Sức sống diệu kỳ
(Xuân Canh Tý) - 1. Xuân này bước sang tuổi 84, trong ký ức của cụ Phan Thanh Toán - nguyên Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, những ngày nước sôi lửa bỏng năm 1964 hiện ra rõ ràng.
Cụ bảo, giặc đàn áp quá man rợ, nhân dân vùng đông nam Thăng Bình nhất quyết đồng khởi, giành chính quyền. Sự kiện đáng nhớ là đêm 3.9.1964, các lực lượng chính trị, quân sự của huyện Thăng Bình vượt sông Trường Giang về trú tại thôn 6, xã Bình Dương. Ban khởi nghĩa xã Bình Dương được thành lập, phát động quần chúng vùng lên đấu tranh.
Trưa 5.9.1964, quân và dân Bình Dương tấn công vào Hội đồng hương chính xã Bình Dương. Đến đêm 5.9.1964, hàng nghìn người dân Bình Dương hàng ngũ chỉnh tề, mít tinh mừng chiến thắng, lập chính quyền tự quản. Bấy giờ, nhân dân các xã khác của vùng đông nam Thăng Bình cũng đoàn kết vùng dậy, giải phóng quê hương, tạo nên hành lang liên hoàn, hậu phương lớn của Thăng Bình đối với Quảng Nam.
Cụ Phan Thanh Toán bảo, từ chiến công năm 1964, người dân vùng đông nam Thăng Bình đâu đâu cũng xây dựng làng chiến đấu ven sông, ven biển, các cơ sở cách mạng nối liền một dải. Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở vùng đông Thăng Bình, địch liên tục huy động quân binh điên cuồng đàn áp hòng dập tắt ngọn lửa cách mạng của vùng đất.
“Giai đoạn 1971 - 1972, khi giặc điên cuồng bắn phá, khu căn cứ lõm Bàu Bình hầu như là vùng đất duy nhất còn tồn tại ở vùng đông để chở che cán bộ cách mạng hoạt động. Mặc cho giặc điên cuồng bắn phá, sự tồn tại trong vòng 2 năm của Bàu Bính là biểu trưng về tinh thần bất khuất, là động lực để nhân dân vùng đông đoàn kết chiến đấu đến ngày giải phóng quê hương” - cụ Toán nói.
2. Cụ Phan Thanh Toán bảo, sau ngày giải phóng quê hương, người dân các xã vùng đông nam Thăng Bình đối diện với vô vàn khó khăn, nhà cửa bị tàn phá, nhìn quanh chỉ toàn cát trắng. Tinh thần bất khuất lại trỗi dậy, chính quyền, người dân bằng tất cả tinh thần vượt khó cùng với giúp đỡ của Trung ương và tỉnh, đã đứng lên chung tay xây dựng quê hương. Người dân sắm ghe thuyền khai thác thủy hải sản; khai hoang, phục hóa, trồng ruộng lúa, phủ xanh vườn tược, trồng phi lao chắn sóng. Khởi sắc của vùng đất giúp người dân dần ổn định cuộc sống...
Nhìn những người nông dân hăng hái sản xuất trong vụ đông xuân này, cụ Phan Thanh Toán bảo, những lộc non, chồi non luôn hé lên trên vùng cát trắng như sức sống bất diệt của vùng đất. Và người dân vùng đông nam với niềm trân quý những giá trị cuộc sống, luôn biết cách vun đắp để những mầm xanh đó lớn lên, đơm hoa, trĩu trái...
Cụ Toán bảo, mới đó vùng đông nam đã khoác lên mình 45 mùa xuân độc lập. Những thay đổi diệu kỳ đã khiến cho vùng đất toàn cát trắng được đầu tư mạnh mẽ và ngày càng phát triển, đời sống của người dân càng được nâng cao. Từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, vùng đông nam luôn có giai điệu đẹp của tình yêu cuộc sống.