Tập trung gỡ "nút thắt" nợ xấu
Nợ xấu đã và đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào phát triển kinh tế Quảng Nam. Nợ xấu khiến các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh lo ngại tính an toàn và hiệu quả kinh doanh. Những giải pháp khả thi nào để các tổ chức tín dụng giải quyết nợ xấu đang đặt ra khá gay gắt vào thời điểm này.
GÁNH NẶNG NỢ XẤU
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều cho rằng rất khó giải quyết nợ xấu.
Lo với nợ xấu
Tổng nợ xấu của VietinBank chi nhánh Quảng Nam đến thời điểm này là 412 tỷ đồng, chiếm 0,57% tổng dư nợ. Nợ xấu không cao nhưng bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc VietinBank chi nhánh Quảng Nam lo ngại: “Xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong thi hành án liên quan đến tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp có giá trị nhỏ, xuống cấp, khả năng chuyển đổi thành tiền không cao. Do đó, chất lượng tín dụng trên địa bàn chịu tác động rất xấu”.
Từ năm 2012 đến nay, việc xử lý nợ xấu của VietinBank chi nhánh Quảng Nam với Công ty TNHH Kính Phước Toàn (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Núi Thành) vẫn chưa hoàn thành. Cụ thể, ngày 23.2.2012, VietinBank chi nhánh Quảng Nam khởi kiện doanh nghiệp nói trên nhưng phải đình chỉ theo đề nghị của cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra hình sự. Đến ngày 18.9.2018, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quảng Nam đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại VietinBank chi nhánh Quảng Nam”. Ngày 22.4.2019, khởi kiện của VietinBank chi nhánh Quảng Nam đối với Công ty TNHH Kính Phước Toàn được chuyển về Tòa án nhân dân Quảng Nam kết hợp xử lý với thủ tục phá sản công ty.
Thu hồi nợ có diễn biến phức tạp bởi ngày 7.7.2012, Ngân hàng MHB Đà Nẵng (nay là BIDV chi nhánh Sông Hàn - đồng cho vay dự án của Công ty TNHH Kính Phước Toàn) đã khởi kiện VietinBank về cho vay dự án này. Tòa án nhân dân TP.Tam Kỳ thụ lý, xét xử và tuyên án ngày 25.11.2019. Bà Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, sẽ bám sát các diễn biến kiện tụng để sớm thu hồi nợ trong thời gian đến. Ngoài ra, VietinBank chi nhánh Quảng Nam còn có món nợ xấu khó đòi với các doanh nghiệp khác như Công ty CP Xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Giấy Thành Bắc, Công ty TNHH Thép miền Trung...
Ông Nguyễn Bách Thọ - Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, ngân hàng thương mại nhận thức rõ tầm quan trọng của xử lý nợ xấu bởi nợ xấu gia tăng gây bất lợi cho chất lượng tín dụng. Nợ xấu của BIDV chi nhánh Quảng Nam từ đầu năm 2017 là 23,7 tỷ đồng đến nay đã tăng lên 219,4 tỷ đồng.
BIDV chi nhánh Quảng Nam đã khởi kiện Công ty CP Xây dựng thủy lợi - thủy điện Quảng Nam. Mặc dù đã có quyết định thi hành án hơn 6 tháng qua nhưng Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tam Kỳ vẫn chưa thể kê biên tài sản để phát mãi, thu hồi vốn vay. Nguyên nhân là Sở TN-MT chưa có văn bản hướng dẫn Chi cục Thi hành án dân sự Tam Kỳ thực hiện, trong khi đất thuê của công ty nói trên đã hết thời hạn thuê từ tháng 7.2019.
Tiếp đến, tháng 3.2019, BIDV chi nhánh Quảng Nam đã khởi kiện khoản vay của Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường tuy nhiên khách hàng là bà Nguyễn Thị Ngọc Nga cố tình chây ỳ, cản trở quá trình tố tụng, vụ việc kéo dài nhưng Tòa án nhân dân TP.Tam Kỳ chưa có giải pháp triệt để để đưa vụ án ra xét xử.
Cần đồng hành
Trước những khó khăn trong thu hồi nợ xấu, ông Nguyễn Bách Thọ đã đề nghị các cơ quan chức năng cần đồng hành với tổ chức tín dụng để giải quyết các vướng mắc. Theo đó, BIDV chi nhánh Quảng Nam đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh trao đổi với UBND tỉnh để chỉ đạo Sở TN-MT sớm có văn bản hướng dẫn để Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tam Kỳ xử lý tài sản thế chấp của Công ty CP Xây dựng thủy lợi - thủy điện Quảng Nam, qua đó ngân hàng thương mại thu hồi được nợ vay, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Thông qua giám sát chuyên đề về xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, Đoàn ĐBQH tỉnh có chỉ đạo đối với Tòa án nhân dân TP.Tam Kỳ để sớm xét xử vụ kiện của BIDV chi nhánh Quảng Nam với Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường, giúp ngân hàng thu hồi vốn vay. “Chúng tôi mong mỏi Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu các cơ quan tố tụng, chính quyền địa phương của tỉnh hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình thu giữ và bán tài sản thu hồi nợ. Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất Chính phủ có hướng dẫn xử lý đối với tài sản bảo đảm đang tranh chấp” - ông Nguyễn Bách Thọ nói.
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 (Nghị quyết 42) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đến nay là 2.865,8 tỷ đồng, tăng 860,8 tỷ đồng, tăng 42% so với thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực (năm 2017). Tỷ lệ nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 chiếm 24,9% tổng dư nợ. Trong cơ cấu nợ xấu, khối ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất (60,5%) với 1.735 tỷ đồng, khối ngân hàng nước ngoài có nợ xấu hơn 1 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,4%), khối ngân hàng thương mại cổ phần có hơn 115 tỷ đồng nợ xấu (4%). Nợ xấu được phân loại theo thông tư 02/2013/TT-NHNN và hoạch toán theo dõi nội bảng tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến nay là 419 tỷ đồng, chiếm 0,61% tổng dư nợ. So với cùng kỳ năm 2017, nợ xấu chỉ mới giảm 6 tỷ đồng với tỷ lệ giảm là 1,4%.
“Mong các cơ quan của tỉnh tiếp sức, đồng hành với các doanh nghiệp, có hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực để một mặt họ tiếp cận được các gói tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế, mặt khác hạn chế nợ xấu phát sinh và giảm dần nợ xấu đang có, tránh áp lực lớn cho các tổ chức tín dụng” - ông Trần Quang Hổ nói.
Thiếu hành lang pháp lý
Theo số liệu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội mới đây, đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 969 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 đã áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tuy nhiên, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại tòa án còn hạn chế, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả thu hồi nợ. Đến nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự. Do đó, việc có hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Nam, rất ít khách hàng mua tài sản bảo đảm khi ngân hàng bán để xử lý nợ xấu vì sợ vướng các thủ tục pháp lý với người chuyển nhượng tài sản. Đồng thời, chưa có hướng dẫn để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.
NGÂN HÀNG GẶP NHIỀU VƯỚNG MẮC
Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 (gọi tắt là Nghị quyết 42) được đánh giá là biện pháp mạnh để các ngân hàng thương mại xử lý nhanh nợ xấu. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Vậy đâu là nguyên nhân?
Khó xử lý tài sản bảo đảm
Tổng nợ xấu, nợ rủi ro được VietinBank chi nhánh Quảng Nam xử lý lũy kế từ năm 2013 đến nay là hơn 59 tỷ đồng. Các khoản nợ này đều thuộc đối tượng nợ xấu theo Nghị quyết 42 . Tuy nhiên, ngân hàng thương mại xử lý theo trình tự, thủ tục truyền thống. Nghĩa là ngân hàng đều khởi kiện chủ nợ xấu ra tòa rồi kê biên tài sản bảo đảm, đấu giá bán thu hồi vốn vay chứ chưa có khoản nợ nào xử lý theo Nghị quyết 42.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc VietinBank chi nhánh Quảng Nam cho biết, Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận tài sản bảo đảm. Mặc dù vậy, khi khách hàng không hợp tác, chống đối thì không thể thu giữ tài sản đó được mà bắt buộc ngân hàng phải khởi kiện khách hàng ra tòa để được quyền xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án. Mặt khác, tài sản bảo đảm của khách hàng hầu hết nằm trong diện tranh chấp rất khó thu giữ, xử lý.
“Các khoản nợ xấu tập trung ở các khách hàng lớn, liên quan đến các vụ án hình sự, lừa đảo. Hầu hết khách hàng không trả được nợ khi dự án chưa đi vào hoạt động. Muốn xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng có nợ xấu, ngân hàng cần sự trợ giúp của các cơ quan pháp luật nên không thể tự thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm được” - bà Hạnh nói. Chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ các cơ quan chức năng về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm cũng là một vướng mắc lớn của VietinBank chi nhánh Quảng Nam trong giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Theo bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 gặp khó do tài sản bảo đảm hầu hết là bất động sản được thuê lại và hết hạn, bị thu hồi. Trong khi đó, hầu hết tài sản bảo đảm đã bị xuống cấp, không còn sử dụng được nữa, do quá trình dằng dai trả nợ quá lâu dài. Để giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 42 đòi hỏi tổ chức tín dụng phải bán nợ xấu. Tuy nhiên, vướng mắc là nợ xấu này rất khó thẩm định giá. Đơn vị muốn mua lại nợ xấu rất ngại rủi ro vì không biết chủ nợ xấu có còn nợ ở các doanh nghiệp nào khác không. Trường hợp tréo ngoe đã xảy ra là doanh nghiệp chây ỳ trả nợ để phát sinh nợ xấu rồi giao nộp tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo Nghị quyết 42. Sau đó, chính doanh nghiệp bị bán tài sản bảo đảm đã đứng đằng sau mua lại nợ xấu do chính mình gây ra với giá rẻ mạt để... thu lợi.
Ì ạch triển khai
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tổng số nợ xấu theo Nghị quyết 42 được các ngân hàng thương mại xử lý lũy kế từ ngày 15.8.2017 đến nay là hơn 479 tỷ đồng. Trong đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước xử lý 342,2 tỷ đồng (71%), khối ngân hàng thương mại cổ phần xử lý 135,5 tỷ đồng (28,3%), khối ngân hàng nước ngoài xử lý 1,5 tỷ đồng, còn lại là xử lý của 3 quỹ tín dụng nhân dân. Xét theo phương thức xử lý nợ xấu, khách hàng trả nợ là 307,3 tỷ đồng (64,1%), bán phát mãi tài sản bảo đảm để thu hồi nợ mới chỉ chiếm 14,3 tỷ đồng (3%), xử lý nợ đang hoạch toán ngoài bảng cân đối kế toán theo Nghị định 42 là 111,1 tỷ đồng (23,2%), bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 45,5 tỷ đồng (9,5%).
Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, các khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC, nợ đã xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro đang hoạch toán ngoại bảng cân đối kế toán là những khoản nợ khó thu hồi, phụ thuộc vào tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản, máy móc thiết bị có tính thanh khoản không cao nên rất khó xử lý. Có trường hợp, tài sản bảo đảm khi mang ra đấu giá phải hạ giá nhiều lần vẫn chưa bán được. Trong khi khách hàng không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm để bán thì một số cơ quan chức năng không tích cực giúp đỡ tổ chức tín dụng giải quyết khó khăn.
CẦN GIẢI QUYẾT TỪ GỐC
Giải pháp hữu hiệu xử lý tận gốc nợ xấu là kiểm soát từ khâu cho vay, trích lập dự phòng rủi ro và hoàn thiện, tăng công cụ cho Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14.
Dự phòng rủi ro
Phòng giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt. Ông Đỗ Văn Bảng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng giao dịch HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ cho rằng, nguyên tắc quan trọng để hạn chế nợ xấu là cần kiểm soát chặt chẽ từ gốc. Tức là khi cho vay, ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp. Theo đó, dứt khoát phải có chứng từ vay vốn rõ ràng cũng như duy trì các kênh liên lạc giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thông tin trao đổi kịp thời. Các doanh nghiệp phải tiến hành trích lập dự phòng, khi phát sinh vấn đề khó trả nợ đúng hạn thì quỹ dự phòng đó là giải pháp tạm thời để tránh nợ xấu gây nên các hệ lụy khác.
“Doanh nghiệp cần tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý tốt dòng tiền để thực hiện các mục đích sản xuất, kinh doanh của mình được phát triển bền vững. Khi doanh nghiệp không rơi vào nguy cơ phá sản thì các khoản nợ vay của ngân hàng còn có thể thực hiện được” - ông Đỗ Văn Bảng nói.
Theo ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, lập dự phòng rủi ro để bù đắp các khoản nợ xấu là giải pháp quan trọng. Ngoài ra, VAMC đã tập trung xử lý các khoản nợ xấu trong hệ thống tín dụng. Với mô hình VAMC, hỗ trợ hệ thống tín dụng ở 2 khía cạnh là giải quyết các khoản nợ xấu theo hướng tập trung, chuyên môn hóa hơn và hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết. Đến nay, VAMC đã liên tục ký mua nợ xấu của các ngân hàng như BIDV, Sacombank bằng tiền thay vì mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt.
Căn cứ vào các số liệu của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng của hệ thống còn xấp xỉ 2%. Tính cộng cả nợ xấu nội bảng phần bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu trong năm 2019 cũng ở mức dưới 5%. Đối chiếu với thời điểm cuối năm 2016 - con số này trên 10%, cho thấy tiến độ xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tích cực. Theo các chuyên gia kinh tế, không bao giờ có thể giải quyết hết, xử lý triệt để nợ xấu, vì bản thân nợ xấu là “bạn đồng hành” của các tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay luôn có rủi ro, người vay có thể không trả được nợ và các tổ chức tín dụng cho vay luôn có trích lập dự phòng rủi ro là giải pháp rất khả thi để ứng phó.
Hoàn thiện cơ chế
Nghị quyết 42 trao quyền thu giữ tài sản cho tổ chức tín dụng, áp dụng thủ tục rút gọn khi xử án, ưu tiên không bị kê biên tài sản thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự, ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (điều 12 và điều 15). Tuy nhiên, việc áp dụng quy định ưu tiên thanh toán còn bất cập trong thực tế. Điều 12 Nghị quyết 42 quy định số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý, sẽ được ưu tiên thanh toán nghĩa vụ trả nợ cho tổ chức tín dụng, VAMC trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác.
Điều 15 Nghị quyết 42 quy định bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Tuy nhiên, theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập từ chuyển nhượng tài sản của doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Khi tổ chức tín dụng phát mại, bán bất động sản để thu hồi nợ, cá nhân chuyển nhượng bất động sản đã thế chấp vay vốn ngân hàng phải thực hiện khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân trước khi thực hiện thanh quyết toán các khoản nợ. Như vậy, trong trường hợp không hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan thuế, sẽ không thể chuyển nhượng bất động sản cho người mua tài sản, dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không thể hoàn tất, xử lý nợ xấu của ngân hàng không đạt được. Ông Trần Quang Hổ cho rằng, Quốc hội cần thảo luận để giải quyết “nút thắt” này, giúp các tổ chức tín dụng giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 42 được khả thi.
Ông Phan Thái Bình - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, Nghị quyết 42 có hiệu lực 5 năm và chỉ áp dụng đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 15.8.2017. Việc điều chỉnh, kiểm soát, xử lý nợ xấu, hoàn thiện Nghị quyết 42 cần có tham vấn từ nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt dựa vào chuyên môn của ngành ngân hàng, nên cần có cơ sở pháp lý vững chắc, ổn định để hoàn chỉnh trong thời gian đến, tránh phải sửa đổi một cách chắp vá.
Nhiều ý kiến của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho rằng, để giải quyết nợ xấu thì vấn đề cơ bản nhất là nắm giữ tài sản nhanh, tổ chức mua bán nhanh, thu tiền nhanh. Trong bối cảnh VAMC có nguồn lực còn hạn chế thì Nhà nước nên có cơ chế để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu. Khoản nợ nào có giá trị quá lớn thì nghiên cứu, chia nhỏ để phát hành cổ phiếu, đưa lên sàn giao dịch mua bán nợ xấu. Chứng khoán hóa tài sản bảo đảm, giúp nhà đầu tư xem xét có lợi gì để tiếp cận mua bán nợ xấu là cách tốt nhất thu hút dòng tiền, mở “nút thắt” nợ xấu.