Lại nói chuyện quà
Thử đọc lại 5 điều cấm đối với cán bộ công chức trong tết mà các báo đưa, gồm: cấm nhận quà và biếu quà trái quy định; cấm dùng ngân sách nhà nước đi biếu quà tết; cấm uống rượu, bia, đi lễ hội, du xuân trong thời gian làm việc; cấm đánh bạc dưới mọi hình thức; cấm dùng xe công đi lễ chùa sau tết.
Khi ra lệnh cấm, nó được ngầm hiểu là đã “quá lắm rồi”, tựa như không quản được thì cấm. Nhưng rồi, ai giám sát việc này, cũng như giám sát và xử lý như thế nào cho rốt ráo? Hay chỉ là thi thoảng báo đưa chỗ nọ chỗ kia rồi sẽ xử lý theo địa chỉ, theo kiểu nghiêm túc rút kinh nghiệm? Rồi làm thế nào phân định giữa “quà tình cảm” và “quà tham nhũng” cũng lại thêm điều bất khả. Nên tết đến, chắc hẳn người ta vẫn thấy nội dung và hình thức của 5 điều cấm này tràn tràn. Xin đừng cắc cớ bảo trưng bằng chứng.
Hiện nay, quy định tài chính trong một số ngành (cảnh sát giao thông, thanh tra, kiểm toán…) có tiền dưỡng liêm. Lục lại sử, không phải thời nay mới có khoản tiền này. Lệ này xuất hiện đầu tiên vào thời triều Nguyễn, là khoản tiền do nhà nước cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi sự liêm khiết của quan lại, để khuyến khích tiết tháo trong sạch.
Từng có nhiều tranh cãi về khoản tiền phụ cấp được cho là nhằm giảm bớt tiêu cực trong một số ngành nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng. Rồi những mổ xẻ kiểu ngành tôi không có dưỡng liêm sao ngành anh có, không có khoản “dưỡng” này thì anh không “liêm” được hay sao… Những cuộc tranh cãi không đem lại chân lý cũng như không bao giờ chấm dứt được nạn tham nhũng.
Thu nhập không đủ sống thường được đổ vấy là lý do để anh cán bộ công chức tham nhũng vặt hay... không vặt. Nhưng dường như nó không thỏa đáng. Từ bao đời nay, có mấy ai tự can gián mình bao nhiêu là đủ? Những đại án với hàng nghìn nghìn tỷ đồng của bao nhiêu quan to cấp bự bị “cho vào lò” sao có thể nói mức thu nhập của họ không đủ sống? Bởi riêng con số lẻ cuối cùng trong các dãy số tiền tham nhũng, sai phạm đó thôi cũng chỉ là giấc mơ của triệu triệu người dân. Nhu cầu thiết yếu và chất lượng cuộc sống vốn quá nhiều thang bậc cho từng thành phần trong xã hội, nên mẫu số chung “thu nhập không đủ sống” thường rất khó tìm.
Cho nên, phải có cách tư duy và quản lý khác, chứ không phải cứ đến tết, lại trưng những điều cấm mà thiên hạ thường cho là “lấy được” đó; và để đại đa số người làm công ăn lương không bị quơ quào vào chung với số ít “ăn của dân không từ thứ gì”. Với những điều cấm, vừa thừa vừa thiếu kia, chẳng thể là thuốc đắng dã tật. Đã có Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật Lao động và rất nhiều luật khác điều chỉnh rồi, sao càng ngày những điều cấm kỵ tương tự như vậy càng lắm. Nhiều sợi dây buộc chằng chéo, mà chẳng có mối nào chặt. Đó chẳng phải là điều quá đáng tiếc đối với từng công bộc của dân sao!