"Làm nhà" cho voọc
(Xuân Canh Tý) - Gìn giữ sinh cảnh, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học trong khu vực, nâng cao vai trò phòng hộ rừng đầu nguồn... là những đề xuất chính trong đề án bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm - voọc chà vá chân xám, ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.
Bảo tồn nguyên vị
Hàng loạt nguy cơ đe dọa đến quần thể voọc chà vá chân xám được tổ chức Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) - đơn vị tư vấn cho đề án chỉ ra sau quá trình dài khảo sát, tham vấn và lấy ý kiến góp ý từ các chuyên gia.
Theo thống kê, khu vực núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu ở thôn Đồng Cố (xã Tam Mỹ Tây) là nơi ghi nhận sự xuất hiện của khoảng 50 cá thể voọc chà vá chân xám, chia thành 4 đàn. Chúng sống trong các dải rừng hẹp sót lại trên đỉnh núi đá, diện tích chỉ còn khoảng 25ha và bị chia cắt bởi rừng sản xuất xung quanh. Những đồi keo (rừng sản xuất) này còn gây chia cắt sinh cảnh tự nhiên khoảng 7 - 10km, đồng thời cũng không phải là thức ăn của loài voọc.
“Thiếu thức ăn, chỗ ở, thiên tai và biến đổi khí hậu, thoái hóa nguồn gen và những hành động xâm hại từ phía con người như săn bắn, cháy rừng, đốt rừng mở rộng diện tích rồng keo… đang là hiểm họa đối với loài voọc chà vá chân xám. Đề án tổng thể bảo tồn loài chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây do GreenViet phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) Việt Nam thực hiện dựa trên sự chung tay của Dự án Trường Sơn Xanh (thuộc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển hỗ trợ cho Quảng Nam để bảo tồn loài voọc” - ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet cho hay.
“Không chỉ thể hiện thái độ của chúng ta với thiên nhiên, mà còn giúp tôn lên các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương trong tương lai khi khu bảo tồn sinh cảnh loài voọc chà vá chân xám được hình thành”.
(GS-TS. Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường Việt Nam)
Với đề án này, mục tiêu cụ thể được đặt ra là bảo tồn nguyên vị đối với 50 cá thế voọc chà vá chân xám, đồng thời phát triển số lượng lên khoảng 70 - 80 cá thể vào năm 2028. Trước mắt, phải bảo vệ nghiêm ngặt 30ha rừng tự nhiên còn lại, phục hồi sinh cảnh sống tối thiểu 150ha trong vòng 10 năm tới, xây dựng tính khả thi của các hoạt động và giao cho cộng đồng làm chủ rừng, tham gia việc bảo tồn.
Đánh giá cao nội dung đề án, GS-TS. Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường Việt Nam cho rằng, việc bảo tồn là trách nhiệm với nguồn tài nguyên sinh học của Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung; góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bảo tồn sinh học tầm nhìn đến năm 2030.
“Đề án nếu được triển khai sẽ đáp ứng 3 yêu cầu: phát triển kinh tế xã hội; bảo vệ cảnh quan, môi trường và gìn giữ nguồn gen động vật quý hiếm đặc hữu của vùng. Voọc chà vá chân xám nằm trong 25 loài linh trưởng diện nguy cấp quốc tế. Vì vậy, việc hình thành Khu bảo tồn sinh cảnh voọc chà vá chân xám không chỉ thể hiện thái độ của chúng ta với thiên nhiên, mà còn giúp tôn lên các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương” - GS-TS. Đặng Huy Huỳnh nói.
Gìn giữ cho đời sau
Ông Adrian Schuhbeck - cố vấn cao cấp về đa dạng sinh học của Trung tâm GreenViet chia sẻ, với kinh nghiệm 22 năm là chuyên gia về lĩnh vực môi trường ở khu vực châu Á, ông nhận thấy phương án bảo tồn nguyên vị là phù hợp để bảo vệ đàn voọc.
“Theo tôi, khi xây dựng hành lang kết nối giữa các vùng bảo tồn đề xuất, phải nghĩ đến phương án phục hồi rừng trong quá trình thu hồi. Cần có giải pháp phục hồi xen kẽ, đủ thời gian lồng ghép giữa cây rừng trồng và cây tự nhiên để cung cấp đủ thức ăn, chỗ ở, hành lang di chuyển cho đàn voọc. Ngoài ra, người dân địa phương phải nhìn thấy tiềm năng, sinh kế từ việc bảo tồn, nhìn thấy được một kịch bản trong tương lai, thu nhập thay thế trong tương lai để từ đó tích cực chuyển đổi sinh kế và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động bảo tồn. Hiện nay, có rất nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đến bảo tồn đa dạng sinh học, nếu hình thành một khu bảo tồn sinh cảnh, hoặc rừng đặc dụng, sẽ huy động được sự tham gia tích cực, có nguồn lực đáng kể để địa phương thực hiện đề án” - ông Adrian Schuhbeck nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh nhấn mạnh, thời gian qua địa phương đã nỗ lực hết sức để giữ được môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và các tài nguyên vô giá đang còn hiện hữu. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ khu vực, sự phát triển công nghiệp, đô thị, cảng biển, sân bay đang đặt ra nhiều thách thức không cưỡng được lên sự tồn tại của đàn voọc và càng có khả năng mạnh hơn trong thời gian sắp tới. Do đó, Quảng Nam đang đồng hành với các chuyên gia để hoàn thiện đề án, tìm ra giải pháp tạo được mối quan hệ bổ trợ giữa phát triển và bảo tồn. Khó khăn nhiều hơn đòi hỏi giải pháp càng phải thiết thực, cụ thể, phù hợp từng giai đoạn phát triển và tính toán đến cả khả năng cân đối ngân sách của địa phương cùng với sự chia sẻ của các tổ chức quốc tế.
“Trước mắt, các phương án quản lý chặt 30ha ở khu vực bảo tồn bảo vệ nghiêm ngặt đàn voọc, đồng thời duy trì sự tham gia của cộng đồng, phòng cháy chữa cháy rừng đang được thực hiện. Tương lai, các ngành chuyên môn sẽ phải tổ chức quản lý, khai thác khoa học, bài bản, phân công trách nhiệm, đảm bảo tính bền vững, giữ sinh kế ổn định cho người dân để đảm bảo tính khả thi và bền vững của việc bảo tồn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.