưới tán rừng, khám phá nét đẹp phong tục trong ngày tết của đồng bào Cơ Tu. Tại các nơi đến thăm, nhóm bạn của Marni Tamara đều bày tỏ niềm phấn khích. Họ chiêm ngưỡng khá lâu tại các khu nhà làng, gươl truyền thống; khám phá những nét hoa văn, kiến trúc độc đáo được khắc họa trên vách gươl. Những khoảnh khắc đáng nhớ được nhóm bạn của Marni Tamara lưu lại trong máy ảnh, cẩn thận ghi chép trong cuốn sổ cá nhân để làm tư liệu và kỷ niệm cho chuyến đi thú vị.

Anh Emmanuel tâm sự, trước khi thực hiện chuyến đi, ngoài đường sá đi lại khó khăn, điều mà nhóm lo lắng nhất là điểm lưu trú qua đêm tại làng bản. Tuy nhiên, mọi sự lo lắng đều được hóa giải khi ở Tây Giang, đồng bào Cơ Tu đã bắt đầu có những khu homestay phục vụ cho du khách. Buổi sáng, giữa tiết trời se lạnh, ngồi quanh bếp lửa, ly cà phê ở vùng cao trở nên ngon hơn bao giờ hết. Vì thế, suốt 2 ngày lưu trú, nhóm của Emmanuel đều đề nghị được ăn sáng ở ngoài trời, bên cạnh bếp lửa rực hồng, ấm áp tình xuân đại ngàn.

Giới thiệu văn hóa Cơ Tu

Anh Pơloong Plênh - người kết nối đưa các đoàn du khách đến tham quan trải nghiệm đồng bào Cơ Tu đón tết chia sẻ, ngoài nhóm của Marni Tamara, trước tết, anh cùng đồng bào địa phương cũng đã đón những vị khách ngoại quốc đến khám phá không khí vui xuân trong hội làng truyền thống ăn trâu mừng gươl mới. Không chỉ bày tỏ niềm thích thú khi tận mắt nhìn thấy đồng bào vui múa trống chiêng, cúng tế thần linh, những vị khách còn được hòa trong sắc phục truyền thống Cơ Tu, cùng nhảy từng động tác ngày mùa trong lễ hội đầu năm. Đặc biệt, khách được cùng đồng bào địa phương thưởng thức các món ăn truyền thống dân dã. Giữa nhịp trống chiêng rộn rã, chén rượu cần mời nhau, tấm lòng người vùng cao càng thêm khăng khít, trọn đầy.

“Du khách nước ngoài rất biết cách để hòa chung trong niềm vui của dân làng. Như dịp lễ hội truyền thống, để tránh “lạc điệu” với cộng đồng địa phương, họ đề nghị được mặc trang phục truyền thống, hòa mình theo các điệu múa tân tung, da dá và cùng uống chung chén rượu cần, ăn chung món ẩm thực truyền thống trong niềm vui ngày hội” - Plênh nói.

Vài năm trở lại đây, khi Tây Giang mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, Plênh đã đứng ra kết nối và cùng đồng bào đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm trong năm. Plênh cho hay, mặc dù lượng khách không nhiều so với ngày thường, nhưng tết luôn mang lại niềm vui và sự trải nghiệm thú vị cho du khách. Tùy theo “khẩu vị” của họ mà có năm Plênh chỉ hướng dẫn tham quan không gian làng truyền thống, cùng các điểm du lịch cộng đồng; có năm thực hiện cả chuyến phượt lên các cánh rừng sinh thái pơmu và một số điểm trồng cây dược liệu.

Cùng với mục đích quảng bá sản phẩm du lịch địa phương, Plênh nói, sự kết nối của anh còn nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu, cũng như những cảnh quan sinh thái độc đáo của Tây Giang đến với du khách gần xa. Vì thế, hầu như tết năm nào Plênh cũng vừa bận bịu với công việc chung của làng, vừa dành thời gian cho việc đón khách đến thăm, cùng trải nghiệm không gian đón tết cổ truyền mang sắc màu văn hóa Cơ Tu nơi miền biên viễn Trường Sơn Đông huyền thoại.

ALĂNG NGƯỚC