Nhiều nước đối phó với dịch tả lợn châu Phi

QUỐC HƯNG 26/12/2019 09:21

(QNO) - Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp tại một số quốc gia châu Á và châu Âu. Nhiều biện pháp được đề xuất cũng như đang áp dụng với nỗ lực dập tắt các ổ dịch.

Mô hình lắp đặt điện cao áp xung quanh chuồng heo để ngăn chặn DTHCP
Mô hình lắp đặt điện cao áp xung quanh chuồng heo để ngăn chặn dịch. Ảnh: SCMP

Tờ South China Moring Post của Hồng Kông (Trung Quốc) số ra ngày 23.12 cho biết, một trang trại nuôi heo khoảng 2.000 con ở Thành Đô, thuộc Tứ Xuyên - tỉnh chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc sẽ được thử nghiệm lắp đặt các đường dây điện cao áp theo đề xuất của các nhà khoa học, để tiêu diệt vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, công trình này được chứng minh hiệu quả cho cây trồng bằng cách sử dụng kết hợp điện trường và ánh sáng nhân tạo để kích thích sự phát triển cho cây trồng.

Giáo sư Liu Binjiang - người đứng đầu cuộc thử nghiệm này cho biết, các đồng nghiệp của ông tại Trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc dự định tạo điện trường 50 kilovolt - gấp 400 lần mức điện thế tiêu chuẩn trong hộ gia đình tại Mỹ.

Việc lắp đặt các đường dây cao áp quanh chuồng trại sẽ không gây nguy hiểm cho vật nuôi và con người do mức độ hạt hạ nguyên tử trong đường dây điện đó vô cùng thấp, chỉ ở khoảng 1 microampere. Bên cạnh đó, công trình này có thể khử mùi hôi trong chăn nuôi, tiêu hủy 50 - 90% chất độc hại có nguồn gốc tự nhiên, tiêu diệt vi khuẩn. Qua đó hạn chế và góp phần ngăn chặn sự lây lan vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Giáo sư Liu Binjiang khẳng định đường dây điện cao áp đã được sử dụng để nâng cao chất lượng không khí tại một nông trại ở Hồ Bắc - một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Trung Quốc vì dịch, và được báo cáo đến nay không có con heo nào ở đó chết vì dịch bệnh này.

Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện dịch tả lợn châu Phi vào tháng 8 năm ngoái tại Thẩm Dương, thuộc tỉnh Liêu Ninh. Từ đó, dịch bệnh lây nhanh nhiều tỉnh, thành tại nước này buộc tiêu hủy hàng triệu con heo để kiểm soát, dập tắt dịch bệnh.

Thiếu hụt nguồn cung thịt heo là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt heo tại Trung Quốc tăng mạnh từ nhiều tháng qua. Dù không có khả năng lây sang người nhưng dịch khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại 1.000 tỷ nhân dân tệ.

Đức thiết lập hàng rào điện biên giới với Ba Lan để ngăn DTHCP từ heo rừng. Ảnh: GettyImage
Đức thiết lập hàng rào điện tại biên giới với Ba Lan để ngăn dịch từ heo rừng. Ảnh: GettyImage

Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu cũng lập hàng rào điện ngăn sự xâm nhập của dịch. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp dịch bệnh nhưng Bộ Nông nghiệp Đức vừa tiến hành dựng hàng rào điện với biên giới Ba Lan - nơi ghi nhận 50 con heo rừng được phát hiện đã chết do dịch tả lợn châu Phi.

Hàng rào đầu tiên được dựng lên dọc theo biên giới với Ba Lan gần thành phố Guben, thuộc vùng đất Brandenburg của Đức. Các hàng rào cao 90cm và dự kiến duy trì trong một khoảng thời gian giới hạn, chỉ ở những vùng có nguy cơ cao và phụ thuộc vào tình hình bệnh dịch.Hàng rào có cảnh báo và khoanh vùng để an toàn cho người qua lại.

Chó săn Đức đang được huấn luyện để đánh hơi những con heo rừng đã chết. Bộ Nông nghiệp Đức kêu gọi người dân không vứt bỏ thức ăn thừa ở khu vực biên giới và siết chặt kiểm tra qua lại khu vực này. Bởi theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh tiếp tục xuất hiện ở các nước châu Âu nhưng chủ yếu bắt nguồn từ heo rừng nhiễm bệnh. 

Trước đó, Đan Mạch cũng chi hơn 10 triệu USD dựng 70km rào biên giới phòng dịch lây lan từ heo rừng. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, có nhiều biện pháp căn bản để dập tắt dịch bệnh này như tuân thủ các nguyên tắc không vận chuyển heo và sản phẩm heo bị bệnh qua vùng khác; không cho heo ăn thức ăn thừa, nhất là từ quán ăn và nhà hàng; không giết, tiêu thụ heo nhiễm bệnh…

QUỐC HƯNG