Thanh Thúy, chợ quê, áo dài và xứ Quảng
(Xuân Canh Tý) - Sau câu chuyện tưởng chừng liên miên khó dứt với chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, tôi vỡ vạc triết lý đơn giản: để làm được thứ lớn lao, chỉ cần bắt đầu từ những điều tốt đẹp nho nhỏ.
Quê Lâm Đồng, lấy chồng Ninh Thuận, sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Thúy lại có duyên với Quảng Nam.
Chị là người đồng sáng lập và là Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ (có website tại địa chỉ “http://hoiquancacbame.com”) - nơi san sẻ những giá trị gia đình và cuộc sống.
“Hội quán của mình làm toàn chuyện nhỏ xíu thôi à” - chị Thúy bảo. Chuyện nhỏ xíu của “ngôi nhà chung” hội quán là những dự án hoạt động bền bỉ hơn chục năm qua, dự án nào cũng thấm đẫm nhân văn: bảo tồn hát ru, bảo tồn làng nghề, sách chuyền tay, áo dài chuyền tay, giáo dục giới tính…
Người mẹ hai con sinh năm 1973 này thường xuất hiện trong chiếc áo dài lụa nền nã, dịu dàng. Chị gây cảm tình cho người đối diện bằng chính sự gần gũi, giản đơn đó và bằng chính khuôn mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp, tấm lòng chân tình và trái tim yêu thương của mình.
Chợ quê
Ấn tượng của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy với Quảng Nam bắt nguồn từ việc nhìn thấy người dân Cù Lao Chàm (Hội An) gói thực phẩm bằng lá chuối và không sử dụng bao ny lon. Chị ngạc nhiên đến sung sướng và nghĩ ngay đến việc quyết tâm đưa lá chuối vào “Chợ quê giữa phố” của hội quán tại TP.Hồ Chí Minh.
Chợ quê của hội quán bán nhiều sản vật xứ Quảng: lụa Mã Châu, quạt mo cau, bánh bèo hấp trong chén đất, bánh thuẫn nướng bằng khuôn đồng, hương quế Tiên Phước, phở sắn Quế Sơn,... và có cả mỳ Quảng. “Mỳ Quảng đậm vị quê nghen, không bao giờ thiếu dầu phụng, củ nén và bắp chuối” - chị Thúy nói.
“Tôi đến chợ quê của hội quán không chỉ để mua sản phẩm dân dã của Quảng Nam và các vùng miền khác, mà còn để cảm nhận tình người ở chợ. Tôi thấy như mình đang được trở về quê xứ, gần gũi, bình dị và rất chân tình. Chợ quê của hội quán rất đặc biệt, không xô bồ cũng chẳng lạnh lùng, mà ấm áp, dễ thương” - chị Lê Thị Phi Khanh, quê Đại Lộc, sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ cảm nhận.
Chị Khanh còn cảm kích về tính nhân văn của chợ quê, bởi hội quán dành toàn bộ lợi nhuận cho các hoạt động phát triển cộng đồng như mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí cho các hoàn cảnh khó khăn, tặng cây giống, hạt giống…
Áo dài lụa
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy có niềm say mê đặc biệt với áo dài. Vì đam mê nên có lần chị buồn đến rớt nước mắt và chia sẻ với người có trách nhiệm khi một số sự kiện áo dài lớn được tổ chức mà người dự thi mặc áo dài không phải may từ chất liệu trong nước.
“Tại sao đó không phải là áo dài lụa Mã Châu của Quảng Nam hay lụa Bảo Lộc, Tân Châu…? Dù biết rằng tơ lụa Việt có thể đắt hơn vải ngoại nhập một ít nhưng cái lợi khi quảng bá lụa Việt và niềm tự hào khi mặc vải lụa hàng Việt thật khó đo đếm được!” - chị nói.
Đồng tham gia tổ chức chương trình “Áo dài Việt Nam và tình yêu văn học” vào giữa năm 2017 và 2018 với Hội quán Các bà mẹ, chị Khiếu Thị Hoài - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Không gian đọc Hội An đặc biệt ấn tượng khi từ diễn giả đến khách mời và toàn bộ thành viên của hội quán đều mặc áo dài.
Chị Hoài kể, buổi trình diễn “Áo dài Việt Nam và tình yêu văn học” tổ chức ngay trạm dừng chân của phố cổ Hội An, người mẫu là giáo viên, học sinh, sinh viên, người dân trong khu phố cổ. Người mẫu nhỏ nhất 7 tuổi và lớn nhất là cụ bà gần 80 tuổi. Sự kiện đã thu hút hàng trăm người dân và níu chân biết bao du khách trong nước, quốc tế. Ai nấy đều trầm trồ trước vẻ đẹp của những chiếc áo dài lụa được dệt và may thêu thủ công từ các làng nghề truyền thống. “Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy yêu và đã gieo tình yêu với áo dài lụa truyền thống trong lòng mọi người một cách nhẹ nhàng như vậy” - lời chị Khiếu Thị Hoài.