Thầm lặng nghề sưu tầm hiện vật

TRẦN VŨ 03/01/2020 13:44

Đến Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, ít ai biết rằng để có những tư liệu, hiện vật trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan là cả một quá trình nghiên cứu sưu tầm rất thầm lặng và vất vả của những người làm công tác bảo tàng.

Lãnh đạo Bảo tàng Quảng Nam trao Giấy chứng nhận cho cá nhân hiến tặng hiện vật. Ảnh: TRẦN VŨ
Lãnh đạo Bảo tàng Quảng Nam trao Giấy chứng nhận cho cá nhân hiến tặng hiện vật. Ảnh: TRẦN VŨ

Nghề thầm lặng

Đối với một bảo tàng tổng hợp địa phương, đối tượng sưu tầm phục vụ trưng bày rất đa dạng, gồm cả tài nguyên thiên nhiên, văn hóa các dân tộc, khảo cổ học, lịch sử cách mạng… Mỗi đối tượng được phân công một người phụ trách, mà từ khâu chuẩn bị cho đến khi đi sưu tầm và đưa hiện vật vào kho là quy trình khá thầm lặng và khắt khe. Người làm công tác sưu tầm phải tiến hành nghiên cứu các tài liệu và lập kế hoạch sưu tầm chi tiết trình lãnh đạo phê duyệt mới tiến hành đi sưu tầm. Để mỗi hiện vật sưu tầm được trở thành hiện vật trưng bày tại bảo tàng, người phụ trách phải lập hồ sơ pháp lý và hồ sơ khoa học bám sát quy chế, quy định của Nhà nước và quy định của bảo tàng, đưa hiện vật về kho đảm bảo thông tin.

Động tác đầu tiên trong một chuyến về cơ sở sưu tầm là làm việc với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để nắm thông tin về những đối tượng cần sưu tầm và đề nghị xác nhận hồ sơ pháp lý khi phát hiện được hiện vật. Khi nhận bất cứ thông tin có liên quan về hiện vật, người làm công tác sưu tầm phải bằng mọi cách để tiếp cận được hiện vật. Bà Võ Thị Thêm - nhân viên Bảo tàng Quảng Nam cho biết, nhiều khi xã giới thiệu tên người có hiện vật, hỏi ra một thôn có rất nhiều người trùng tên nên tìm ra đúng người mình cần không đơn giản. Tìm đến đúng địa chỉ, có khi người sở hữu hiện vật đã ra đồng, lên rẫy hay đi làm công, nên phải chờ gặp vào buổi trưa hoặc tối. Đến khi gặp được chủ nhân hiện vật, để nói cho họ hiểu mục đích sưu tầm và vận động hiến tặng hoặc bán hiện vật cho bảo tàng là cả một quá trình.

Buồn vui chuyện sưu tầm

Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền - nhân viên thuyết minh Bảo tàng Quảng Nam chia sẻ, bà được lãnh đạo phân công sưu tầm hiện vật cách mạng và văn hóa nhằm tiếp cận thực tế để hiểu hơn những câu chuyện xung quanh hiện vật, sau này thuyết minh sẽ tốt hơn. Khi gặp nhân chứng, có người xem như là tri kỷ, bao nhiêu ký ức trong thời chiến đều kể hết ra. Xong một buổi, cái thu được đầu tiên là những câu chuyện dài về ký ức một thời, nhưng cái quan trọng nhất vẫn là hiện vật thì có lúc dễ, lúc khó, lúc oái ăm. Bởi, có người kể chuyện xong vui vẻ đồng ý hiến tặng tư liệu hiện vật, còn giới thiệu nhiều địa chỉ khác để đi sưu tầm. Cũng có người lúc đầu thống nhất bàn giao hiện vật, đến khi nhân viên bảo tàng về báo lãnh đạo và làm thủ tục tiếp nhận thì họ lại đổi ý, đành phải về tay không. Có không ít trường hợp hiện vật người dân bỏ lăn lóc ngoài bờ rào, nhưng khi đến đặt vấn đề sưu tầm họ lại ỡm ờ không bán cũng không hiến tặng, có lẽ khi nghe nhân viên bảo tàng hỏi họ lại tưởng đó là món đồ cổ có giá trị. Cũng có người khi nghe hỏi đến chiến tranh cách mạng lại tưởng cán bộ đi làm chế độ chính sách nên kể đủ thứ và nhờ giúp đỡ. Có trường hợp phải đi 3 lần và nhờ đến cán bộ địa phương thuyết phục mới được.

“Có lần tôi đi sưu tầm tại huyện Hiệp Đức, nhiều người giới thiệu có một người đang giữ hiện vật bằng đồng rất đẹp. Tôi tò mò tìm cho ra địa chỉ đã giới thiệu, sau 4 lần đến nhà mới gặp chủ sở hữu và thuyết phục ông đồng ý cho xem. Hiện vật được ông cất trong một hộc trên gác xây kín bằng gạch, hai người phải đập gạch mất gần 30 phút mới lấy ra được. Ông bảo đây là hiện vật đào được trong vườn, không biết là vật gì nên cất giữ. Sau khi nhìn hiện vật tôi mới hỡi ôi, thì ra cái bình đựng vôi ăn trầu còn khá mới. Có trường hợp đã làm thủ tục và bàn giao hiện vật cho bảo tàng, nhưng một thời gian sau con cháu xuống xin lại với lý do lúc đó người bàn giao hiện vật chưa lấy ý kiến của họ. Có lúc cá nhân đã đồng ý hiến tặng hiện vật nhưng khi đến xã để làm thủ tục pháp lý thì không được vì huyện đang có chủ trương lập phòng truyền thống nên cần để hiện vật lại trưng bày…” - bà Tuyền kể.

Tín hiệu đáng mừng

Hiện nay Bảo tàng Quảng Nam đã có nhà trưng bày, khách tham quan có cơ hội tương tác với tư liệu, hiện vật tưởng chừng rất đỗi bình thường trong đời sống thường ngày nhưng khi trở thành hiện vật bảo tàng lại mang một giá trị lịch sử văn hóa nhất định. Điều này giúp người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn di sản văn hóa địa phương. Như bà Nguyễn Thị Miễn là người con Quảng Nam hiện sinh sống tại tỉnh Bình Phước, trong chuyến về thăm quê, sau khi nhìn thấy những kỷ vật trưng bày trong bảo tàng giống với kỷ vật mình đang lưu giữ nên bà đã liên hệ với bảo tàng để hiến tặng kỷ vật chiến tranh. Hay bà Phan Thị Bông ở phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, dù đã có tuổi vẫn nhờ con cháu chở đến bảo tàng để tặng kỷ vật…

Cùng với dòng chảy của thời gian, việc sưu tầm hiện vật ngày càng khó hơn, chuyện người dân tự giác tìm đến bảo tàng trao gửi hiện vật là một tín hiệu vui. Đây là niềm động viên cho người làm công tác sưu tầm hiện vật, giúp họ càng ý thức hơn vai trò thầm lặng của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cha ông, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tình hình đất nước đang thời kỳ hội nhập, phát triển.

TRẦN VŨ