Phố ở trên non
(Xuân Canh Tý) - Cuối năm 2019, xã Trà Mai của huyện Nam Trà My được công nhận đô thị loại 5. Một thị trấn nhỏ xinh nằm giữa “nóc nhà Đông Dương” quanh năm nghèo khó đang nỗ lực gầy dựng hình ảnh là trung tâm của các xã vùng cao.
Đô thị chính danh
Nắng đông giữa trưa xuyên qua hàng cây đương mùa thay lá trên trục đường “xương sống”. Một “làng bích họa” Ngọc Linh dẫn vào trung tâm hành chính huyện Nam Trà My tái hiện đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần của đồng bào Ca Dong. Giờ tan trường, đường trở nên đông vui hơn. Hình ảnh học sinh đồng bào đi bộ, lướt qua “làng bích họa” nom giống phố núi cao nguyên nào đó tôi từng đi qua.
Từ hơn 10 trở về trước, vùng đất Nam Trà My là sự ám ảnh, bởi đây là ổ dịch sốt rét, là đói nghèo liên miên. Ám ảnh không chỉ là sự đối mặt với chốn rừng thiêng nước độc, địa hình hiểm hóc mà còn ở những hủ tục lạc hậu.
Từng lặn lội nhiều rẻo cao, tôi cảm nhận Tắc Pỏ, Trà Mai đang từng ngày thay da đổi thịt. Bây giờ, trung tâm xã Trà Mai thưa dần những ngôi nhà tuềnh toàng, ẩm thấp và phố núi xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, buôn bán, khách sạn, nhà nghỉ… Chừng 5 năm trước, cán bộ lên công tác, quý lắm thì được lãnh đạo địa phương bố trí ở nhà khách của huyện, còn cứ nhà dân mà xin ở nhờ.
Nam Trà My gặp phải nhiều “chướng ngại vật” trong quá trình xây dựng đô thị. Một nền kinh tế nông nghiệp èo uột chậm phát triển, không thể giúp cho địa phương giảm nghèo nhanh. Trong khi tiêu chí quy định, một đô thị loại 5 chỉ chiếm tối đa 9,7% dân số là hộ nghèo, thì xứ “cao sơn ngọc quế” lên đến gần 16,5% hộ nghèo (năm 2018).
Chiếm hơn 53% dân số của toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, nhiều năm Nam Trà My tăng không đáng kể dân số đô thị, chủ yếu là người Kinh chuyển khẩu lên đây với mục đích thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị thì chưa được đầu tư đồng bộ.
“Đau đầu” nhất trong quy hoạch không gian đô thị là thiếu đất đai bằng phẳng. Là trung tâm hành chính của huyện, cũng như các xã khác, Trà Mai có địa hình núi cao, vực thẳm, bị chia cách bởi núi sông, nên dân cư sống rải rác trên các triền núi, lưng chừng đồi.
Sau 16 năm, kể từ ngày thành lập (1.8.2003), Nam Trà My mới chính thức được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại 5, hình thành được trung tâm hành chính thị trấn. Mặt bằng phố chật chội, đến nay việc xây dựng khu trung tâm hành chính huyện dựa vào 2 đồ án quy hoạch chung do UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2005 và 2008, với tổng diện tích quy hoạch hơn 196ha.
Một đô thị loại 5, tương ứng với thị trấn xuất hiện trên bản đồ đô thị Việt Nam, là phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh. Còn nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt vùng đất này phải phát huy tối đa nội lực, khai phóng tiềm năng sản phẩm thương hiệu quốc gia mang tên sâm Ngọc Linh, phát triển vùng dược liệu, điểm du lịch vườn sâm Tắc Ngo…
Liên kết “nóc nhà Đông Dương”
Xã Trà Mai có 3 thôn, dân số 5.222 người. Cơ cấu dân số theo tỷ lệ đồng bào dân tộc Ca Dong chiếm hơn 76,6%, Mơ Nông, Co chiếm hơn 1,2%, còn lại dân tộc Kinh và các dân tộc khác chiếm 22%.
Nhiều năm nay, Nam Trà My không còn là “nóc nhà cô đơn” bởi nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, là cửa ngõ quan trọng của vùng Tây Nguyên. Quốc lộ 40B nối địa phương với trung tâm huyện Đắc Tô, cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). Phía đông mở xuống Dung Quất (Quảng Ngãi), tuyến đường chiến lược Đông Trường Sơn chạy qua huyện đã đưa vào sử dụng...
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Trần Văn Mẫn cho biết, lợi thế so sánh của huyện chính là nằm ở cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang Nam Quảng Nam kết nối Khu kinh tế mở Chu Lai, Dung Quất với Khu kinh tế của khẩu Bờ Y thông qua tuyến quốc lộ 40B. “Đòn bẩy” để đô thị vùng cao phát triển mạnh là hình thành các điểm dân cư gắn với các cụm công nghiệp và dịch vụ. Nhưng vùng đất này chưa quy hoạch các nhà máy, xí nghiệp phục vụ cho công nghiệp; “sắc màu” của đô thị chỉ là sự sắp xếp lại các khu dân cư, và sự chuyển dịch của tăng trưởng loại hình dịch vụ thương mại.
Là trung tâm của các xã vùng cao, quá trình đô thị hóa ở Trà Mai không thể giẫm chân tại chỗ. Theo ông Mẫn, trong định hướng không gian đô thị, địa phương dịch chuyển khu dân cư về xã Trà Tập, nằm gần Trà Mai; tập trung nguồn lực đầu tư khu thương mại giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 10,7ha. Đến nay, chính quyền đã giải tỏa, thu hồi đất của 51 hộ dân, sắp xếp, bố trí lại dân cư hợp lý và nuôi ý tưởng quy hoạch “phố sâm”, phát triển nhà biệt thự ở khu đô thị mới. Thành quả kết cấu hạ tầng của trung tâm hành chính huyện để lại cho hôm nay là nguồn lực đầu tư từ những ngày mới thành lập, sử dụng nguồn vốn của Chương trình 135 dành cho huyện nghèo.
Ông Mẫn phân trần, 10 năm qua, địa phương vẫn lúng túng trong tái thiết, chỉnh trang đô thị bởi vốn bố trí bình quân mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng tiền chi cho hạng mục điện chiếu sáng công cộng đã chiếm hơn nửa tỷ đồng. Hiện tại đô thị vẫn chưa đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, trong khi đó khu xử lý rác thải thì đầu tư tạm bợ.
“Trong chương trình phát triển đô thị đến năm 2020, xã Trà Mai, Tơ Viêng (Tây Giang) và Trung Phước (Nông Sơn) sẽ đạt chuẩn của đô thị loại 5, nên HĐND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù về kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển lan tỏa, kết nối được vùng, chứ nguồn lực bố trí như thời gian qua không thấm vào đâu” – ông Mẫn nói.
Trà Mai, một phố núi nhỏ lặng lẽ đang chuyển mình từ nội lực và được kỳ vọng sẽ là cửa ngõ phát triển năng động giữa kinh tế với đô thị ở xứ sở “cao sơn ngọc quế”.