Phát triển dịch vụ y tế chất lượng cao: Cần giải pháp đồng bộ

LÊ QUÂN 03/01/2020 10:47

Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030” tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung (từ Nghệ An đến Khánh Hòa). Đây là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm, nhất là các tỉnh, thành phát triển dịch vụ du lịch. Đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý... là những vẫn đề cấp bách để thu hút người nước ngoài, người có thu nhập cao đến khám chữa bệnh tại các địa phương.

Cải thiện chất lượng dịch vụ và chuyên môn để tiếp tục thu hút người có thu nhập cao đến khám chữa bệnh là mục tiêu của ngành y tế trong thời gian đến.
Cải thiện chất lượng dịch vụ và chuyên môn để tiếp tục thu hút người có thu nhập cao đến khám chữa bệnh là mục tiêu của ngành y tế trong thời gian đến.

Thu hút người khám, chữa bệnh

Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại bệnh viện các tuyến. Trước đó, trong năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, trong đó có 57.000 người điều trị nội trú. Các dịch vụ y tế đang dần cải thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Nhiều kỹ thuật phức tạp ngang tầm thế giới đã được các bệnh viện Việt Nam làm chủ. Chưa kể, nếu so với giá dịch vụ y tế của thế giới, giá cả khám chữa bệnh của Việt Nam tương đối rẻ hơn so với các quốc gia khác. 

Đề án "Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030" xây dựng 10 hoạt động, giải pháp thực hiện; trong đó gồm các gói dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, gói kỹ thuật cao theo đặc thù chuyên khoa. Cùng với đó là cơ sở y tế sẽ được đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị, dịch vụ chăm sóc người bệnh toàn diện. Khung giá đặc thù chi trả cho nhân lực chất lượng cao, giá dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao... cũng sẽ được xây dựng lại trên cơ sở lấy ý kiến từ các cơ sở. 

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng, việc xây dựng đề án này nhằm nâng cao toàn diện chất lượng lâm sàng và chất lượng dịch vụ của một số bệnh viện, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao tại Việt Nam. "Khi các chính sách, hoạt động mang tính đồng bộ, liên ngành theo nội dung đề án sớm được triển khai sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các bệnh viện, giảm “chảy máu ngoại tệ”, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia; tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao uy tín ngành y tế, mang lại sự hài lòng thực sự cho người bệnh và nhân viên y tế" - PGS-TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nói.

Cần tháo gỡ vướng mắc

Hiện ở các địa phương, để thực hiện việc khám chữa bệnh cho người nước ngoài không đơn giản. Đại diện Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An cho biết, đối với bệnh viện tuyến 3, theo nguyên tắc sẽ không được tổ chức khám bệnh cho người nước ngoài, trừ những trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Người nước ngoài cũng ít lựa chọn cơ sở y tế công lập để khám bệnh. Chưa kể, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc thu chi khi thực hiện khám hoặc chữa trị cho người nước ngoài. Đối với bệnh viện tư thì thu chi theo thỏa thuận, còn bệnh viện nhà nước phải áp dụng theo Thông tư 14 và 03 về viện phí. Trong khi đó, việc khám chữa bệnh cho người nước ngoài, vấn đề thu chi thế nào chưa có hướng dẫn. Hiện Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất để các cơ sở khám chữa bệnh xử lý đúng và thu chi hợp lý, ngoài các bệnh viện tuyến trung ương được chỉ định khám chữa bệnh cho người nước ngoài.

Một vướng mắc nữa là việc đánh giá chất lượng độc lập, công bố kết quả ở cấp độ quốc gia hoặc "gắn sao" cho bệnh viện chưa được triển khai. Cùng với đó, hiện nay, chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập sẽ không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả. Đây cũng là vấn đề khiến các địa phương phát triển du lịch khá đau đầu. 

Hiện nay, các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện đang dần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người dân tin tưởng ở lại các tuyến này điều trị những bệnh thông thường và bệnh mạn tính. Trong khi đó, theo đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ giảm việc khám, điều trị cho các bệnh nhân nhẹ, tập trung vào làm kỹ thuật cao, tăng cường dịch vụ theo yêu cầu. Các bệnh viện sẽ xây dựng những phòng khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn 5 sao, thu hút những đối tượng là người nước ngoài, người có thu nhập cao đến thăm khám, điều trị...

LÊ QUÂN