Tiền mất, tật mang
Dù mới ban hành ngày 30.12.2019, nhưng ngày 1.1.2020 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã chính thức có hiệu lực. Như vậy, luật quy định nghiêm cấm hoàn toàn lái xe, kể cả đạp xe đạp khi đã uống rượu, bia. Chiếu theo Nghị định số 100, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt rất nặng nếu uống rượu, bia vượt quá nồng độ cồn cho phép. Ngoài ra, lái xe còn phải đối mặt với bao hiểm nguy trên đường ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của chính mình và người khác.
Sau khi Nghị định số 100 có hiệu lực, Sáu còi ghi nhận ý kiến của phần lớn người dân bày tỏ sự đồng tình trước quy định cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia. Họ giãi bày rằng, bản thân đã ngán ngẩm do từng chứng kiến rất nhiều trường hợp người thân, rồi bạn bè, hàng xóm láng giềng nhậu bạt mạng rồi trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông. Có trường hợp đã say xỉn mà cứ nằng nặc đòi lái xe đi về, bất chấp sự can ngăn để rồi theo ảo giác đâm trực tiếp vào phương tiện khác lãnh hậu quả nặng nề. Đồng thời, nạn nhân vô tội bị đối tượng “ma men” tông phải dẫn đến nhiều hệ lụy như con mất cha, vợ mất chồng, mất trụ cột gia đình… Thượng tá Phan Thanh Hồng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh cho biết, qua tuần tra kiểm soát những ngày qua, lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ đúng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như Nghị định số 100. Qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Chiều 6.1, có 2 tổ tuần tra, xử lý về nồng độ cồn trên QL1 qua Tam Kỳ. Trong đó 1 tổ kiểm soát xe máy, 1 tổ kiểm soát ô tô.
Ghi nhận từ một số người hay sử dụng rượu, bia, họ cho biết tâm lý không còn thoải mái như trước và phải rất cân nhắc mới đến quán để nhậu. Nếu đã uống nhiều, bản thân sẽ nhờ xe chở về hoặc đi xe ôm, ô tô chạy dịch vụ chứ không dám điều khiển phương tiện nữa. “Tôi thường nhậu lâu, cho nên bây giờ phải bỏ kiểu ngồi suốt buổi này thôi! Nghị định phạt rất nặng như vậy, đến đi xe đạp cũng bị phạt 600 nghìn đồng, xe máy 6 triệu đồng, ô tô 40 triệu đồng rồi tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng thì ai dám vi phạm nữa. Đó là chưa nói, tối mình nhậu nhiều, qua sáng mai vẫn không dám đi xe vì nồng độ cồn trong máu, trong khí thở vẫn còn cao như thế nếu bị “tuýt còi” cũng bị phạt” - một người tên Hồng chia sẻ. Có thể nói, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 chính thức có hiệu lực đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý, tạo sự đồng thuận rất cao trong dư luận xã hội. Quy định nhanh chóng đi vào cuộc sống, đúng thời điểm cả nước đang chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc - Xuân Canh Tý 2020 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều niềm vui trọn vẹn, thật sự ý nghĩa.