Người giữ gìn văn hóa làng xã
Ông Hồ Minh Sơn, thương bệnh binh loại 2/4 - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Trung Yên (xã Sơn Viên, Nông Sơn) được biết đến là người nhiệt huyết với việc giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Thời gian qua, nhờ sự góp sức của ông, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ được triển khai, thu hút đông đảo người dân địa phương.
Ông Sơn kể, chiến tranh kết thúc, bản thân đã trải qua nhiều vị trí công tác tại địa phương như xã đội trưởng, trưởng ban LĐ-TB&XH, trưởng ban tư pháp, ban văn hóa thông tin, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã... Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiên phong trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Những lúc rảnh rỗi, ông Sơn còn sáng tác nhiều đoạn tấu, vè, những bài hát dân ca mộc mạc để ngợi ca sự đổi thay của quê hương. Ông tự biên soạn các tiểu phẩm như “Cùng chung sức”, “Quê hương tôi”, “Lệnh thiên đình”, “Tiễn con lên đường”, “Con đường xưa vẫn đi”, “Bốn chín gặp năm mươi”…
Nhận thấy loại hình nghệ thuật tuồng cổ đang dần bị mai một, ông Sơn đứng ra thành lập câu lạc bộ tuồng cổ để truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ và còn hát khá nhuần nhuyễn các điệu nam ai, nam thương, nói hường, nói lối. Ông thuộc nhiều trích đoạn tuồng cổ như Phạm Công Cúc Hoa, Ngũ Hổ Bình Tây, Nhị đệ thọ hàm oan… Điều đặc biệt, trong các vở diễn, ông Sơn vừa giữ vai trò đạo diễn vừa đảm nhận vai kép chính và tự tay thiết kế nhiều đạo cụ, trang phục như roi ngựa, mũ giáp, đao, kiếm, trượng, giày, bầu rượu, phất trần, áo giáp, mão phụng, đai lưng… để phục vụ cho đoàn hát rồi kiêm luôn phần hóa trang cho diễn viên trước khi lên sân khấu.
Ngoài ra, để hưởng ứng chủ trương của Mặt trận về Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, ông Sơn tích cực vận động bà con hiến đất làm đường, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác, chung tay giữ gìn hương ước làng xã, thuần phong mỹ tục, xây dựng Câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch”... đã góp phần để thôn Trung Yên được UBND tỉnh công nhận danh hiệu thôn văn hóa cấp tỉnh và được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, ông cũng luôn tìm tòi, nghiên cứu các tư liệu về hang đá Hố Lù, nơi đồng chí Trần Huấn - Bí thư Huyện ủy Quế Sơn vào năm 1960 đã chọn ấp Thọ An, xã Sơn Thọ (nay là thôn Trung Yên) làm cơ sở bí mật để hoạt động cách mạng, chiến đấu và anh dũng hy sinh. Ông rất trân quý giá trị lịch sử này. Vì vậy, mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng ông Sơn luôn tình nguyện hướng dẫn các đoàn, các đồng chí lãnh đạo các cấp về khảo sát, điền dã, viếng thăm hang đá Hố Lù và tổ chức nhiều đợt sinh hoạt tuyên truyền, vận động nhân dân, thế hệ trẻ chung tay bảo vệ, phát huy giá trị của di tích Hố Lù. Ông quan niệm việc giữ gìn và phát huy di sản lịch sử văn hóa của làng vừa là bổn phận đối với các bậc tiền nhân, vừa góp phần xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng...