Ở trọ non ngàn

NHẬT PHONG 14/01/2020 13:16

(Xuân Canh Tý) - Căn nhà gỗ 2 tầng của Pling Xéch và Briu Nheng dựng trên hai mỏm đồi cao, cách nhau 100m. Cả hai đều thoáng rộng, có cầu thang gỗ lên gác bên ngoài, tạo không gian “biệt lập” cho những ai nhã ý ở lại. Con đường bê tông chạy xuyên qua làng, về phía những nương vàng bên cánh rừng xanh um và bầu trời trong như suối. Hai ông chủ “homestay” đều vắng nhà. Người làng nói họ đã lên suối, vô rừng bắt cá, bứt mây…

Làng trên non xa.
Làng trên non xa.

Xuôi Đờ Rhoong (xã Tà Lu, Đông Giang) về đồng bằng 16km theo quốc lộ 14G sẽ gặp một ngôi làng đậm chất Cơ Tu. Không còn hình ảnh già làng Bríu Brăm ngồi bên ngạch cửa nhà Moong chơi vài nhạc cụ, chiêng trống như ngày trước. Ông đã vào cõi vĩnh hằng trước khi kịp nhìn thấy những mái nhà rách bươm, toang hoác gió lùa... đã được phục dựng bằng quần thể nhà sàn đầy đủ tiện nghi, đẹp đến không ngờ!

Bữa tối ở làng có đầy đủ sản vật địa phương. Mâm cơm có đủ màu sắc của trứng rán, gà, cá niên xiên que nướng, canh rau rừng và những chén cơm thơm dẻo còn mang hương vị từ những mảnh ruộng nương quanh làng. Những ngày ở non xa, khách có thể nhờ người địa phương hướng dẫn mở các cuộc thám du nhỏ, ngược suối, ngắm cảnh, lội rừng.

Nghề đan lát ở Bhờ Hôồng.
Nghề đan lát ở Bhờ Hôồng.

Có lẽ chưa bao giờ người ở núi được biết đến các kỹ năng bán hàng, đàm phán và cả cách tạo sự hấp dẫn của căn nhà để đón khách, khởi đầu cho cái nhìn mới về chuyện làm ăn cho những gia đình trên rẻo cao thông qua con đường du lịch.

Những Alăng Đức, Ating Pay khởi sự kinh doanh của mình bằng việc mở quán cà phê ngay cạnh một trong các hộ lưu trú ở khu vực giữa làng Bhờ Hôồng hay kiếm tìm cơ hội làm hướng vẫn viên ở một doanh nghiệp du lịch khác.

Một Đinh Thị Thìn làm du lịch cộng đồng, mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho dân làng. Du khách cũng không cần phải vội vã trở lại thành phố cuối chiều hoặc ngược lên thị trấn Prao để trú qua đêm nữa khi có những căn trọ đã mở.

Anh Briu Đô ở Bhờ Hôồng – một cung thủ nổi tiếng, có niềm vui riêng khi bán được hàng mây tre. Anh nói kể từ khi Công ty TNHH du lịch mạo hiểm Việt Nam xây dựng làng du lịch cộng đồng tại làng, mang khách theo tour và lưu trú, sản phẩm của làng đã có đầu ra. Nước, thức ăn, hàng lưu niệm… đều sử dụng tại địa phương. Sự hướng dẫn của các chuyên gia, những mẫu mã mới, cách điệu cho sản phẩm mây tre như khay trà, đĩa… đã giúp anh bán được rất nhiều hàng cho khách qua đường hay đến làng. Briu Đô nói người làng đã có thể sống được nghề đan lát, bán hàng…

Tháng giêng, hai, hoa trẩu rơi trắng rừng, rắc lên mặt đường những chùm hoa như gạo trắng li ti. Kết thúc mùa hoa lại nở theo mùa chờ đợi… Nhưng trong đôi mắt của Phạm Vũ Dũng – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH du lịch mạo hiểm Việt Nam ẩn điều gì khó tả. Dũng nói 2/3 đối tác đã rút, chỉ còn mình anh theo đuổi dự án du lịch cộng đồng này. Sau 7 năm, lượng khách mấp mé ngưỡng lời, lỗ chút ít, bù qua sớt lại, nhưng sẽ viết nên câu chuyện mới cho làng. Anh sẽ cho lợp lại mái, nâng cấp, làm mới trang thiết bị, đầu tư thêm những hoạt động trải nghiệm cho khách đa dạng hơn. Dân địa phương không đủ tầm để làm du lịch. Những người quản lý lần lượt rời làng. Tìm không ra người đào tạo, câu chuyện Bhờ Hôồng sẽ được viết tiếp nhưng viết như thế nào đây? Làng được chọn là 3 sản phẩm OCOP “đặc hữu” của Quảng Nam, nhưng nếu không có định hướng hay sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cơ quan quản lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp để động viên thì nguy cơ làng du lịch cộng đồng trên non cao đầu tiên rồi sẽ tàn phai!

NHẬT PHONG