Trầm mặc Gạc Ma

THÀNH CÔNG 10/01/2020 11:39

Chỉ có tiếng sóng vỗ. Và gió ầm ào. Thẳm sâu trong lòng biển đâu chỉ là khói nhang tưởng niệm, khi duềnh lên trên đáy mắt bao người là niềm bi phẫn khôn nguôi. Nơi này, là sóng nước Gạc Ma.

Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ trên vùng biển Gạc Ma.Ảnh: THÀNH CÔNG
Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ trên vùng biển Gạc Ma.Ảnh: THÀNH CÔNG

1. Lá cờ Tổ quốc phần phật reo trên nóc tàu. Tháng Chạp, biển xanh sâu thẳm. Chúng tôi đứng trên boong tàu HQ-561, nơi bàn thờ nhỏ vừa được chuẩn bị.

Thượng tá Nguyễn Đức Độ - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân trang trọng phát biểu tưởng niệm. Ông lần lượt nhắc đến tên 64 liệt sĩ đã ngã xuống trước làn đạn của kẻ thù xâm lược 31 năm về trước. Là hình ảnh của Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, người đã đứng trên mũi tàu HQ-604 để chỉ huy cho đến lúc hy sinh. Là anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ, người thuyền trưởng đã cùng tàu HQ-604 vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển. Là liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, đã dùng lá cờ Tổ quốc quấn quanh thân mình, động viên đồng đội “không lùi bước, dùng máu của mình tô thắm cho lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”.

Nhiều ánh mắt đã rưng rưng. Một niềm nhớ lặng lẽ về đây, nơi sóng nước Gạc Ma vẫn vỗ về thân tàu giữa ngày đầu tháng Chạp. Rất nhiều người đã khóc. Rất nhiều  hoa, những bông cúc trôi đi trên sóng, chìm xuống lòng biển thẳm sâu, mang theo lời hứa của đồng đội, của những người hôm nay thề tiếp bước những anh hùng quyết giữ gìn từng tấc biển quê hương.

Ngày thứ sáu trong hải trình hướng về Trường Sa. Một ngày rất khác. Từ đêm trước, chúng tôi đã thao thức đón chờ bình minh, đón chờ khoảnh khắc tàu dừng lại nơi này. Gạc Ma ở kia thôi, chừng như chỉ cách một nhịp chèo, mà đau đáu niềm thương. Hướng kia, chỉ thấy những khối nhà xám lạnh lùng của ngoại bang. Nhói lên trong lòng những xúc cảm khó có thể gọi tên, chúng tôi không nói với nhau điều gì, chỉ thấy lửa trong từng đôi mắt.

Đi qua Đá Lớn, Sinh Tồn, tận thấy và chạm chân vào phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữa muôn trùng sóng, mới thấy giá trị của từng tấc chủ quyền. Đổ xuống biển là mồ hôi, là máu, là trọn vẹn niềm tin của từng con dân Việt qua bao thế hệ. Gạc Ma, 64 liệt sĩ đã nằm lại. Rất nhiều trong số đó còn gửi lại xác thân giữa lòng đại dương xanh thẳm.

“Biển thì sâu, sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi để đến nay nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo, đang hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi theo thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố... Các anh đã ra đi, vinh quang, nhưng phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình đồng bào, đồng chí. Còn đó bao nỗi niềm khôn nguôi, bao hy vọng hư vô trên khóe mắt những người mẹ, người cha, người vợ, hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hàng ngày đau đáu bên cánh cửa ngóng đợi các anh về. Nỗi đau ấy, niềm hy vọng hư vô ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm, sao khỏa lấp đầy...” - loang đi trong mênh mông của sóng những lời tri ân trầm mặc, theo gió bay, theo sóng nước gửi vào muôn trùng lòng biển Gạc Ma...

2. Tôi cầm trên tay lá thư của Chấn Long, một cậu học sinh tiểu học ở Hà Nội. Con chữ học trò còn vụng về, đề ngày viết: 1.12.2019. Cậu học trò nhỏ ấy đã cẩn thận ngồi vẽ một bức tranh, với hình 64 con hạc bao quanh lá cờ Tổ quốc thắm đỏ trước những họng súng. “Cháu được nghe kể về sự hy sinh anh dũng của các chú. Các chú đã dùng máu của mình thấm đẫm lá cờ của Tổ quốc. Cháu viết lá thư này cùng với 64 con hạc trắng do cháu tự gấp gửi đến các chú để cảm ơn, mong linh hồn các chú được bình an nơi biển sâu thẳm, không còn khổ đau và sẽ được vui vẻ về trời...”.

Sau giờ tưởng niệm, lá thư ấy cũng được thả xuống biển sâu cùng với vòng hoa, trôi theo mênh mông sóng nước. Xung quanh là những con hạc trắng, và hoa. Sáng ấy, trời trong, nắng dát vàng lên từng gợn sóng. Tôi lia máy ảnh về phía biển, mắt chợt nhòe khi thấy khói nhang. Hình như, lòng mình cũng đang có sóng.

Những đóa cúc vàng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Những đóa cúc vàng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Gia Hân, chuyên viên của Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, một trong hai thành viên của Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương nói với tôi, đó sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên đối với cô, cho những ngày sau. Hân được câu lạc bộ giao nhiệm vụ “chuyển” lá thư đặc biệt của Chấn Long đến biển Gạc Ma, gửi vào trong sóng. Cô gái nhỏ vừa tròn 22 tuổi đã có những ngày dài mệt nhoài vì say sóng, nhưng mỗi khi thấy đảo, đã thấy cô đứng trên boong, tay nắm chặt lan can tàu dõi về phía ấy. Suốt lễ tưởng niệm, mắt cô đỏ hoe, ánh nhìn không rời vòng hoa kết hình cờ Tổ quốc đang trôi.

“Chúng em mang ơn các anh, đất nước này mang ơn các anh, những người đã ngã xuống biển trời này, vì Tổ quốc. Em thực sự thấy mình may mắn khi đã được hiện diện ở đây, được tận thấy Tổ quốc giữa muôn trùng sóng. Em đã nghe, đã đọc về Gạc Ma, về thiên huyền sử của những người lính hải quân, nhưng chính lúc này đây, được đứng trên vùng biển Gạc Ma là một xúc cảm thiêng liêng mà em sẽ mang theo suốt quãng đời còn lại của mình” - Hân nói. Cô gái đã hoàn thành tâm nguyện của Chấn Long, và cũng đã thỏa niềm mong của chính mình, với sóng nước Gạc Ma. Từ tàu, vẫn nhìn rõ vòng hoa hình cờ Tổ quốc giữa màu xanh thăm thẳm.

Ngày 14.3.1988, khi các tàu vận tải và bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thì 4 tàu Trung Quốc xuất hiện, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở Len Đao và HQ-505 ở Cô Lin, dùng vũ lực cưỡng chiếm Gạc Ma, giết hại 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam. 64 cán bộ, chiến sĩ dũng cảm bảo vệ đảo đến hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn không trở về đất mẹ với bao ước vọng của tuổi xuân chưa kịp thực hiện. Nhiều năm nay, các đoàn công tác của quân và dân thường xuyên đến vùng biển Gạc Ma tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã ngã xuống sau trận hải chiến năm 1988.

3. Chỉ nhìn những cơn sóng vỗ dưới thân tàu thôi cũng đủ để yêu. Trời xanh, biển xanh, và hơn hết, đó là một phần hình hài đất nước. Đâu chỉ có những làng, những phố, những thanh âm đất liền, đất nước còn hiện diện ở đây, trong từng cơn sóng, trong thăm thẳm xanh sâu đại dương và cả bầu trời cao mênh mông phía trên đầu. Màu xanh đổi bằng máu.

Hai lần đặt chân lên đảo nổi Sinh Tồn và Phan Vinh, tôi tìm đến hai ngôi chùa. Ở đó, có tấm bia tưởng niệm khắc tên 64 liệt sĩ Gạc Ma. Không tắt khói nhang ở đó. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo, sư trụ trì và cả những ngư dân ghé chân chùa, ngày ngày đều để lại những nén nhang. Tôi tin, trong tâm thức của bao con dân Việt, Gạc Ma mãi mãi là một trong những biểu tượng về niềm tin chủ quyền. Một bản tráng ca bi hùng. Một vòng tròn bất tử nơi biên cương Tổ quốc. Ai đó nói về “nghĩa trang đỏ” Gạc Ma, song, với tôi, những người lính ấy vĩnh viễn bất tử trong màu cờ Tổ quốc. Họ ngã xuống vì từng khoảng trời, từng con sóng quê hương, máu xương mãi mãi quyện thành một phần linh hồn của dân tộc. Phần can trường nhất, dũng cảm nhất, trung thành nhất và bi hùng nhất.

Hương trầm quyện gió tỏa quanh/ Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương”, câu thơ thượng tá Nguyễn Đức Độ nhắc đến trong bài tưởng niệm còn âm vọng theo rì rào tiếng sóng. Biêng biếc niềm thương gửi vào sóng nước Gạc Ma, gửi theo những cánh hạc trôi xa theo biển mặn. Tàu HQ-561 rúc ba hồi còi dài chào tạm biệt. Trên boong tàu, tất cả cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn đang nghiêm tay theo điều lệnh, chào những người đồng đội đã gửi lại máu xương của mình cho Tổ quốc.

Xin gửi lại một niềm thiêng liêng nhớ, Gạc Ma!

THÀNH CÔNG