Thể thao Việt Nam và câu chuyện Ánh Viên
Trong các kỳ SEA Games gần đây, Nguyễn Thị Ánh Viên luôn khiến cho làng thể thao cả khu vực ngả mũ kính phục.
Đến với SEA Games 27 năm 2013 lúc mới 17 tuổi, kình ngư Việt Nam ngay lập tức để lại dấu ấn với 3 tấm HCV, báo hiệu một tài năng sẽ thăng hoa sau đó. Quả đúng như vậy, tại SEA Games 28 năm 2015, “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên gây kinh ngạc cho nhiều người với việc giành được 8 HCV và phá 8 kỷ lục của đại hội. Chưa dừng lại ở đó, ở SEA Games 29 năm 2017, cô lại mang về 8 HCV và phá 3 kỷ lục. Tại SEA Games 30 vừa kết thúc, thành tích của kình ngư số một Đông Nam Á có phần khiêm tốn một chút với 6 HCV.
Giành được tổng cộng 25 HCV tại 4 kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á là một kỷ lục có thể nói là vô tiền khoáng hậu của thể thao Việt Nam. Và với thành tích trên đất Philippines vừa qua, không ngạc nhiên khi Nguyễn Thị Ánh Viên được Ban tổ chức SEA Games 30 năm 2019 lựa chọn trao giải nữ VĐV tiêu biểu nhất tại lễ bế mạc. Dù không thể tái lập thành tích như 2 kỳ SEA Games trước nhưng việc giành 6 HCV, 2 HCB SEA Games 30 là rất đáng nể, thể hiện nỗ lực, ý chí tuyệt vời của cô gái được đầu tư bài bản từ nhỏ. Tuy nhiên, có chút gì đó “nghèn nghẹn” trước thành tích của cô gái vàng Việt Nam. Mục tiêu 8 HCV đã không thể thực hiện được, và điều đáng nói hơn là Ánh Viên không thể vượt qua chính mình, thậm chí còn có dấu hiệu tụt lại phía sau. Ngay cả bản thân kình ngư số một Việt Nam lúc nhận HCV cũng đã khóc “vì rất buồn khi không đạt kết quả tốt”. Lời tâm sự chân tình ấy cho thấy sức ép tâm lý khủng khiếp đè nặng lên cô gái 23 tuổi tại SEA Games lần thứ 4 trong sự nghiệp.
Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm trước, không ít chuyên gia đã cảnh báo việc giao trách nhiệm cho Ánh Viên thi đấu quá nhiều nội dung sẽ làm hạn chế sự phát triển tài năng của cô gái trẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành thể thao nên giảm bớt áp lực thi đấu, để cô tập trung một số nội dung sở trường nhằm phát huy thế mạnh của mình, từ đó có điều kiện để vươn xa. Thực tế trước thềm SEA Games 30, Ánh Viên gặp bế tắc trong sự nghiệp và thành tích trên đất Philippines đã cho thấy điều đó. Vừa lên bục nhận huy chương xong, cô phải ngay lập tức lội xuống nước thi đấu nội dung tiếp theo, khiến cho phong độ của nữ kình ngư đẳng cấp châu lục đã không còn như xưa.
Đã đầu tư rất lớn để Nguyễn Thị Ánh Viên sang Mỹ tập luyện hàng mấy năm trời, tuy nhiên, tư tưởng dùng Ánh Viên để “càn quét” huy chương tại đấu trường ao làng SEA Games của các huấn luyện viên, những nhà quản lý thể thao là một sai lầm khó có thể biện minh dù với bất cứ lý do gì. Không thể dùng “dao mổ trâu để giết gà”. Chính điều đó khiến cho nữ VĐV tài năng, được đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam khó có thể vươn lên tầm thế giới.