Du lịch Cù Lao Chàm tăng giá
Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm vừa công bố mức giá mới cho khách tham quan tour du lịch Cửa Đại - Cù Lao Chàm, động thái được xem là giúp nâng cao chất lượng dịch vụ; tuy nhiên nhiều khả năng sẽ khó thể thực hiện triệt để.
Nâng giá bù chi!
Theo mức giá mới, từ ngày 1.1 - 30.4, giá phổ thông bán cho khách lẻ tham quan du lịch Cù Lao Chàm đi về trong ngày là 750 nghìn đồng/khách, tăng khoảng 100 nghìn đồng/khách; từ 1.5 đến cuối năm nâng mức giá lên thành 800 nghìn đồng/khách. Với doanh nghiệp lữ hành, mức giá là 600 - 650 nghìn đồng/khách. Bên cạnh đó, còn có tour cao cấp mức giá 1 - 3 triệu đồng. Tham gia tour này, ngoài bữa ăn ngon hơn, khách còn được trải nghiệm các hoạt động làm bánh ít, đan võng ngô đồng, bơi thuyền thúng chai…
Việc nâng giá tour được đánh giá là phù hợp và cần thiết hiện nay, qua đó không chỉ giúp nâng cao thương hiệu điểm đến Cù Lao Chàm mà còn góp phần “lọc” bớt khách, hạn chế gia tăng số lượng khách lên đảo. Năm 2019, Cù Lao Chàm đón hơn 440 nghìn lượt khách, con số “khủng khiếp” đối với một xã đảo có khoảng 2.700 dân.
Dù đồng tình nâng giá, nhưng một số doanh nghiệp cũng tỏ ra băn khoăn khi quá trình triển khai chưa có sự chuẩn bị về cơ chế giám sát và dịch vụ bổ sung, điều này vô tình sẽ làm hình ảnh điểm đến “xấu” hơn trong mắt khách. Ông Dương Văn Chiến - Giám đốc Công ty CP Du lịch và thương mại Cù Lao Xanh cho rằng, muốn biết hiệu quả tới đâu phải chờ thời gian, bởi hiện tại rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tuyến du lịch này, trong khi tình trạng giảm giá, phá giá thì khó thể nói trước được.
Còn theo ông Huỳnh Kim Ba - Giám đốc Công ty Du lịch Phú Lộc, tăng giá là việc phải làm, bởi hiện tại kinh phí đầu tư tàu SB quá cao (bình quân mỗi tàu khoảng 2 tỷ đồng) và đây cũng là lý do chính chứ không phải vì dịch vụ đã được bổ sung nâng cao. “Tất nhiên, khi nâng giá thì dịch vụ cũng phải thay đổi, nhưng điều này phụ thuộc vào xã Tân Hiệp và bên Ban Quản lý Khu bảo tồn biển” - ông Ba chia sẻ.
Khó kiểm soát
Việc nâng giá tham quan Cù Lào Chàm không phải điều mới mẻ, trước đây mức giá bán cho khách lẻ cũng đã được quy định 650 nghìn đồng, nhưng việc cạnh tranh, phá giá của doanh nghiệp khiến mức giá xuống chỉ còn khoảng 400 nghìn đồng, thậm chí 300 - 350 nghìn đồng.
Ông Huỳnh Kim Ba cho rằng, tình trạng phá giá khó thể chấm dứt, bởi một số doanh nghiệp phải trích lại nhiều tiền cho công ty lữ hành và lái xe (taxi) để có khách. “Nâng giá là tốt nhưng phải có tổ chức, phương án kinh doanh, đặc biệt doanh nghiệp phải đồng thuận để tất cả cùng thống nhất làm, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy bán, cuối cùng cũng quay lại giá thấp thôi. Do đó, phải có phương án đồng bộ, kể cả hỗ trợ chia sẻ khách giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, rồi cần phải có quy chế xử lý doanh nghiệp phá giá” - ông Ba nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, việc nâng giá là quyền của doanh nghiệp, Nhà nước không can thiệp. Thậm chí thành phố cũng mong nâng giá lên cao hơn để giảm bớt khách ra đảo và hạn chế tình trạng xô bồ phá giá như hiện tại. Quan trọng là việc nâng giá phải đi cùng với chất lượng tương xứng.
“Thành phố chỉ quản lý về phí tham quan, còn việc tăng giá mình không quản lý, cái này thuộc về cơ chế thị trường. Tất nhiên, vẫn có trường hợp phá giá, bán giá thấp của một vài doanh nghiệp. Việc kiểm soát này do Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm quản lý, ai phá giá thì bị lên án xử lý” - ông Sơn nói.
Theo ông Trần Văn Khoa - Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch Cù Lao Chàm, việc nâng giá đã được các doanh nghiệp tính toán kỹ, bởi hiện nay chi phi đầu tư phương tiện rất cao, do đó giá bán tour cũng phải hợp lý, còn dịch vụ cũng chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng bữa ăn, từng bước hướng đến nâng cao chất lượng điểm đến. “Sắp tới chi hội sẽ xây dựng quy chế, doanh nghiệp nào phá giá sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý” - ông Khoa cho biết.