Kết toán ngân sách 2019: Thu, chi đều giảm

TR.DŨNG 31/12/2019 22:33

(QNO) - Không như dự báo, thu ngân sách vẫn vượt dự toán dù ít ỏi, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp được xem là điểm yếu của Quảng Nam năm 2019.

Sản xuất, bán buôn ô tô sụt giảm, doanh nghiệp có xu hướng sản xuất chậm nên thu ngân sách kể cả nội địa và xuất khẩu đều không gia tăng như mong ước. Ảnh: T.D
Sản xuất, bán buôn ô tô sụt giảm, doanh nghiệp có xu hướng sản xuất chậm nên thu ngân sách kể cả nội địa và xuất khẩu đều không gia tăng như mong ước. Ảnh: T.D

Chạm đích dự toán

Kho bạc Nhà nước Quảng Nam công bố khóa sổ quyết toán sơ bộ năm 2019 đến ngày 31.12.2019 đã làm đảo lộn mọi ước đoán của chính quyền và cơ quan quản lý. Không như những lo ngại thu ngân sách sẽ không đạt và thu nội địa sẽ chỉ “dám mơ” đến 100% dự toán thì cũng đã thành công cho một năm biến động của nền kinh tế trước sức ép cạnh tranh từ xuất, nhập khẩu và ô tô.

Theo Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, cho dù thu ngân sách nhà nước đạt hay vượt như so với năm ngoái vẫn bị sụt giảm. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 23.189 tỷ đồng, đạt 100% so với dự toán. Con số này giảm 2% so với năm trước. Thu nội địa 18.913 tỷ đồng, đạt 102% dự toán. Nhưng cũng giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh thu ngân sách chỉ ra những khoảng trống đáng kể. Ngoại trừ thu tiền sử dụng đất 1.819 tỷ đồng, đạt 227% dự toán và thu từ doanh nghiệp FDI 1.991 tỷ đồng, đạt 112% dự toán và bằng cùng kỳ năm trước, thì thu từ doanh nghiệp nhà nước 668 tỷ đồng, chỉ đạt 63% dự toán, giảm 20% cùng kỳ, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 11.117 tỷ đồng, chỉ đạt 90% dự toán, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Thu hoạt động xuất nhập khẩu 4.151 tỷ đồng, đạt 90% dự toán và giảm 6% so với cùng kỳ.

Không chỉ thu ngân sách giảm so với năm ngoái, chi ngân sách cũng không ngoại lệ. Theo thống kê, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn 20.330 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách trung ương 2674 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước (chi đầu tư phát triển 205 tỷ đồng, chi thường xuyên 2464 tỷ đồng). Còn chi ngân sách địa phương dù có tăng 1%, nhưng cũng chỉ khoảng 17.655 tỷ đồng, đạt 76% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 7.018 tỷ đồng, đạt 92% tăng 1% so với cùng kỳ năm trước và chi thường xuyên 10.627 tỷ đồng, đạt 87% và tăng 1%.

Điệp khúc “không xài hết vốn!”

Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay, thống kê nhiều năm qua của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam xác nhận chỉ cần đạt đến tỷ lệ giải ngân 85% cũng đã là con số khả quan. Nhưng liên tiếp những năm gần đây, kết toán ngân sách tỷ lệ giải ngân chưa bao giờ đạt đến 80% và năm này càng ảm đạm hơn nhiều.

Không như dự báo của UBND tỉnh Quảng Nam tại kỳ họp HĐND hồi trung tuần tháng 12.2019 tỷ lệ giải ngân sẽ khoảng 70%, nhưng kết quả đến ngày 31.12, tỷ lệ giải ngân chỉ khoảng 5.335/9.864 tỷ đồng, chỉ đạt 54% kế hoạch. Tuy nhiên, trong bức tranh giải ngân khá ảm đạm này vẫn nổi lên những điểm sáng khi có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85% như Quế Sơn 90%, Hiệp Đức 87% và Tây Giang 86% kế hoạch vốn.

Theo một phân tích, vốn trong kế hoạch giải ngân khoảng 5.143/9.661 tỷ đồng, đạt 53%, nhưng dự án trung ương quản lý đạt 59% còn dự án địa phương quản lý chỉ đạt 53%. Có thể phân rã, cụ thể: kế hoạch vốn giao trong năm 2019 là 4.490/8.682 tỷ đồng, đạt 52%, nhưng tỷ lệ giải ngân cao 65% thuộc về dự án trung ương quản lý, còn dự án địa phương quản lý chỉ đạt 51%. Nguồn xây dựng cơ bản tập trung 1.366 tỷ đạt 56% kế hoạch (trung ương đạt 67%, địa phương đạt 55%). Vốn nước ngoài 512 tỷ, đạt 26% (trung ương đạt 77%, địa phương 24%). Nguồn chương trình mục tiêu quốc gia 528 tỷ đồng, đạt 70% (trung ương không có). Các chương trình mục tiêu theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ 548 tỷ đồng, đạt 79%. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 87 tỷ đồng, đạt 96%. Nguồn vốn khác 1.449 tỷ đồng, đạt 53% (trung ương đạt 30%, địa phương đạt 54%).

Không chỉ kế hoạch vốn giao trong năm 2019 không thể đạt tỷ lệ giải ngân cao mà kế hoạch vốn năm trước kéo dài vẫn lâm vào tình trạng “không xài hết vốn đầu tư” khi chỉ giải ngân 653/979 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch vốn (trung ương đạt 41%, địa phương đạt 69%). Ngoài ra vốn ứng trước, tồn ngân 192/204 tỷ đồng, đạt 94%. Song, ngân sách địa phương vẫn tồn quỹ đáng kể với 10.310 tỷ đồng, bao gồm: ngân sách tỉnh 7.907 tỷ đồng, ngân sách huyện 1.669 tỷ đồng và ngân sách xã 734 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước Quảng Nam chỉ đưa ra con số thống kê. Không bình luận hay phân tích gì thêm. Nhưng kết quả giải ngân quá thấp như hiện tại cho thấy  những khuyến cáo của chính quyền tỉnh và hành động của các chủ đầu tư, ban quản lý… về việc điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm, bố trí cho các dự án có nhu cầu thanh toán khối lượng hoàn thành và các dự án cần đầy nhanh tiến độ… dù đã có sự thay đổi, nhưng chuyển biến không đáng kể bao nhiêu. Trong các cuộc họp bàn về tiến độ giải ngân, các chủ đầu tư viện dẫn đủ loại lý do để biện bạch cho tình trạng giải ngân ảm đạm, ì ạch này. Từ cơ chế, chính sách thay đổi, chồng chéo, khó khăn đền bù giải tỏa, việc thẩm định các dự án lớn của các cơ quan chuyên ngành chậm hoặc hầu hết dự án mới chưa khởi công, vẫn trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu…

Không phải chuyện “xài không hết vốn đầu tư” mới xảy ra. Những biện giải cho tình trạng không mấy hiệu quả này vốn là câu chuyện luôn cũ. Nó đã trở thành căn bệnh mãn tính, hầu như khó giải quyết. Sự chủ quan, thiếu năng lực điều hành của chủ đầu tư lẫn năng lực nhà thầu có vấn đề chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm. Hệ quả “đầu tư công là để kiến tạo phát triển” không đủ để làm vốn mồi cho việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Không giải ngân hết vốn đầu tư tức nguồn lực ngân sách vốn đã ít ỏi đã không được đổ vào nền kinh tế để tạo những hạ tầng cứng, làm vốn mồi thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh thì lấy đâu ra thuế để tăng thu. Những yếu kém này có thể sẽ trở thành lực cản, nỗi lo cho độ phát triển Quảng Nam trong tương lai là điều đã được dự báo!

Những con số được công bố chỉ là kết quả khóa sổ sơ bộ cho niên độ 2019, các vụ thanh quyết toán vẫn tiếp tục diễn ra cho đến hết tháng 1.2020.

Theo ông Trần Phước Tào - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, ngay từ đầu tháng 12.2019, cơ quan này đã triển khai làm thêm giờ để phục vụ giao dịch. Toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước Quảng Nam đã động viên và tổ chức làm việc luôn ngày nghỉ Tết Dương lịch năm 2020 để tiếp tục phục vụ các đơn vị giao dịch và thực hiện khóa sổ cuối năm. Toàn đơn vị đã sẵn sàng thực hiện công tác khóa sổ quyết toán năm 2019 và chuyển sổ hoạt động năm 2020.

TR.DŨNG