Vườn rau nhân ái
Chúng tôi gọi vườn rau thủy canh của Câu lạc bộ (CLB) Từ thiện Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm là vườn rau nhân ái, bởi toàn bộ tiền bán rau đều dành cho công tác từ thiện - xã hội.
Sau thời gian ấp ủ ý tưởng, một nhóm bạn trẻ đến từ CLB Từ thiện, học trò chuyên Sinh cùng các thầy cô giáo Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lập lên một vườn rau thủy canh rộng khoảng 50m2 ngay trong khuôn viên trường. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ mô hình rau sạch này được dùng vào việc từ thiện.
Đạt chuẩn
Vườn rau thủy canh ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ là mô hình đầu tiên và duy nhất trong trường học ở Quảng Nam tính đến thời điểm này. Đến nay, mô hình hoạt động được gần 2 tháng và thu hút đông đảo học sinh chung niềm đam mê khoa học và hoạt động từ thiện cùng tham gia, dưới dự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Nương.
Bạn Võ Lê Kỳ Duyên - học sinh lớp 12/8, cho biết trong tuần qua, các bạn thu hoạch lứa đầu tiên, được khoảng 40kg rau xà lách và cải các loại. Kinh phí đầu tư cho vườn rau được Công ty CP tập đoàn T&T hỗ trợ với khoảng 50 triệu đồng. Toàn bộ khu vườn được che chắn bởi hệ thống lưới ngăn côn trùng chung quanh và bạt che mưa bên trên; cùng với hệ thống đường ống dẫn nước cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây đồng thời đảm bảo rễ cây không bị úng ẩm mốc, bị bệnh và thiếu oxy. Với quy trình khép kín từ ươm cây con, đưa rau lên giàn lớn chăm sóc, sau gần 2 tháng có thể thu hoạch.
Theo cô Nguyễn Thị Nương, phương pháp trồng rau này có nhiều ưu điểm như có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, các loại dinh dưỡng được cung cấp theo đặc điểm của từng loại rau, có thể loại bỏ các chất gây hại cho cây và không có các chất tồn dư từ vụ trước; tiết kiệm diện tích; tiết kiệm nước; giảm công lao động và đặc biệt, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và điều chỉnh được hàm lượng dinh dưỡng, cũng như ngưng cung cấp dinh dưỡng cho rau 1 tuần trước khi thu hoạch nên tạo ra sản phẩm rau an toàn đối với người sử dụng.
Cô Nguyễn Thị Nương cho biết thêm, nếu học sinh vận hành tốt và thị trường tiêu thụ ổn định, tới đây, cô trò có thể nghiên cứu thử nghiệm thêm các loại rau củ quả khác, cùng với đó là mở rộng diện tích canh tác để phục vụ cho quá trình học tập cũng như tích lũy kinh nghiệm. Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm còn dự kiến trồng rau bằng phương pháp hữu cơ và phương pháp khí canh.
Nhân văn
Lứa rau đầu tiên, nhiều phụ huynh, giáo viên trong trường ủng hộ tiêu thụ sản phẩm với giá 30 nghìn đồng/kg. Một phụ huynh cho biết, dù ở nhà trồng được rau nhưng vẫn mua rau do các em học sinh và cô giáo trồng, để động viên, cổ vũ, tiếp sức tinh thần thiện nguyện.
Nguyễn Thị Diễm Thùy (lớp 10/6) chia sẻ, dù ở nhà không quen làm nông nhưng khi thường xuyên chăm sóc vườn rau với cô giáo và các bạn, Thùy cảm thấy vui, thú vị với trải nghiệm mới. Qua trồng và chăm sóc rau, các bạn hiểu được giá trị của sức lao động cũng như góp sức vào hoạt động của CLB Từ thiện.
Còn cô Nguyễn Thị Nương thì cho rằng, việc cùng học trò chăm sóc rau làm cho tình cô trò thêm gắn bó, đoàn kết; thầy cô cũng hiểu tâm lý học trò hơn.
Trong buổi ra mắt sản phẩm rau thủy canh lứa đầu tiên trước toàn trường vào đầu tuần này, Nguyễn Thị Thục Nhi (lớp 10/6) tâm sự: “Với mục tiêu hướng đến làm nông nghiệp phải xuất phát từ trái tim, chúng mình hy vọng mang đến nhiều lợi ích thiết thực đối với các bạn học sinh trong trường. Việc này sẽ giúp học sinh đem lý thuyết đã học áp dụng vào thực tế; khơi dậy được hứng thú học tập cho học sinh. Và hơn hết, đó chính là giá trị thiện nguyện từ việc thực hiện mô hình vườn rau thủy canh trong trường học mang lại. Lợi nhuận có được từ mô hình sẽ làm từ thiện, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp cần cộng đồng chung tay giúp sức”.
Một thành viên CLB Từ thiện Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, đây là một mô hình thân thiện với môi trường, góp thêm sản phẩm rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng nhưng còn khá non trẻ nên rất mong được cộng đồng đón nhận và có thêm nhiều nhà hảo tâm cùng đồng hành, giúp đỡ cho mô hình rau sạch của CLB Từ thiện Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt hiệu quả hơn.