Máy bay động cơ điện tiếp tục đà phát triển
(QNO) - Với động cơ góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí, tăng tính tiện lợi, vài năm gần đây nhiều thử nghiệm về các dòng máy bay hoàn toàn dùng động cơ điện ra đời. Sau đây là vài nguyên mẫu mới nhất.
1. Taxi bay Lilium
Công ty hàng không khởi nghiệp Lilium (Đức) vừa trình chiếu đoạn video về hoạt động của nguyên mẫu máy bay động cơ điện của mình, sau những chuyến bay thử nghiệm. Hãng tin tưởng sẽ ra đời dịch vụ taxi hàng không thương mại và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2025.
Lilium khởi tạo loại taxi bay này từ cơ sở của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) từ năm 2016. Đến cuối năm 2019 dòng máy bay điện này đã được tốc độ hơn 100km/giờ, nó có thể bay với cánh bằng và cất cánh, hạ cánh theo chiều thẳng đứng (VTOL).
Đoạn video dài 3 phút mà Lilium trình chiếu công khai cho thấy dòng máy bay điện này đã thực hiện nhiều thao tác hoạt động như mong đợi.
Lilium cho biết họ đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm đầu tiên này và trọng tâm tiếp theo của nó sẽ là sự chuyển đổi hoàn toàn sang chuyến bay có cánh. Tốc độ sẽ đạt 300km/giờ.
Công ty Lilium hy vọng đến năm 2025 sẽ có 2 - 3 nơi trên thế giới triển khai thương mại dòng máy bay này.
Clip hoạt động của nguyên mẫu máy bay điện Lilium:
2. Kỷ lục tốc độ máy bay điện của Rolls-Royce
Cuối năm 2019, Công ty Rolls-Royce của Anh đã giới thiệu một máy bay động cơ điện mà họ hy vọng sẽ trở thành máy bay chạy hoàn toàn bằng điện nhanh nhất thế giới.
Tại sân bay Gloucestershire ở Anh, công ty đã trình bày máy bay dự án ACCEL do một phi công điều khiển, không khí thải độc hại, được dự đoán sẽ đạt tốc độ tối đa 480km/giờ trong năm 2020. Hiện tại kỷ lục tốc độ cho máy bay điện là 338km/giờ.
Chiếc máy bay điện được sơn hai màu xanh tím và trắng này sẽ được trang bị 3 động cơ điện 750R với 6.000 tế bào pin nhiên liệu, công suất 750kW (tương đương 1.005 mã lực), mỗi lần sạc đầy pin nó có thể hoạt động trong phạm vi 320km.
3. Thủy phi cơ điện
Lần đầu tiên trên thế giới, một chiếc máy bay thương mại đã thực hiện thành công chuyến bay hoàn toàn bằng năng lượng điện.
Đó là chiếc thủy phi cơ chở thuộc dòng máy bay DHC-2 de Havilland Beave đã được cải tiến. Động cơ điện được thiết kế bởi hãng magniX, chiếc máy bay hoàn chỉnh được thực hiện với sự hợp tác của hãng hàng không Harbour Air.
Chiếc thủy phi cơ đã tung cánh lên không trung từ sông Fraser tại nhà ga Harbor Air Seaplanes ở Richmond, British Columbia, Canada. Phi công là giám đốc điều hành kiêm người đồng sáng lập Harbour Air, ông Greg McDougall.
Chuyến bay thử nghiệm kéo dài khoảng 15 phút, chứng minh tính khả thi của loại máy bay này.
Newatlas cho biết máy bay được trang bị động cơ manig500 công suất 750 mã lực (560kW), đây là chiếc máy bay đầu tiên trong đội thủy phi cơ thương mại theo kế hoạch đã được vạch sẵn.
Máy bay điện có nhiều lợi thế tiềm năng như việc khí thải độc hại gần như bằng không, giảm tiếng ồn khi vận hành, chi phí bảo trì thấp vì thiết kế đơn giản với ít bộ phận chuyển động…
Tuy nhiên, máy bay còn một số hạn chế là phải mang theo khối pin khá nặng và phạm vi hoạt động hẹp, cần thêm nhiều nghiên cứu cải tiến để nó hoàn toàn chinh phục ngành hàng không thương mại.