Chọn con đường phát triển

TRỊNH DŨNG 26/12/2019 08:40

Tái cơ cấu kinh tế Quảng Nam sẽ chú trọng gia tăng việc làm, thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; nhưng ai làm, làm như thế nào hợp lý… là câu chuyện được bàn luận tại hội thảo “Cơ cấu lại kinh tế Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Hội thảo do TS.Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hôm qua (25.12).

Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường. TRONG ẢNH: Nhà máy tái sử dụng nước của Khu công nghiệp Tam Thăng. Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường. TRONG ẢNH: Nhà máy tái sử dụng nước của Khu công nghiệp Tam Thăng. Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Thức nhận năng lực phát triển

Nhìn tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011 - 2019 khoảng 11,3%, cơ cấu ngành phi nông nghiệp đạt 88% GRDP… cho thấy chủ trương tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là tái cơ cấu nội bộ từng ngành của Quảng Nam đã thành công.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh kế, nhà khoa học cho rằng công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực với tốc độ tăng trưởng GRDP gần 14,5%, nhưng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên ở nấc thang thấp. Thiếu công nghiệp hỗ trợ nên chưa tận dụng được cơ hội hội nhập, chưa hấp dẫn FDI, xuất khẩu hạn chế. Phúc lợi xã hội vẫn chủ yếu dựa vào chính sách và ngân sách. Chênh lệch phát triển giữa thành thị, nông thôn và các vùng đông - tây. Mô hình phát triển kinh tế Quảng Nam sau gần 22 năm đã bộc lộ sự thiếu linh hoạt, hiệu quả. Cấu trúc kinh tế thay đổi chậm. Nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào số doanh nghiệp. Tư duy phát triển chỉ đóng trong khung chật hẹp của lãnh thổ hành chính đã hạn chế việc huy động khai thác nguồn lực và tận dụng các lợi thế cho phát triển.

Quang cảnh Hội nghị cơ cấu lại nền kinh tế Quảng Nam 2021 -2030. Ảnh: T.D
Quang cảnh Hội nghị cơ cấu lại nền kinh tế Quảng Nam 2021 -2030. Ảnh: T.D

TS.Trần Du Lịch cho rằng tốc độ tăng trưởng nhảy vọt của nền kinh tế trong thời gian ngắn chưa củng cố đủ các nền tảng phát triển. Khu Kinh tế mở Chu Lai hội đủ điều kiện trở thành đặc khu kinh tế nhưng đang bị chững lại. Các đô thị ven biển đang hình thành những tấm “da beo”, các dự án thương mại - dịch vụ, phát triển đô thị bất cập đã làm thất thoát tài nguyên, triệt tiêu động lực phát triển…

Chuyên gia kinh tế Lê Nguyên Thành (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương) nhận định, hiện tăng trưởng kinh tế địa phương chủ yếu theo chiều rộng. Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp. Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh phần lớn vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nhiên liệu, năng lượng và công nghệ trung bình. Khu kinh tế mở Chu Lai được đánh giá là một trong số ít khu kinh tế ven biển tương đối thành công so với mặt bằng chung của cả nước nhưng chủ yếu mới chỉ dựa vào một hoặc hai dự án “xương sống”, chưa tìm được hướng phát triển để tạo thêm năng lực sản xuất mới, đa dạng hóa sản xuất và mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Yếu tố liên kết trong sản xuất, kinh doanh (liên kết giữa các chủ thể kinh tế và liên kết ngành) - một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế - còn rất hạn chế. Sản phẩm du lịch nghèo nàn, trùng lắp, thiếu sản phẩm. Các ngành bổ trợ cho du lịch như thương mại, logistic, ngân hàng, bảo hiểm… quy mô nhỏ, chưa thể hỗ trợ phát triển du lịch.

Chọn động lực phát triển

Sẽ mở thêm nhiều diễn đàn để ghi nhận ý kiến đóng góp

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng những phân tích, kiến giải của các chuyên gia đã giúp địa phương nhận diện rõ vấn đề tái cơ cấu kinh tế phù hợp với địa phương. Quảng Nam sẽ mở thêm nhiều diễn đàn để nhận những ý kiến đóng góp cho tiến trình này. Sẽ hiện thực hóa bằng những nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh bằng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng cho rằng hội nghị đã gợi mở một số vấn đề ban đầu. Quảng Nam tiếp tục mở các hội thảo chuyên đề theo từng lĩnh vực cụ thể, tiến đến định hình quy hoạch tổng thể Quảng Nam cho chiến lược phát triển.

Có 17 tham luận, ý kiến của chuyên gia, nhà kinh tế đã trả lời cho những phân vân của Quảng Nam trong việc nên lựa chọn mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nào cho phù hợp giai đoạn tới. Kịch bản phát triển nào cho Quảng Nam? Có nên tiếp tục tập trung, phát triển các nhóm, ngành trụ cột đã được xác định, hay cần điều chỉnh, bổ sung? Mô hình, kịch bản ấy cần những giải pháp mang tính động lực, đột phá gì?...

TS.Trần Du Lịch khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu kinh tế song song công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Nhưng dịch vụ sẽ phải thành ngành kinh tế quan trọng, dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển. Cần mời gọi các "con sếu đầu đàn", ưu tiên đột phá đào tạo nhân lực, hạ tầng, khoa học - công nghệ. Tiếp tục phát triển lợi thế sân bay Chu Lai, thiết lập đô thị ven biển và liên kết vùng…

“Cốt lõi của cơ cấu kinh tế là cơ cấu kinh tế lao động. Tái cơ cấu khó nhất vẫn là cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng. Chính quyền tiếp tục làm bà đỡ cho doanh nghiệp…” - TS.Trần Du Lịch nói.

Còn theo quan điểm của PGS-TS.Phạm Trung Lương (Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) thì lợi thế của Quảng Nam rất lớn. Nhưng phải chuyển từ “diện đến điểm, từ số sang chất”. Tái cơ cấu như thế nào thì cuối cùng vẫn là giải quyết việc làm, tăng thu nhập và chất lượng sống cho người dân, dù là phát triển ngành sản xuất, nông nghiệp hay dịch vụ.

Các chuyên gia kinh tế thừa nhận tái cơ cấu kinh tế để tìm hướng đi phù hợp cho địa phương, nhưng ai làm và làm như thế nào mới là điều quan trọng. TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam) nói, tăng GRDP không có nghĩa cho nền kinh tế. Cần hoạch định chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm, thu nhập cho người dân đó mới là điều then chốt của tái cơ cấu kinh tế hay đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong một góc nhìn khác, TS.Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng tái cơ cấu, tăng thu nhập là điều cần thiết nhưng cốt lõi phải đặt giáo dục đào tạo nhân lực chất lượng cao lên hàng đầu. Bởi yếu tố con người sẽ quyết định thành bại của các chiến lược phát triển.

TRỊNH DŨNG