Thuận với tự nhiên...
(Xuân Canh Tý) - Sống xanh - sống tử tế. Những câu chuyện nhỏ nhưng ươm mầm cho nhiều thay đổi mang tới hy vọng lớn hơn - về một môi trường xanh hơn mỗi ngày...Ngày càng nhiều người chọn lối sống quay trở lại thuận với tự nhiên. Nó hệt như một cuộc hành hương. Và dĩ nhiên, tích cực!
VƯỜN RỪNG
Tốt nghiệp kỹ sư ngành Kỹ thuật năng lượng - môi trường nhưng anh Nguyễn Đăng Nhật, 28 tuổi (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) lại sớm chọn cho mình lối rẽ làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Dù khi ấy, anh đang có một công việc tạm ổn định theo đúng chuyên ngành. Bây giờ, anh lại mày mò học cách để sử dụng năng lượng thiên nhiên trực tiếp vào khu vườn của mình.
Sau gần hai năm tập tành tiếp cận với nông nghiệp hữu cơ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, anh Nhật quyết định phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng vườn rừng. Cải tạo lại hơn 1000m2 đất của gia đình (vốn trước đây lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón quá mức) để “gây dựng” vườn rừng - một dạng nông nghiệp còn khá mới mẻ ở quê nhà.
Trong nhiều giải pháp để xây dựng vườn rừng, chàng trai trẻ 9x ưu tiên phục hồi các loài cây đặc trưng bản địa, trồng xen nhiều giống cây ăn quả với ngũ cốc để tạo đa dạng sinh học.
“Một số mô hình vườn rừng khác còn nuôi thêm động vật, gia súc nhưng ở đây chỉ để các loài sinh vật như chim, cò, giun, sâu bọ, rắn, bò sát… sinh tồn cho đúng nghĩa tự nhiên thôi” - anh Nhật chia sẻ.
Luôn tâm niệm tận dụng tối đa năng lượng tự nhiên, chàng kỹ sư trẻ không đầu tư quá nhiều tiền bạc khi bắt đầu với vườn rừng. Ngay cả giống cây ăn trái anh Nhật cũng tận dụng hạt giống bản địa từ làng quê ở địa phương.
Đến nay những hàng chuối, xoài, me, mít… đã dần vươn cao trên bãi bồi dọc sông Thu ăm ắp phù sa. Giá trị tiên quyết khi làm nông nghiệp thuận tự nhiên đó là hướng tới sức khỏe của mọi người và môi trường sống trong lành hơn.
“Chúng ta có thể kết nối với nhiều mô hình vườn rừng khác trên cả nước hoặc thiết lập một mạng lưới chừng 20 - 30 hộ có nhu cầu sử dụng liên tục và trực tiếp các loại thực phẩm này. Như vậy sẽ đáp ứng đầu ra cũng như tạo chuỗi giá trị tuần hoàn cho nông sản” - anh Nhật nói.
ECO BUSINESS
Họ say sưa nói về sự cống hiến, về lý tưởng, về việc cho đi, về các giá trị thuần khiết tuân theo quy luật của tự nhiên. Họ bị nhiều người cho là “kẻ gàn”. Nhưng càng ngày, những sản phẩm của Eco Business càng được thị trường tôn trọng. Nguyễn Hồng Hà là một trong những người trẻ trong êkip vận hành của Eco Business.
Dám dấn thân. Và liều. Một cô gái từ miền Nam quày quả lập nghiệp tại Hội An. Rồi những câu chuyện về rác thải nhựa dồn ứ mỗi ngày đang trôi dạt ra biển, hình như trở thành lời mào đầu cho mỗi ngụm cafe sáng của nhóm bạn trẻ.
Và Eco Business hoài thai từ những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt. Từ cái túi vải Canvas hòng tận dụng lại những vụn vải bỏ đi. Những cây bút tre, ly bã mía, ống hút giấy, túi tote eco, muỗng gỗ... trở thành những sản phẩm được ưu chuộng mỗi bận Eco Business tham gia các cuộc “họp chợ”.
Hà và cộng sự tìm cách kết nối với rất nhiều người trẻ khác, thậm chí cả người lớn tuổi, để cùng làm nên “phiên chợ xanh” ở một số địa điểm của TP.Đà Nẵng, Hội An, Bình Dương.
Nhóm những người trẻ này bây giờ có thêm thành viên là những người nước ngoài từ đủ mọi quốc gia. Họ góp sức không chỉ bởi vì một Việt Nam xanh hơn. Họ tìm đến vì sự đổi thay của môi trường.
Sức lan tỏa ngày một lớn hơn. Cảm hứng lan truyền ngày một tích cực hơn. Thay đổi thói quen chưa bao giờ là dễ dàng. Nó cần cả hành trình dài để điều chỉnh. Nhưng điều quan trọng hơn là ý thức về bảo vệ môi trường đã bắt đầu nhen nhóm nhiều hơn ở số đông.
Những khái niệm về tái chế, tái sử dụng đã thấy xuất hiện thường hằng hơn. Và Hồng Hà, cùng nếp suy tư rằng thế giới tự nhiên này sẽ xanh lại đầy đặn hơn, khi mỗi người cùng thay đổi.
XANH Ở KHÔNG GIAN SỐNG
Một nhóm những phụ nữ ở các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) đã quen dùng bếp năng lượng mặt trời để nấu nướng. Chúng tôi gọi vui rằng các cô đang sử dụng “bếp xanh công nghệ” vô giá cho môi trường. Họ lỏn lẻn cười.
Năm 2015, từ hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ, những chiếc bếp sử dụng năng lượng mặt trời được tặng cho phụ nữ vài địa phương ở Quảng Nam. Dẫu khá cồng kềnh, nhưng những mẹ những chị của vùng đất cát Nam Hội An này vẫn cố gắng duy trì. Có thể họ không biết hết ý niệm như thế nào về năng lượng tái tạo, nhưng ít ra, họ đã nối lại sợi dây liên lạc giữa xã hội hiện đại và những giá trị thuần khiết tự nhiên.
Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh. Đổi pin hết hạn sử dụng lấy những chậu cây trang trí. Sử dụng giỏ nhựa khi đi chợ. Dùng lá chuối hay giấy báo để bảo quản thực phẩm. Những phong trào lan tỏa ở nhiều địa phương. Nó khởi nguồn từ một vài cá nhân để thành một trào lưu đẹp. Hay thậm chí, giải pháp xử lý các sản phẩm thừa, cũng trở nên thú vị.
Ở An Nhiên Farm, Hội An, từ nhiều năm nay đã tái chế được khoảng 400kg xà phòng và khoảng 2 tấn vải trắng dùng một lần ở các khách sạn hạng sang. Chương trình “tái chế cho sinh kế” được thực hiện để khắc phục tình trạng các sản phẩm phục vụ du khách bị sử dụng thừa thãi.
Bà Võ Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc An Nhiên Farm chia sẻ: “Chương trình giúp giảm đáng kể lượng rác thải bỏ, sẻ chia lợi ích cho các nhóm cộng đồng khó khăn ở miền núi bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động khuyết tật ở địa phương”.
Một chuỗi giá trị đã được tạo ra khi nhóm phụ nữ khuyết tật xử lý 200kg vỏ trái cây mỗi ngày thải ra từ một khách sạn cao cấp ở TP.Đà Nẵng thành chế phẩm sinh học rồi cung cấp ngược lại cho chính khách sạn đó dùng để tẩy rửa. Ngoài ra, nhóm người trẻ thực hành nông nghiệp tự nhiên ở An Nhiên Farm còn chuyển một lượng lớn thức ăn thừa thành thức ăn khô trong chăn nuôi.
KHÔNG GÌ LÀ THỪA THÃI
Yêu một vùng đất, cũng đồng nghĩa với việc làm thế nào để nơi ấy xanh lên từng ngày, đẹp hơn từng ngày. Những nhóm bạn Nhật đã chọn Hội An để dừng chân, và tổ chức những hoạt động lan truyền cảm hứng về một môi trường xanh. Sapo Hội An khởi đầu từ người phụ nữ Nhật Bản là Megumi Kawada, đã đi một chặng đường để có được những sản phẩm tái chế được thị trường ưa chuộng. Chuyển đổi rác thải thành sản phẩm có ích cho cộng đồng, như đúng tinh thần của những người bạn Nhật đến với Hội An - môi trường là điều tiên quyết của mỗi vùng đất. Sự kết hợp của sáp ong, dầu dừa và dầu ăn đã qua sử dụng - những nguyên liệu không khó tìm, để làm nên sản phẩm xà bông bếp.
Trong 5 năm qua, Sapo Hội An đã xử lý được khoảng 300 lít dầu ăn đã qua sử dụng trở thành xà phòng. Đại diện Sapo Hội An cho biết: “Từ chỗ chỉ có một sản phẩm xà phòng nhà bếp ban đầu, từ tháng 6.2019 Sapo Hội An đã tái chế thêm được hai sản phẩm từ dầu ăn thừa trở thành bột xà phòng giặt và xà phòng rửa dạng lỏng”.
Sáng kiến này không những giúp người tiêu dùng có thêm một sản phẩm vệ sinh thân thiện, an toàn cho da mà còn giảm thiểu tác hại của hóa chất trong hệ thống nước thải ra tự nhiên thay vì đổ thẳng dầu ăn thừa xuống hệ thống nước thải.
Một dự án khác, tận dụng các rác thải hữu cơ để tạo nên phân bón sử dụng cho cây trồng. Người phụ nữ Nhật Bản là Mizuho Umetsu bắt tay cùng người dân Hội An phân loại rác thải tại nguồn dùng làm nguyên liệu tạo nên phân bón hữu cơ.
Nhiều năm về trước, tại nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, các nhà hàng, khách sạn thường cung cấp rác hữu cơ cho người dân làm phân bón trồng rau, sau đó người dân bán rau sạch ngược trở lại cho nhà hàng. Cách làm này hai bên cùng có lợi, dĩ nhiên môi trường vì thế cũng giảm được lượng rác thải khá lớn. Hiện nay, xu hướng này đã được một số đơn vị lưu trú, nhà hàng tại Hội An áp dụng.
Tại cánh đồng rau hữu cơ Thanh Đông (Cẩm Thanh, Hội An), với quy trình khắt khe trong chế biến thức ăn, nhà hàng The Field phân loại lượng rác hữu cơ và được người nông dân nơi đây tận dụng. Sau đó, chính thực khách nếu có nhu cầu sẽ được ra tận cánh đồng cùng người nông dân thu hoạch rau quả và chế biến ngay tức thì sau đó.
Giảm thiểu rác thải thông qua phương pháp sản xuất phân compost từ rác hữu cơ, hay tận dụng nguồn chất thải từ các nhà hàng, nguồn vải vụn để “tái chế cho sinh kế”... Tất cả mô hình đều để chỉ hướng đến mục tiêu duy nhất: giảm áp lực lên môi trường tự nhiên mỗi ngày.