Ngược xuôi mấy nẻo chợ quê

HOÀNG LIÊN 14/01/2020 13:30

(Xuân Canh Tý) - Ngược xuôi qua những chợ quê đậm chất vùng miền, nghe hương xuân về khắp nẻo.

Chợ chuối Tiên Phước. Ảnh: N.Đ.NGỌC
Chợ chuối Tiên Phước. Ảnh: N.Đ.NGỌC

Chợ quê Tiên Phước nằm ven con sông Tiên “nước chảy ngược dòng” đã kịp khoác áo mùa xuân. Chợ chuối là một phần quan trọng của chợ quê Tiên Phước. Chợ tập kết các loại chuối xanh như: chuối mốc, chuối tiêu, chiếu cau, chuối lùn hương (chuối hờn), chuối mật, chuối hột. Chuối xứ Tiên nhiều vô kể, đến từ khắp các vùng quê.

Chợ chuối đã hình thành ở vùng đất Tiên Kỳ, Tiên Phước ngót nghét đã hơn 50 năm. Sau chợ được dời về khu chợ quê nằm bên sông Tiên. Ngần ấy năm, chợ vẫn cảnh bán mua tấp nập với những buồng chuối xanh, chuối chín bói theo chân các thương buôn đi muôn nẻo. Người dân trồng thuận theo tự nhiên, không sử dụng phân hóa học nên những buồng chuối quê không có vẻ mơn mởn mà thô ráp, trái nhỏ, nhưng thơm ngon, được ưa chuộng bởi vị đậm đà riêng. 

Từ 4 - 5 giờ sáng, những gánh chuối kĩu kịt trên vai các mẹ, các bà, những xe máy chở chuối từ các miệt vườn đã tập kết tại chợ. Chuối chất kín một màu xanh rờn đẹp mắt giữa dòng người tấp nập. Mỗi phiên chợ tết, ai cũng nhanh tay để có được những buồng chuối, nải chuối xanh đẹp mắt về thờ cúng trên bàn thờ gia tiên trong suốt 3 ngày tết, 7 ngày xuân. Giới thương lái cũng vậy, ai nấy tất bật gom hàng cho kịp những chuyến hàng về chợ tết miền xuôi. 

Phiên chợ “5 ngàn” vùng cao Đông Giang đông rất sớm, từ 4-7 giờ sáng. Ảnh: H.LIÊN
Phiên chợ “5 ngàn” vùng cao Đông Giang đông rất sớm, từ 4-7 giờ sáng. Ảnh: H.LIÊN

Chợ chuối cũng là điểm tập kết các sản vật khác theo kiểu mùa nào thức nấy, từ lòn bon, măng cụt, sầu riêng, thanh trà, bưởi bòng, chè lá, sả gừng, măng rừng... Người dân quê Tiên Phước gánh chuối ra chợ không quên mang theo các thức cây trái để bán cho thương lái thu gom cung ứng tết.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (quê ở Kế Xuyên, Thăng Bình) là một tiểu thương có 20 năm ngược xuôi những chuyến xe đến với Tiên Phước để đưa đi Hội An, Đà Nẵng tiêu thụ. Bà Tuyết cũng không nhớ rõ bao nhiêu mùa chuối, nông sản tết đã theo chân bà đi các ngả. Chỉ biết rằng, bà đã gắn bó với người dân Tiên Phước và việc buôn bán diễn ra nhẹ nhàng, tình cảm bởi những người dân quê chân chất.

Ngược xuôi qua các nẻo chợ Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên), chợ Thơm (Nông Sơn), chợ Bến Dầu (Đại Lộc)..., những chợ nằm ven sông Thu Bồn mà chỉ cái tên thôi cũng đã gợi thương, gợi nhớ.

Chợ Thơm xưa kia “trên bến dưới thuyền”, là nơi giao thương tấp nập, tập kết trái thơm của vùng quê Nông Sơn xuôi theo dòng Thu Bồn xuống Điện Bàn, Hội An, ra Cửa Hàn…

Hay chợ Bến Dầu gắn với địa danh của vùng chuyên khai thác dầu rái Đại Thạnh, Đại Chánh, sản vật một thời được ưa chuộng. Không chỉ bán dầu rái, chợ còn là nơi tập kết nông sản của vùng B Đại Lộc, nhất là chè xanh An Bằng vốn nổi tiếng ở vùng Đá Mài… Chợ dầu rái, chợ chè ngày nay cũng đã mất dần vị thế trong cuộc giao thương, song vẫn là những chợ gợi nhớ để người con xa quê tìm về. Vùng Đại Lộc còn có chợ Hội Khách nằm sát bến sông Vu Gia, song trải cuộc bể dâu, chợ giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức người già.

Ngược lên vùng cao xứ Quảng, nhiều du khách thú vị với chợ phiên “5 ngàn” Đông Giang (chợ sớm), Tây Giang (chợ trưa), nơi các mế, các chị, các em vùng cao chỉ bày bán sản vật núi rừng với mớ rau rừng, mớ bầu bí trồng trên rẫy, mớ cá niên đánh bắt được từ suối...

Giữa bôn ba với cuộc mưu sinh, những người con xa quê hay đang sống ở quê chắc vẫn cảm thấy rộn ràng, ấm áp mỗi khi dạo chợ quê những chiều cuối năm hay những phiên chợ quê họp sớm mùng Ba Tết. Nhiều người đi chợ không chỉ để mua được mớ rau, mớ cá tươi ngon, dăm ba loại trái cây nhà, mà để “cầu may”, để “tìm lại ngày xưa đã mất”. Nơi những góc chợ quê ngày tết hẳn mỗi người sẽ tìm lại được ký ức hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ từng đi theo bà, mẹ ra chợ.

HOÀNG LIÊN