Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: "Song hành đột phá Đông - Tây, tạo thế và lực phát triển"
Phát triển song hành hai vùng Đông - Tây là một lựa chọn có tính chiến lược của Quảng Nam trong hiện tại. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định nếu tháo gỡ hết những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư đúng như kế hoạch thì sẽ tạo được thế và lực phát triển lẫn cơ hội bùng nổ đầu tư tại địa phương.
PV:Thưa ông, Quảng Nam chọn gì để tạo động lực phát triển năm 2020?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Khu vực vùng Đông (phía đông đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất) sẽ vẫn luôn đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển, là động lực quan trọng, góp phần tạo thế phát triển cho miền núi (vùng Tây). Khi quy hoạch phân khu chức năng được duyệt, khu vực nòng cốt là Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ thực hiện thủ tục thu hồi đất để thu hút các dự án đầu tư đô thị, công nghiệp, du lịch và dịch vụ... Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc sẽ trở thành đô thị hiện đại, kết nối không gian đô thị Đà Nẵng - Hội An. Tam Kỳ sẽ hình thành một đô thị mới kiểu mẫu, hiện đại, thông minh, sáng tạo mở về biển. Hội An sẽ mở rộng đô thị ra vùng ven theo hướng các đô thị - làng, mở rộng không gian du lịch ra các vùng phụ cận (Điện Bàn, Duy Xuyên). Tăng thêm các dịch vụ giải trí, thí điểm liên kết Đà Nẵng phát triển kinh tế đêm. Quy hoạch từ quốc lộ 1 đến xã Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên) trở thành một khu đô thị sinh thái - du lịch - làng quê kiểu mẫu. Núi Thành sẽ khai thác các đô thị hiện đại ven sông, vịnh, các khu dân cư tái định cư, các khu ở cho công nhân kết nối dần về phía Bắc hình thành trục đô thị Tam Kỳ - Chu Lai. Chuyển đổi công nghệ thân thiện môi trường tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Bên cạnh các ưu tiên thu hút các dự án 5 sao cho các khu du lịch ven biển, sẽ phát triển các khu du lịch quy mô nhỏ, khai thác du lịch cộng đồng, homestay tại các làng chài ven biển. Nạo vét Cổ Cò, phát triển du lịch đường sông kích thích các dự án hai bên sông. Phát triển cảng nước sâu và sân bay Chu Lai, hình thành ngành dịch vụ logistic trọng điểm theo hướng xã hội hóa. Kết nối giao thông Đông - Tây, xây dựng, quy hoạch tuyến đường Võ Chí Công trở thành tuyến đường xương sống phát triển vùng Đông. Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, các DN khởi nghiệp tham gia chuỗi giá trị cùng với Trường Hải… Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với khuyến khích đầu tư chế biến sâu nguyên liệu thủy hải sản và nuôi trồng thủy sản phải được sắp xếp theo hướng tập trung, bảo vệ môi trường trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp.
Phát triển vùng Tây (chiếm 2/3 diện tích và 19,2% dân số) cần một chiến lược rõ ràng, lâu dài, kiên trì, quyết tâm thực hiện mới tạo được sự chuyển biến rõ nét. Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy khóa XXI đã định hướng rất cơ bản cho phát triển khu vực này. Sẽ nghiên cứu, điều chỉnh Nghị quyết 05 phù hợp tình hình mới. Tiếp tục sắp xếp dân cư, tạo cơ chế xóa nhà tạm, hỗ trợ xây nhà vệ sinh đạt chuẩn, cấp nước sạch, trồng cây lấy gỗ làm nhà, vận động nhân dân liên kết DN chế biến gỗ để trồng rừng gỗ lớn với cơ chế phù hợp. Tạo điều kiện thu hút các DN trồng dược liệu, sâm Ngọc Linh, xem đây là một ngành kinh tế chiến lược. Triển khai mạnh các chương trình hợp tác quốc tế, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ưu tiên những dự án tạo lan toả mạnh mẽ cho cộng đồng dân cư trong khu vực về chăn nuôi, du lịch, nuôi trồng thủy sản lòng hồ thủy điện...
PV: Với các kế hoạch này, ông có thể cho biết, Quảng Nam sẽ dựa vào nguồn lực nào để phát triển?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Kinh nghiệm 22 năm qua cho thấy Quảng Nam từ một tỉnh nghèo đi lên không phải trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Tỷ trọng đầu tư ngoài Nhà nước tăng dần trong cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội từ 19,4% năm 2010 đến 36,8% năm 2015 và 51,3% năm 2019. Vấn đề quan trọng là phải nỗ lực, tận tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi nhất khai thông dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Vốn Nhà nước chỉ tập trung xây dựng các hạ tầng công thiết yếu, giải phóng mặt bằng, làm vốn mồi cho từng dự án trọng điểm cần khuyến khích đầu tư. Những điểm nghẽn (giải phóng mặt bằng, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, nguồn lao động qua đào tạo cơ bản, năng lực cán bộ chuyên môn liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, thời gian xử lý công việc…) cản trở đầu tư sẽ phải được tháo gỡ nhanh chóng. Với các kênh hỗ trợ doanh nghiệp (tiếp doanh nghiệp định kỳ, cà phê doanh nhân theo từng nhóm ngành, tiếp nhận và xử lý qua website xúc tiến đầu tư, qua Zalo công vụ... thì vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong việc quy tụ cộng đồng doanh nghiệp, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng quản trị, làm cầu nối với chính quyền, tham gia hoạch định chính sách phát triển…) sẽ chất lượng, tích cực hơn.
Năm 2020 - năm đại hội đảng các cấp sẽ gắn với kiện toàn bộ máy, tháo gỡ dứt điểm các tồn tại về quy hoạch (cả thẩm quyền Trung ương lẫn địa phương), giải phóng mặt bằng, dỡ bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, tăng cường phân cấp, điều chỉnh bổ sung các quy định cần thiết để cải thiện môi trường pháp lý trong đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án đã được chấp thuận đầu tư trong những năm qua có thể khởi động thuận lợi trong năm 2020, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tăng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công...
PV: Liệu có thể có một cuộc bùng nổ đầu tư vào năm 2020, thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Không ít tồn tại, hạn chế căn bản đã khiến vùng Đông dù rất tiềm năng nhưng chưa được khai thác triệt để. Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc chưa hoàn chỉnh quy hoạch các phân khu (1/2000), nhưng đã triển khai các quy hoạch chi tiết (1/500) dẫn đến bất cập về kết nối hạ tầng, mất cân đối cơ cấu sử dụng đất. UBND tỉnh đã chủ động dừng lại từ năm 2017 để hoàn chỉnh quy hoạch đồng thời giảm sức nóng do đầu cơ bất động sản tại khu vực này. Hội An chưa thể triển khai điều chỉnh quy hoạch. Tam Kỳ chỉ mới được phê duyệt một phân khu (phân khu 8). Quy hoạch điều chỉnh sân bay, cảng biển vẫn còn gặp trở ngại… nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư nhiều dự án. Tuy nhiên, hiện Quy hoạch vùng Đông cơ bản đã hoàn thành, nhất là quy hoạch chung phát triển Khu KTM Chu Lai và trước đó Quy hoạch phát triển vùng Đông (thuộc phía Đông đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2011, phù hợp với chiến lược biển quốc gia và lợi thế biển của địa phương. Hiện những vướng mắc đang dần được tháo gỡ, chắc chắn sẽ tạo điều kiện và cơ hội thu hút đầu tư.
Quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển vùng Tây trong một thời gian dài chưa được xác định rõ ràng. Chủ yếu chỉ dựa vào các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương. Chỉ đến khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05 về phát triển KT-XH miền núi gắn với một số nhóm dự án lớn vùng Tây thì miền núi mới có hướng đi trọng tâm trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên Nghị quyết này mới triển khai từ năm 2017 và cơ bản để thực hiện nhóm dự án quan trọng nhất là sắp xếp dân cư, đến nay đã hoàn thành chỉ tiêu trước một năm. Bốn nhóm dự án còn lại (kinh tế rừng, du lịch, chăn nuôi, giao thông vào vùng sản xuất) mới thực hiện từ năm 2019 và đang ở mức độ thí điểm (cùng với OCOP miền núi), sẽ được đánh giá và xây dựng cơ chế hoàn chỉnh cho giai đoạn 2021-2026.
Điều quan trọng là đã mời gọi được những nhà đầu tư chiến lược, đủ tầm trong từng ngành để cùng chính quyền gánh vác sứ mệnh phát triển kinh tế vùng Tây. Việc triển khai Quy hoạch vùng tỉnh đã được phê duyệt năm 2014 và Chương trình phát triển đô thị được phê duyệt năm 2015 chắc chắn khiến bộ mặt và kinh tế miền núi khởi sắc mạnh mẽ trong thời gian đến. Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm việc với Bộ GTVT để đầu tư các tuyến đường huyết mạch kết nối đồng bằng với miền núi và khai thông sang Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Đắc Tà Ọoc (Nam Giang). Nếu không, sẽ vẫn là trở lực căn bản cho giao lưu hàng hóa và du lịch miền núi.
Tôi hoàn toàn có niềm tin nếu thực hiện tốt các kế hoạch, sẽ tạo cơ sở vững chắc cho bùng nổ đầu tư ngay từ năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng góp mạnh để bứt phá, tăng tốc, mang tính quyết định đến phát triển cho vùng Đông, kích thích lan tỏa cho vùng Tây, tạo thế và lực mới cho Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện trong ngày đầu Xuân Canh Tý!