Tết đến từ lúc nào

TRẦN NGỌC 23/01/2020 14:50

(QNO) - Năm 1978, rời trường sư phạm, tôi về nhận công tác tại trường cấp 1-2 (gọi là phổ thông cơ sở) một xã nông thôn huyện Tam Kỳ. Tôi lúc này hai mươi tuổi, nhỏ nhất trong các thầy cô giáo trường này.

Sống thời bao cấp, chỉ có người độc thân là khá sướng (?). Ít lo nghĩ nhiều về cơm áo gạo tiền, nhất là những lúc xuân về tết đến. Vô tư sống: ở nhà tập thể, lương thực thực phẩm có Nhà nước lo. Ai cũng như ai, cũng chừng đó gạo tiền, mì chính dầu ăn, thịt thà, vải vóc…, tết đến thì thêm chút ít hàng hóa, lại càng vui.

Tập thể anh em (gọi là công đoàn) lo chuyện tết trước đó khá lâu, lo đủ thứ chuyện. Nhưng bao giờ cũng có câu chuyện mổ heo chung trước ngày ông táo chầu trời. Tôi không được phân công mua heo giống, lại càng không biết các ông bà cùng trường nuôi heo ở đâu, nhỏ biết chi cho mệt!

Đầu tháng Chạp, khi những ánh nắng hiếm hoi cuối đông bắt đầu xuất hiện, tôi thấy trường rộn ràng chuẩn bị xuân. Đó là tôi nói mấy anh chị công đoàn trường tôi. Họ họp thường xuyên để phân công người đi Tam Kỳ nộp sổ và chờ mua nhu yếu phẩm, liên hệ bộ đội kết nghĩa để có rau xanh rẻ, đặt bánh tráng mè, bánh tráng sống ở đâu đó và chuẩn bị mổ heo chia thịt cho anh em. Tôi không được giao nhiệm vụ gì nhưng cũng bồn chồn chờ đợi. Rồi ngày trọng đại là ngày mổ heo cũng đến. 

Tôi bật dậy nửa đêm về sáng khi nghe tiếng éc éc và tiếng người gọi nhau phía sân sau khu tập thể. Chu choa, tối thui mà mấy bác đã lao động rồi, tôi vừa chạy vừa nói “có chi cho em phụ với”. Cuối cùng tôi được giao việc chụm lửa (đẩy củi là chính) nồi nước sôi và sau đó thì lấy gáo múc nước sôi tưới lên mình heo. Tôi tưới khá đều nên cũng được khen là biết việc, tôi lẩm bẩm “chuyện nhỏ”!

Sau khi hai con heo to đã sạch sẽ trắng phếu, việc bưng thau rổ đựng thịt, lòng là của tôi. Các bác trường tôi là dân bản xứ, là nông dân trước và trong lúc làm thầy giáo nên rất thạo việc xử lý heo. Nể phục nhất là lòng heo mới vừa được lấy ra đã có bác sai tôi nhóm lại bếp chuẩn bị rửa rồi luộc lòng nấu cháo nhắm rượu sáng sớm. Tôi ồ lên khoái chí khi nghe nhiệm vụ này. Nhóm lại bếp còn than đỏ không khó, rửa nồi, múc nước, giã ớt tỏi… tôi thi hành nhiệm vụ tròn vai.

Rồi các bác cũng dọn lên được mấy dĩa lòng nóng hổi (đúng cả nghĩa đen và bóng) kèm bát nước mắm ớt tỏi chanh đường, chút rau thơm lúc mờ mờ sáng. Một bác la to “nghỉ chút anh em ơi”, thế là người đũa, kẻ muỗng, có bác dùng tay. Mọi người vừa cười nói vừa giải quyết cái dạ dày đói từ đầu hôm. Có tiếng bác nào nói lát gan ngon quá nhưng ông nào xắt hơi to, hao mồi; phèo, ruột già con này quá dòn thơm bà con hỉ cùng những tiếng cười sảng khoái thật lòng.

Chúng tôi rót rượu ra ly to uống chung, ai đô mạnh uống nhiều, ai yếu thì hớp ít ít..., tất cả phấn chấn vô cùng. Mấy tô cháo huyết to phút chốc đã sạch trơn, ba bốn chai sáu lăm rượu gạo cạn rồi… Sau này, tôi ăn uống nhiều nơi, biết khá nhiều món ăn vùng miền khác nhau nhưng thiệt tình, ít có bữa ăn nào ngon, vui, hấp dẫn tuyệt vời như bữa sáng mờ sương trên ngọn đồi quê thời bao cấp ấy. 

Trời dần sáng hơn, các bác lại tiếp tục lao động, lần này trọng tâm là chia phần cho mỗi người mang về. Tôi không nhớ được phân công làm gì lúc này (có thể là xách nước rửa chén bát chăng), nhưng khoảng giờ sau, tôi được nhận mấy xâu lạt tre trên đó có thịt mông, vai, xương, lòng… đầy đủ đồng đều ai cũng như ai. Đây là phần chia cho mỗi người mang về gia đình để cùng với tiêu chuẩn nhà nước (tem phiếu) vui tết đón xuân. 

Có phải xuân về tết đến từ thời điểm ấy chăng, tôi không biết chắc nhưng bữa tiệc mờ sương (đúng rồi, phải gọi đó là bữa tiệc mới xứng) hôm ấy và phần thịt xương lòng mang về đã làm nức lòng mọi người, trong đó có chú em nhỏ này. Tôi đạp xe về nhà cách đó khoảng bảy tám cây số, vừa đi vừa huýt gió lặp đi lặp lại nhạc điệu bài “Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng. Trong nắng vàng khắp chốn tiếng reo vang…”.

Mới đây, tôi kể lại chuyện này cho hai con gái và rể tôi nghe, chúng nó đều cho rằng tôi khéo vẽ chuyện!

TRẦN NGỌC