Những ngày xuân dịu dàng...

PV - CTV 30/01/2020 10:52

Một cái tết ấm áp vừa qua đi, nhưng vẫn còn bắt đầu những ngày xuân dịu dàng, tươi mới từ đồng bằng, vùng cao cho đến biển đảo của xứ Quảng. Và cũng bắt đầu những ngày bộn bề với bao ước vọng vừa nhóm lên, hay nối tiếp từ xưa cũ, để mỗi người, có thể tìm thấy những ngày xuân, những tháng xuân cho riêng mình...  

Khách quốc tế hào hứng tham gia các hoạt động vui xuân ở Hội An. Ảnh: Q.T
Khách quốc tế hào hứng tham gia các hoạt động vui xuân ở Hội An. Ảnh: Q.T

KHÁCH TÂY VỀ HỘI AN ĂN TẾT

Đến Hội An du lịch vào đúng dịp tết cổ truyền của dân tộc, nhiều du khách ngoại quốc đã có cơ hội hòa mình vào không khí sôi động, trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc của một đô thị vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị xưa cũ.

Cù Lao Chàm năm nay ăn tết không chỉ có niềm vui của người dân xứ đảo mà có cả những khách du lịch từ châu Âu. Theo thống kê, Cù Lao Chàm có tổng cộng 40 cơ sở dịch vụ lưu trú với khoảng 100 phòng. Tết này, lượng khách Tây lưu trú tại các cơ sở này là chủ yếu. Dạo một vòng quanh đảo, dễ bắt gặp hình ảnh du khách quốc tế cùng gói bánh, nấu ăn với người dân tại các cơ sở homestay. Sau các thao tác gói gém vụng về là những tràn cười thân thiện.

Đây là năm đầu tiên Cù Lao Chàm đón lượng khách Tây nhiều nhất đến trải nghiệm văn hóa trong dịp tết của người Việt. Nhiều du khách cho biết, Cù Lao Chàm cuốn hút bởi vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển đảo.

“Tết ở đảo thật tuyệt, được thưởng thức những món ăn truyền thống và thích nhất là món củ kiệu với bánh tét. Món ăn vừa thơm mùi nếp, đậu xanh, lá chuối, ăn với củ kiệu ngâm nước mắm, cà rốt, vừa cay vừa dòn rất riêng...” - anh  Dre Bouvet (du khách Pháp) tâm sự.

Còn vợ chồng chị Irene Hospital (người Đức) thì cảm nhận: “Người dân ở đảo rất thân thiện, họ đã tạo cho chúng tôi một chuyến đi đầy thú vị. Họ tập tôi gói bánh tét, ngâm củ kiệu, đưa chúng tôi leo núi, tắm biển… Ở đây cảm thấy ấm áp như ở nhà”. 

Đến Việt Nam với một chuyến du lịch dài ngày, gia đình ông Robert Hughes (Đức) đã quyết định lưu lại Hội An 5 ngày để đón tết ở đô thị cổ sau khi có sự tư vấn từ bạn bè. Lưu trú ở một homestay tại xã Cẩm Thanh, gia đình Robert sớm được trải nghiệm không khí tết khi cùng người dân địa phương tham gia ngày hội gói bánh chưng, bánh tét trong ngày 29 tháng Chạp để sẻ chia cho người nghèo.

“Đó là lý do chúng tôi muốn lưu trú ở vùng ven đô để cảm nhận sâu sắc phong vị ngày tết phương Đông. Mọi phong tục đều lạ lẫm và khiến mọi người vụng về khi được hướng dẫn thực hiện nhưng sẽ là những trải nghiệm khó quên trong đời” - ông Robert chia sẻ.

Bà Võ Thị Thu - chủ homestay Hương Dừa (Cẩm Thanh) cho biết, tất cả khách lưu trú rất bất ngờ, thích thú khi nhận được phong bao lì xì vào ngày mùng 1 Tết và được hướng dẫn về tục xông đất đầu năm. Họ cũng hào hứng khi được gia chủ đưa đến nhà văn hóa để khám phá cây nêu, nghe hô hát bài chòi, nhiều khách còn đi xem hô hát bài chòi đến hai ba lần.  

Cũng như Robert, hàng nghìn du khách quốc tế khác đặt chân đến Hội An dịp này đã có nhiều trải nghiệm thú vị. Nhiều công ty lữ hành như Vietravel, Saigontourist, Danatravel, Saoviettravel… đều thiết kế các tour xuyên tết, khám phá tết cổ truyền ở miền Trung, trong đó Hội An là điểm dừng quan trọng trên hành trình.

Đại diện Danatravel thông tin, ngoài các điểm đến cố định được thiết kế trong tour tuyến tại Hội An như Chùa Cầu, du thuyền trên sông Hoài, các hội quán… đơn vị còn khuyến khích hướng dẫn viên dành thời gian để du khách dừng chân trải nghiệm các hoạt động như thi đập niêu đất, chơi cờ người diễn ra trong dịp tết để du khách hiểu thêm về văn hóa địa phương.

Chị Phan Hoài Liên - một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Trong ngày mùng 1 Tết vừa rồi, một cặp du khách người Hà Lan thậm chí còn chủ động báo hủy tour đã đặt để tự mình rong ruổi khám phá các hoạt động ngày tết ở Hội An và một số bạn hướng dẫn của tôi cũng gặp trường hợp như thế trong dịp tết này”.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, dù ít nhiều bị ảnh hưởng bởi du khách e ngại thông tin từ dịch viêm phổi cấp nhưng du lịch Hội An vẫn duy trì đà phát triển ổn định.

Theo thống kê từ Phòng VH-TT TP.Hội An, trong dịp Tết Nguyên đán (tính từ ngày 30 đến mùng 4) đã có 31.234 khách lưu trú, tăng gần 120% so với năm ngoái; trong đó khách quốc tế chiếm hơn 75%.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ để có thống kê chi tiết lượng khách Trung Quốc tham quan, du lịch Hội An theo từng ngày. Cụ thể, trong 5 ngày (từ 29  đến mùng 3 Tết) đã có 5.751 du khách Trung Quốc ghé thăm Hội An.

Tháng Giêng được xem là mùa lễ hội chính ở Hội An nên du khách ghé thăm đô thị cổ dịp này không phải lo sẽ bỏ lỡ các cơ hội cảm nhận phong vị quê nhà đậm đà nơi đây.

Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT & TT-TH TP.Hội An, ngay sau dịp tết, chuỗi lễ hội sẽ diễn ra nối tiếp nhau phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách như Lễ hội cầu bông Trà Quế (mùng 7), đua ghe đảo thủy Cẩm Kim (12 tháng Giêng), Lễ hội bắp nếp Cẩm Nam (rằm tháng Giêng)... sẽ khiến du khách say lòng khi về với Hội An.

VÙNG CAO ẤM ÁP

Từ nghi thức chào cờ đầu năm, tục chia phần ngày tết, cho đến không gian hội làng truyền thống được diễn ra trong cộng đồng đã góp thêm sắc màu cho hoạt động vui xuân đón tết ở vùng cao thêm ấm áp, an lành.

Những phần thịt được chia đều để dành tặng các hộ dân của làng trong ngày tết. Ảnh: RIAH NHÍT
Những phần thịt được chia đều để dành tặng các hộ dân của làng trong ngày tết. Ảnh: RIAH NHÍT

Chào cờ đầu năm

Đã thành thông lệ, cứ sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, đồng bào vùng cao ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang đều thực hiện nghi thức chào cờ đầu năm mới. Hoạt động này, bên cạnh tạo không gian sinh hoạt truyên thống gắn kết cộng đồng, còn là dịp thể hiện tình yêu với Tổ quốc, ghi dấu mốc cho sự khởi một năm mới bình yên, đủ đầy.

Ông Bríu Hồ - Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm (Tây Giang) cho biết, nhiều năm nay, cứ vào sáng mùng 1 Tết, chính quyền địa phương đều duy trì hoạt động chào cờ đầu năm mới cho cán bộ xã, thôn trên địa bàn. Sau nghi lễ chào cờ, đại diện lãnh đạo xã thông tin đến toàn thể cán bộ về tình hình đón tết của đồng bào địa phương, đồng thời phân công cán bộ đến từng thôn để chúc tết, cùng đồng bào đón chào năm mới.

“Như một nét đẹp ở vùng cao, ngày tết, nhất là vào sáng mùng 1, đồng bào thường rất vui khi có sự góp mặt của khách. Vì thế, năm nào chúng tôi cũng tìm đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình để chung vui với không gian ngày tết của cộng đồng vùng cao” - ông Hồ chia sẻ.

Ngày đầu năm mới, đồng bào Cơ Tu ở thôn Vinh (xã Tà Pơơ) hay đồng bào Ve ở thôn 58 (xã Đắc Pre, Nam Giang) cũng đều tập trung trước gươl để cùng dự buổi lễ chào cờ, thể hiện trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng. Vốn được xem như ngày tết làng, mùng 1 Tết bao giờ cũng diễn ra với nhiều hoạt động chung của dân làng.

Tùy theo điều kiện mỗi gia đình, họ mang đến “tết chung” những món ẩm thực truyền thống, từ bánh sừng trâu, thịt xông khói, ghè rượu cần... cùng góp hương vị tết thêm đậm đặc sắc màu văn hóa vùng cao.

Ngoài ra, các hoạt động vui chơi văn hóa thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống cũng được lồng ghép trong buổi lễ chào cờ đầu năm, tạo sự gắn kết, cầu mong một năm mới luôn yên vui, ấm áp.

Vui tết chung cộng đồng

Suốt hàng chục năm, kể từ khi người vùng cao bắt đầu ăn tết cổ truyền, đồng bào thường giữ nếp sinh hoạt chung cộng đồng trong những ngày vui xuân đón tết. Đây được xem như một không gian tết làng được duy trì và gìn giữ với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đậm sắc màu núi rừng.

Theo ông Alăng Chia - Bí thư Chi bộ thôn Arooi (xã Ga Ri, Tây Giang), ngày tết, bên cạnh không gian vui xuân theo từng nhóm gia đình và tộc họ, đồng bào vùng cao thường tổ chức ngày hội chung của làng. Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi làng, ngày hội chung có thể chỉ mổ heo, bò hoặc trâu. Đây vừa là vật để tế thần linh, vừa là thực phẩm phục vụ bữa ăn chung, cũng như tặng phẩm quà tết cho tất cả cư dân của làng.

Ngày tết, cùng với nhịp trống chiêng và vũ điệu tâng tung, da dá, đồng bào cùng nhau chung vui bữa cơm chung đặc biệt trong gươl, câu hát lý vang theo hương men rượu cần đầy ấm cúng.

“Trước khi bữa ăn chung được diễn ra, phần thịt được chia đều cho từng gia đình như món quà tết của cộng đồng dành tặng cư dân trong làng. Những miếng thịt được xắt đều nhau, rồi đùm trong lá chuối để đồng bào mang về chế biến thành các món ẩm thực đón khách trong ngày tết gia đình. Dù phần thịt không nhiều nhưng đây là tình cảm chung của dân làng thể hiện sự đoàn kết, nhường nhịn nhau trong cuộc sống” - ông Chia nói.

Trong không khí tết, bên cạnh vui cùng cộng đồng, người vùng cao đã bắt đầu tổ chức các cuộc du xuân trên những nẻo đường về khắp bản làng. Khi cuộc sống đang dần đủ đầy, đường sá ngày thêm thuận lợi, tết cũng là dịp để người vùng cao thăm thú nhau trong tục tr’záo, cầu mong một năm mới sung túc, an lành.

SẮC MÀU NGÀY XUÂN...

Thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ chào đón xuân Canh Tý 2020 bằng nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng sắc màu.

Người dân du xuân ở Quảng trường 24.3 thành phố Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Người dân du xuân ở Quảng trường 24.3 thành phố Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tết năm nay, không chỉ đường phố khang trang, thoáng đãng, đô thị Tam Kỳ còn khoác trên mình “bộ áo mới” bằng khá nhiều cổng chào đẹp mắt, trang trí công phu được dựng lên tại những nút giao thông quan trọng của thành phố như Trần Hưng Đạo - Phan Châu Trinh, Trần Phú - Phan Châu Trinh hay Huỳnh Thúc Kháng - Hùng Vương. Tất cả đã tạo nên những điểm nhấn khá ấn tượng cho các tuyến phố, nhất là khi đêm đến với ánh sáng lung linh, nhiều sắc màu huyền ảo.

Quảng trường 24.3, như mọi năm, vẫn là điểm đến quen thuộc và hấp dẫn của người dân mỗi khi tết đến xuân về. Hàng chục nghìn giỏ hoa các loại đã điểm trang cho quảng trường, biến nơi đây trở thành một không gian rực rỡ đầy màu sắc, trong những ngày tết vừa qua đã phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn, vui xuân của nhân dân thành phố và du khách.

Theo UBND TP.Tam Kỳ, địa phương đầu tư 12 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh, thành phố và kêu gọi xã hội hóa để phục vụ trang trí, làm đẹp đô thị, đón chào xuân mới 2020.

Bên cạnh công tác chăm lo về đời sống vật chất, Tam Kỳ còn quan tâm đến đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho người dân vui xuân đón tết bằng việc tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi tại nhiều địa điểm trên địa bàn, trong đó đáng kể nhất là Hội xuân Canh Tý 2020. Được khai mạc sớm nhất (vào ngày 28 tháng Chạp) và kết thúc muộn nhất (đến hết ngày 19 tháng Giêng năm Canh Tý), sau nhiều năm Hội xuân Canh Tý đã tổ chức trở lại tại địa điểm Văn Thánh Khổng miếu thu hút nhiều du khách tham quan trước, trong và sau dịp tết.

Theo ông Võ Văn Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Tam Kỳ, hội xuân năm nay có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, hấp dẫn, bao gồm trưng bày, triển lãm các tác phẩm nhiếp ảnh, viết thư pháp nghệ thuật ngày xuân; tranh ảnh, tư liệu truyền thống lịch sử, văn hóa của Đảng bộ, quân và dân Tam Kỳ, Quảng Nam qua các thời kỳ; trưng bày sách, báo, tạp chí về Xuân Canh Tý. Sau lễ khai mạc hội xuân, hội thi nấu bánh chưng, bánh tét và trang trí mâm cổ ngày tết thu hút các đội thi là đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố tham gia. Những sản phẩm xuất sắc của hội thi được dùng để trao tặng cho người nghèo.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội xuân còn có các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như thi đấu cờ tướng và đấu võ cổ truyền. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ như liên hoan ẩm thực ngày xuân tái hiện không gian tết Việt, nhất là chương trình nghệ thuật chào xuân mới, bắn pháo hoa tại Quảng trường 24.3 trong đêm giao thừa cũng đã để lại dấu ấn trong lòng người xem...

ĐẦU NĂM Ở XÃ ĐẢO

Chúng tôi cùng dòng người nườm nượp trên chuyến phà xuất phát từ bến Tam Quang, về xã đảo Tam Hải (Núi Thành) đón xuân trong tiết trời mát dịu…

Ngày tết ở xã đảo Tam Hải. Ảnh: VĂN PHIN
Ngày tết ở xã đảo Tam Hải. Ảnh: VĂN PHIN

Ông Huỳnh Công An – người dân thôn Thuận An (xã Tam Hải) chia sẻ: “Tết năm nay, khách thập phương về xã đảo khá đông, có rất nhiều ô tô con, xe máy qua lại. Họ đến để tham quan, ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm tại xã đảo, chúng tôi rất vui”. Tại khu vực bãi Nồm (thôn Thuận An), chiều mùng 3 Tết, nhiều du khách đến ngắm biển.

Anh Trần Công Thảo, người dân gốc đảo Cồn Si (xã đảo Tam Hải) sinh sống ở miền Nam nhiều năm, tết này đưa vợ con đến bãi Nồm để thưởng ngoạn. Anh bộc bạch: “Mặc dù ngành dịch vụ du lịch ở Tam Hải chưa phát triển nhưng ở đây khung cảnh còn hoang sơ, tôi rất thích”.

Tam Hải mùa xuân này, trong không khí náo nức với phong vị tết quê, vẫn thấy thấp thoáng những bóng tàu thuyền neo đậu, chuẩn bị vươn khơi. Chúng tôi đến nhà ngư dân Mai Bình Đông (thôn Thuận An) vào buổi trưa mùng 3 Tết, anh vui vẻ cho biết: “Mọi năm, tôi ra quân đánh bắt ngay trong những ngày tết, nhưng năm nay mùng 1, mùng 2 đài báo thời tiết xấu nên tàu chúng tôi ra quân vào ngày mùng 4. Tôi và 5 anh em bạn biển sẵn sàng ra khơi đánh bắt hải sản”.

Ông Trần Minh Tập – Trưởng thôn Thuận An cho hay, địa phương có 160 phương tiện hành nghề đánh lưới cá, ghẹ, lặn tôm nhí… Năm 2019 đạt tổng doanh thu 52 tỷ đồng. Ngay sau tết này, khi thời tiết tốt, ngư dân tiếp tục ra quân đánh bắt, phấn đấu đạt doanh thu 62 tỷ đồng trong năm 2020. Là thôn trọng điểm về du lịch của xã đảo Tam Hải, tết năm nay, tình hình an ninh trật tự ở Thuận An đảm bảo; thôn tổ chức giải bóng đá với sự tham gia của 9 tổ đoàn kết và đêm hội diễn văn nghệ với chủ đề “Tinh yêu và tuổi trẻ” thu hút đông đảo người đến xem, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đón tết cổ truyền của dân tộc.

Được công nhận là xã đảo năm 2015, Tam Hải coi đây là điều kiện thuận lợi để địa phương “bốn bề sông nước” này phát triển. Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: “Tết này Tam Hải đón xuân với nhiều khởi sắc, đặc biệt là vệ sinh môi trường ở bãi biển được cải thiện đáng kể. Trong tương lai, địa phương sẽ tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng của xã đảo; phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống...”.

PV - CTV