Hội nghị COP-25: Cơ hội bị bỏ lỡ

QUỐC HƯNG 21/12/2019 20:38

(QNO) - Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP-25) diễn ra dài ngày nhất từ trước đến nay vừa kết thúc, với kết quả không được như mong đợi, thậm chí còn gây ra sự thất vọng trước vấn đề cấp bách toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres bày tỏ thất vọng với kết quả tại hội nghị COP-25. Ảnh: en24.news
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres bày tỏ thất vọng với kết quả tại hội nghị COP-25. Ảnh: en24.news

Trước thềm khai mạc vào đầu tháng 12, hội nghị COP-25 diễn ra tại TP.Madrid của Tây Ban Nha - nơi được cho hàng nghìn đại biểu đến từ 200 quốc gia, vùng và lãnh thổ trên thế giới thể hiện quyết tâm chính trị để cứu vãn trái đất trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về khí hậu liên tục được cảnh báo trong trong gian qua.

Lẽ ra, hội nghị COP-25 kết thúc ngày 13.12 theo kế hoạch. Tuy nhiên, hội nghị kéo dài thêm 2 ngày những mong tìm được giải pháp chung cho việc cắt giảm khí thải nhà kính nhanh hơn để ngăn chặn trái đất đang nóng dần lên. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lụt diễn ra ngày càng khắc nghiệt.

Đành rằng, hội nghị COP-25 kết thúc, ghi nhận nhiều tiến bộ, hành động thiết thực của khu vực tư nhân, nhiều cộng đồng địa phương, chính phủ để cố gắng giảm lượng khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hội nghị lại không tìm được tiếng nói chung để giải quyết được bất đồng liên quan đến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ký kết cách đây 4 năm.

Vào giờ phút chót của hội nghị, nhiều nước không thống nhất vấn đề liên quan đến thị trường mua bán hạn ngạch khí thải, buộc phải để lại trong cuộc đàm phán tiếp sẽ được tổ chức tại TP.Glasgow của Scotland vào năm 2020 - thời điểm Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu dự kiến bước vào giai đoạn thực thi.

Thêm nữa, nhiều quốc gia đứng trong top đầu thế giới về lượng khí thải nhà kính như Trung Quốc, Ấn Độ… tuyên bố không nâng mức cắt giảm khí thải để sớm ngăn chặn tác động khôn lường của biến đổi khí hậu.

Thậm chí, Mỹ - quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, là quốc gia duy nhất thế giới từ bỏ nỗ lực toàn cầu để chống biến đổi khí hậu khi nước này vừa đệ đơn lên Liên hiệp quốc để rút khỏi Thỏa thuận Paris.

Trong khi đó, 80 nước đồng ý nâng cam kết, nhưng các nước đó chỉ chiếm 10% lượng phát thải toàn cầu. Hay tuyên bố chung của hội nghị chỉ “kêu gọi” tăng cường tham vọng cắt giảm khí thải và giúp các nước nghèo đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, kết quả đạt được tại COP-25 được xem là “rất khiếm tốn”.

Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres nhấn mạnh: “Tôi rất thất vọng về kết quả của COP-25. Cộng đồng quốc tế đã mất đi cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm nhẹ tác động, tăng cường thích nghi và tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Nhà vận động chiến dịch vì khí hậu Kenya Mohamad Adow thì gọi kết quả về khí hậu đạt được tại Madrid là thảm họa và cực kỳ đau buồn khi thế giới không tìm được tiếng nói chung để cứu lấy trái đất, cứu lấy sự sống của hành tinh.

QUỐC HƯNG