Thử nghiệm hiệu quả viên vắc xin chống cúm
(QNO) - Kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 trên người đã được công bố, chứng minh hiệu quả ấn tượng viên vắc xin chống bệnh cúm - theo Newatlas.
Thử nghiệm cũng so sánh viên vắc xin này với vắc xin dùng theo cách tiêm vào cơ thể phổ biến hiện nay. Kết quả cho thấy viên vắc xin an toàn và hiệu quả hơn.
Dùng vắc xin để ngăn ngừa hoặc điều trị, chống lây lan các bệnh truyền nhiễm rất quan trọng, càng nhiều người được tiêm càng tốt. Tuy nhiên, vắc xin dạng thuốc tiêm khó bảo quản, cần phải có cán bộ chuyên môn để dùng. Vì vậy, các nhà khoa học hướng đến việc nghiên cứu phát triển vắc xin dạng viên uống.
Vắc xin dạng viên vừa có giá thành rẻ, dễ vận chuyển, bảo quản, sử dụng. Nhưng, vắc xin lại dễ mất hiệu quả khi đi qua đường tiêu hóa. Đến nay đã có cách để vượt qua khó khăn này.
Công ty công nghệ sinh học Vaxart tại California, Mỹ đã nghiên cứu viên vắc xin trong vài năm qua, đến nay đã vượt qua được giai đoạn thứ 2 trong thử nghiệm đầy ấn tượng.
Có 179 người trưởng thành, khỏe mạnh được chia làm 3 nhóm: nhóm sử dụng vắc xin Fluzone theo kiểu tiêm truyền thống, nhóm dùng viên vắc xin và nhóm được dùng giả dược (thuốc vờ - không hoạt tính). Sau 90 ngày, các đối tượng được thử thách với vi rút cúm.
Bên cạnh không có tác dụng phụ nghiêm trọng, vắc xin uống tỏ ra hiệu quả hơn một chút so với vắc xin tiêm hàng đầu thị trường hiện nay. Viên vắc xin giảm 39% các dấu hiệu bệnh lâm sàng và giảm 47% tỷ lệ nhiễm trùng. Trong khi đó vắc xin dạng tiêm chỉ giảm 27% bệnh lâm sàng và giảm 43% tỷ lệ nhiễm.
Các kết quả này cung cấp bằng chứng lâm sàng cho công nghệ độc quyền của Vaxart, có thể tạo ra một loại vắc xin uống có khả năng bảo vệ cơ thể không thua gì loại vắc xin tiêm Fluzone của hãng Sanofi. Viên thuốc đã không bị niêm mạc đường tiêu hóa làm mất tác dụng khi uống.
Newatlas cho biết viên vắc xin này cần thêm vài năm nghiên cứu tiếp theo để đạt tác dụng mong muốn trước khi ra thị trường.
Wouter Latour - CEO của Vaxart tiết lộ viên vắc xin không chỉ hiệu quả với bệnh cúm mà còn tác dụng với các corona vi rút như SARS, MERS, ngay cả loại vi rút corona (nCoV) gây viêm phổi mới xuất hiện ở Trung Quốc.
Nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases.