Có hẹn với Trường Sa - Bài cuối: Neo lại với sóng
Có một Trường Sa không ngủ. Đứng đó, những đôi mắt canh biển, canh trời. Họ gửi nghĩ suy vào mênh mông biển, chỉ có một điều họ không cần kể, cũng sẽ đọc được trong những đêm thao thức của Trường Sa: đảo là nhà, biển cả là quê hương…
1. Sóng cấp 8. Chúng tôi đang ở đảo Núi Le B, Thượng tá Nguyễn Đức Độ - Trưởng đoàn công tác ra lệnh cho xuồng qua điểm A, ở lại, vì khó có thể vượt qua những cơn sóng cuồng nộ đập vào mép xanh - ranh giới giữa biển và đảo, sóng bao giờ cũng dữ dội, khó lường. Cơ may đây rồi, vì chỉ có 6 phóng viên trong tổng số hơn 50 người được theo xuồng ra đảo, do điều kiện sóng gió và thời tiết. Trước đó, cả đoàn chưa ai được ngủ lại một đêm trên đảo chìm…
Đàn chó ở đảo Núi Le A không sủa. Chúng lao hẳn xuống nước, quẩn quanh xuồng như tìm kiếm một hơi ấm lạ. Những người lính đem ra một chiếc cầu ghế gỗ. Tôi không bước lên cầu mà nhảy hẳn xuống nước, vì thấy anh em đứng giữ cái cầu nhỏ ấy cực quá, sóng cứ thi thoảng tạt vào cầu cảng, phủ nước từ đỉnh đầu xuống. Bước chân tôi đặt lên đảo, lại một lần ngực như nghẹn, khi bắt gặp hoàng hôn phủ xuống mặt biển phía trước mặt. Nhiều hơn các điểm đảo chìm khác một khối nhà, bởi có nơi đóng quân của phân đội làng chài, và vẫn cái nắm tay thân thuộc nóng ấm của những người lính đảo. Không thể hình dung những kỳ công của người lính công binh, bao tấm lưng trần đã phơi mình giữa nắng và sóng để tạc khắc nên hòn đảo nhỏ này. Một cộc mốc, có khi là một chấm nhỏ xíu trên hải đồ thôi, nhưng neo giữ cả cương thổ quốc gia. Đã qua bao lần dậy sóng, chắc chỉ có họ mới nhớ hết, mới đếm hết giữa biển cả mênh mông này. Tôi đã nhiều lần chạm tay vào cột mốc biên giới nơi rừng sâu, nhưng ở đó, dẫu sao vẫn là đất liền. Còn nơi này, chỉ có những vòng tay rắn rỏi của người lính, và bê tông xám lạnh.
Đại úy Nguyễn Hữu Quang - Chính trị viên đảo nói, neo người, nên anh em quý nhau như ruột thịt. Người bước đi từ những cánh đồng, người rời khỏi đụn cát bên lề chân sóng, từ Bắc tới Nam, lớp nối lớp, cùng ở, cùng chia nhau từng ngụm nước ngọt mùa nắng rát, cùng nhau chống chọi cả một mùa bão dông. Một năm, Trường Sa có ít nhất 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Đi biển, có khi vài ba tháng đã là dài. Còn họ ở đây, với nhau, và với sóng gió. Từng chậu rau, gia súc, gia cầm, đâu chỉ để ăn, mà còn để nhớ về gia đình, về những người thân, về cả làng mạc mù khơi cuối chân trời. Và còn để nương náu chính mình, trong mênh mông niềm nhớ…
Tuổi trẻ, là khao khát. Tôi tin, họ ở đây, cũng có một khao khát, nhưng không cho riêng mình: vẹn toàn Tổ quốc, chủ quyền cương thổ, giữa bao bất trắc khôn lường vẫn luôn có một trái tim ngời khí phách xả thân, vì Đất Nước.
Lại vọng nghe ba tiếng còi tàu tiễn biệt. Không nỡ chào, chẳng nỡ xa, cũng không nỡ đưa một bàn tay vẫy... Tôi đã tận thấy được một Trường Sa phóng khoáng, một Trường Sa thiêng liêng, và cả một Trường Sa của những diễm lệ khôn cùng.
2. Đêm xuống nhanh. Biển từ màu thẫm xanh, chợt mất hút vào bóng tối. Chỉ còn vài ánh đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng cho toàn đảo. Chỉ huy trưởng cho anh em lên phòng sinh hoạt chung. Mọi người cùng hát. Giữa mênh mông, mới thấy, thứ cần hơn tất cả, là tình người. Tôi nghe họ hát, nghĩ về những đoàn tàu ra đảo nối thêm lo lắng, ân cần của đất liền, và cả những ưu tư. Hình như, khi quá đủ đầy, người ta khó cảm thông hơn. Chỉ những lúc phải nhồi dập với bao thiếu thốn và cô đơn, mới biết, sức mạnh và cả những niềm vui đến từ từng chút quan tâm, từng chút sẻ chia của người lính. Một chương trình văn nghệ, vài câu hỏi vui, sau những rộn rã ngắn ngủi, đảo lại chìm vào im lặng. Tôi tự hỏi, có biết bao nỗi niềm như sóng trắng bạc đầu dội vào thềm đảo kia, bao câu chuyện họ đã kể với nhau trong đêm sâu giữa biển…
Những ngọn đèn trong đêm như lọt thỏm giữa mịt mùng. Nhưng lại là thứ ánh sáng nhẫn nại và tràn tình thương tựa ngọn đèn của mẹ. Dưới ngọn đèn đó, có ánh nhìn quyết liệt dõi theo từng tấc biển, mà cũng có cái nhìn đằm sâu thương nhớ, đầy thân thiện của bao người lính. Mắt đảo, ngọn đèn không thể tắt để bao con tàu lạc hướng giữa phong ba tìm tới. Ngư dân đi biển, những con thuyền như lá, níu lấy ánh đèn thao thức ấy mà tìm được chốn neo trú qua ba đào.
Bữa tôi vào đảo Tiên Nữ, hòn đảo nhỏ có cái tên gọi rất mơ màng, nghe kể chuyện về bao bận tàu nương nhờ ánh đèn ở ngọn hải đăng. Có lẽ, phải là người trong cuộc mới hiểu được niềm vui đó, khi giữa mênh mông, mạng người mong manh như cỏ. Quá nhiều điểm nhìn để thấy những thầm lặng hy sinh, nhưng tôi tin, chỉ ở đây, Trường Sa, người lính chịu đựng gian khó trong lặng im, vì bình yên cương thổ, vì những nụ cười chưa xóa được hết ám ảnh sinh tử trong từng ngư dân được cứu, là thứ hy sinh thầm lặng nhất mà cao cả nhất. Dấy lên trong tôi, là cảm xúc đơn côi trong thiêng liêng, cùng họ. Sau lưng là Tổ quốc, trước mắt là xa xăm. Không thể xóa đi cảm giác nhỏ bé và cô đơn giữa muôn trùng đại dương, nhưng may thay, nhờ những ngọn đèn, nhờ người lính, nỗi cô đơn không là cô độc…
3. Chúng tôi bước xuống xuồng, thèm biết bao thời gian dài ra để có thể ở lại cùng những người lính đảo. Sóng mịt mùng phía chân trời, họ vẫy tay, ở lại với “người bạn” của mình, là sóng và gió. Cứ dậy lên trong lòng một niềm riêng, rằng họ, cũng có mẹ cha, những người yêu, những lo toan và cả niềm mơ ước. Mạnh mẽ, rắn rỏi đấy, nhưng đâu thể cố quên được những ưu tư trong đáy mắt khi nhìn về đất liền.
Tôi nhớ, lúc ghé Len Đao, gặp một chàng lính trẻ ra đảo từ tháng 7 năm ngoái, mặt hơi thẹn khi nói mình chưa có người yêu, rồi cười. Nụ cười lính đảo, hình như bật ra từ những gian khổ vốn đã được đón nhận như vui đùa, hồn nhiên như sóng. Ở đó, đâu có chỗ cho những tị hiềm bất lương hay hơn thua ganh ghét, đâu có chỗ cho nhỏ nhen vốn ươm sẵn, chờ chực trong sâu thẳm mỗi người. Chỉ có tuổi trẻ, Tổ quốc gọi, và họ đã lên đường…
Lại một hoàng hôn trong lòng biển. Tôi quay lại lần nữa, nhìn về hướng Phan Vinh, hòn đảo cuối cùng chúng tôi ngang qua khi quay lại đất liền. Những đảo nổi, đảo chìm rồi cũng xa thẳm giữa trùng khơi, ngưng đọng lại hình ảnh những người đàn ông đụng đầu nhau, chịu đựng những gian khó phía tiền tiêu, ôm súng giữ biên cương mà lòng giấu bao niềm lặng nhớ.
Tuổi trẻ, là khao khát. Tôi tin, họ ở đây, cũng có một khao khát, nhưng không cho riêng mình: vẹn toàn Tổ quốc, chủ quyền cương thổ, giữa bao bất trắc khôn lường vẫn luôn có một trái tim ngời khí phách xả thân, vì Đất Nước.
Lại vọng nghe ba tiếng còi tàu tiễn biệt. Không nỡ chào, chẳng nỡ xa, cũng không nỡ đưa một bàn tay vẫy. Trăng mười sáu, và một bầu trời đầy sao đu đưa theo những lắc lư của con tàu. Tôi đã tận thấy được một Trường Sa phóng khoáng, một Trường Sa thiêng liêng, và cả một Trường Sa của những diễm lệ khôn cùng.
Tạm biệt Trường Sa, nơi ngọn đèn của mẹ vẫn thao thức đêm dài, nơi những người lính còn ở lại, như vầng trăng trên sóng…