Xuân này phố vẫn đợi sông!

QUỐC TUẤN 30/01/2020 09:54

(Xuân Canh Tý) - Thêm một năm trôi đi trong sự khắc khoải của cư dân dọc theo sông Cổ Cò. Phố cũ vẫn ở đó, phố mới cũng đang dần thành hình hài để đợi con sông trăm năm được khơi dòng.

Các dự án dọc sông vẫn đang mong ngày Cổ Cò được nạo vét. Ảnh: Q.T
Các dự án dọc sông vẫn đang mong ngày Cổ Cò được nạo vét. Ảnh: Q.T

Ký ức vụn

Những ngày cuối năm chộn rộn. Mùa xuân đang dần chạm ngõ nhưng các tốp thợ xây dựng khu du lịch ven sông Cổ Cò ở phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) vẫn miệt mài với công việc. Trên dải cát ven sông ấy, mới mấy năm trước thôi, cỏ lau, lông chông còn mọc um tùm.

Theo lời ông Lê Văn Sang (86 tuổi) - người đã một đời gắn với dòng sông “dùng dằng không chảy” này, trước năm 1945 dòng nước ở đây vẫn còn dềnh dàng. Vào mùa cạn, những đêm trăng sáng vằng vặc, thanh thiếu niên trong làng hay rủ nhau bì bõm ra sông cào hến, đơm cá khi nước chỉ đến lưng bụng. Còn khi mùa mưa về, dòng Hà Sấu (tên sông Cổ Cò đoạn chảy qua Điện Dương) cũng đục ngầu và tràn dâng lênh láng làng mạc.

Ông Sang vẫn còn ghi sâu ký ức về trận lụt năm Giáp Thìn (năm 1964), cơn đại hồng thủy xoáy tốc từng mái tranh ven sông, đồ đạc, trâu bò trôi theo dòng nước cuồn cuộn, từ nổng cát cao ông Sang còn loáng thoáng trông thấy bóng người vật vã trên ngọn dương liễu lánh nạn khi nước đã ngập đến hai phần ba thân cây.  

Thời hạn ấn định để nạo vét, khớp nối thông luồng sông Cổ Cò đã được chính quyền hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng chốt vào thời điểm tháng 9.2020. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh: “Trên thực tế đoạn sông Cổ Cò từ Cửa Đại vào đến đập Hà My cơ bản đã được nạo vét, chỉ còn đoạn phía thượng lưu đập thuộc địa phận Quảng Nam vẫn đang tiếp tục triển khai”. Ông Nguyễn Văn Thường - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho biết, từ Km14 đến Km19+700 thuộc địa phận Quảng Nam đã được UBND tỉnh giao lại cho đơn vị làm chủ đầu tư dùng nguồn vốn ADB ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An để thực hiện, dự kiến tổ chức nạo vét trong quý II năm 2020.

Một thời chưa xa, dòng Cổ Cò còn gắn liền với dòng chảy cách mạng dọc theo dải cát trắng gian truân hoa lửa. Nếu ở vùng Cẩm An, Cẩm Thanh đâu đâu cũng rậm rạp dừa nước bao phủ thì Điện Dương, Điện Ngọc lại có rừng mù u rợp bóng cho bộ đội, du kích nương náu dọc ven sông.

Bà Nguyễn Thị Lộc dù đã 91 tuổi vẫn nhớ như in ngày quê nhà còn chìm trong khói lửa đã vài lần bấm bụng lặng lẽ băng bộ vào rừng mù u để tìm con trai là bộ đội đang đóng quân ở đây khi nghe tin con bị thương.

Thong thả rảo bước bên triền sông, ông Nguyễn Ba - cựu chiến binh Đại đội 2 Huyện đội Điện Bàn - lẫn lộn nhiều xúc cảm khi chiến địa một thời nay đã thay màu áo mới.

“Hồi đó ở đây cây đế nhiều lắm, tháng Giêng, tháng Hai bông đế trổ trắng cả vùng. Đế mọc thành bụi rậm bạt ngàn cao quá đầu người, có khi anh em đi va vào nhau vì không thấy” - ông Ba kể và hướng cái nhìn xa xăm về một vài bụi đế lác đác sót lại phất phơ trong gió. Cũng dưới cánh rừng năm nào, bây giờ đã mọc lên khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia…

Sông sẽ về với phố

Chuyện xưa, theo học giả Phan Khoang nhận xét: “Tuy Hội An và Đà Nẵng là hai cửa biển khác nhau nhưng ở gần nhau và giao thông với nhau dễ dàng nên người châu Âu coi là một hải cảng duy nhất với hai ngả vào và gọi tên chung là hải cảng tỉnh Quảng Nam”.

Nhiều tài liệu cùng đồng nhất quan điểm nơi mà những nhà buôn ngoại quốc mô tả có hai ngả vào và gọi tên chung là hải cảng Quảng Nam chính là dòng Cổ Cò ngày nay. Từ năm 1891 trở về sau này, biến cố lớn dần ập đến với dòng Lộ Cảnh Giang huyền thoại khi bùn cát liên tục bồi lấp khiến giao thông ngày càng trở ngại.

Điều thú vị là thời điểm đó người Pháp cũng tính chuyện nạo vét dòng sông để khơi “dòng chảy thương mại” giữa hai đô thị quan trọng bậc nhất xứ Trung Kỳ nhưng mãi vẫn không thể xoay đâu ra kinh phí thực hiện dự án, vấn đề nan giải này đúng tròn một thế kỷ sau vẫn còn, khi hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng hiện cũng loay hoay. Sông cạn nên trăm năm trước người Pháp từng xây dựng tuyến đường sắt men theo hữu ngạn sông Cổ Cò như là giải pháp tình thế để thông thương giữa Tourane với Faifoo không bị tắc nghẽn. Tuyến đường ray chỉ tồn tại từ năm 1905 đến 1917 và bị gỡ đi vì càng về sau “cực” đô thị Hội An ngày càng đuối chuyển dần mọi sự sầm uất, nhộn nhịp lệch hẳn về “cực” đô thị Đà Nẵng.

Dẫu vậy, “thỏi nam châm” Cổ Cò luôn tiềm tàng sức hấp dẫn. Dòng sông này không lụi tàn mà dường như chỉ bước vào quãng nghỉ của một đợt thoái trào. Một quãng nghỉ quá dài. Sau hơn trăm năm yên ắng, những “nhà buôn” ngoại quốc lại nhìn ra cơ hội từ “dải lụa” này ở góc độ khác với các dự án du lịch, giải trí đã và đang thành hình hài hai bên triền sông.

Không ngẫu nhiên khi tại hội thảo quốc tế “Đầu tư vào đô thị hóa bền vững” Đà Nẵng còn giới thiệu dự án tàu điện Đà Nẵng - Hội An chạy dọc ven biển, nhiều đoạn men theo dòng Cổ Cò và lập tức có nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Trong bối cảnh lịch sử khác nhau, vị thế, chức năng của hai thành phố Đà Nẵng, Hội An đã ít nhiều thay đổi, nhưng dù thế nào cả hai đô thị này vẫn cần “nương” vào nhau để phát triển và dòng Cổ Cò vẫn trầm mặc ở đó để chờ ngày khơi nạp năng lượng cho cả hai đô thị.

Bao năm Cổ Cò vùi mình trong cát, im lìm trong biến thiên của thời cuộc. Phố ở hai đầu sông vẫn thế, có chăng những làng mạc ngày nào sông từng chảy qua nay cũng đã chuyển mình thành phố cả rồi. Sông của ngày mai sẽ chảy trọn trong phố. Phải chăng xuân này là xuân cuối Lộ Cảnh Giang lỗi hẹn với phố, với người?…

QUỐC TUẤN