Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
(QNO) - Hỏi: Ngoài những trường hợp được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng toàn bộ BHYT thì có những nhóm được Nhà nước hỗ trợ một phần để tham gia BHYT. Xin hỏi, mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu? Số tiền hỗ trợ là cố định hay có được điều chỉnh khi mức đóng BHYT thay đổi?
Trả lời: Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17.10.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành (ngày 1.12.2018), mức hỗ trợ từ NSNN cho một số đối tượng như sau:
- Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27.12.2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP;
- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 4 nghị định này;
- Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng đối với đối tượng quy định tại Khoản 3 và 4 Điều 4 nghị định này.
Điều 10 Nghị định 146 cũng quy định việc xác định số tiền đóng, hỗ trợ đối với một số đối tượng khi nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở. Theo đó:
1. Đối với nhóm đối tượng quy định tại Điều 4 nghị định này mà được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng BHYT:
a) Số tiền NSNN đóng, hỗ trợ đóng hằng tháng được xác định theo mức đóng BHYT nhân (x) với mức lương cơ sở. Khi nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, số tiền NSNN đóng, hỗ trợ đóng được điều chỉnh kể từ ngày áp dụng mức đóng BHYT mới, mức lương cơ sở mới;
b) Số tiền đóng BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi được tính từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ em là người Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, số tiền đóng BHYT được tính từ ngày trẻ về cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2. Đối với nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ một phần mức đóng BHYT quy định tại các kKhoản 3 và 4 Điều 4 nghị định này:
a) Số tiền đóng của người tham gia và hỗ trợ của NSNN hằng tháng được xác định theo mức đóng BHYT nhân (x) với mức lương cơ sở tại thời điểm người tham gia đóng BHYT;
b) Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia và NSNN không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.
3. Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình quy định tại Điều 5 nghị định này:
a) Số tiền đóng của người tham gia hằng tháng được xác định theo mức đóng BHYT nhân (x) với mức lương cơ sở tại thời điểm đóng BHYT;
b) Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.
Hỏi: Chúng tôi được biết, các đơn vị sử dụng lao động có thể được tạm dừng đóng BHXH cho người lao động trong một số trường hợp. Xin hỏi, quy định dừng đóng có được áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc quân đội, công an không? Quy định cụ thể về vấn đề này thế nào?
Trả lời: Điều 17 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã quy định việc tạm dừng đóng BHXH bắt buộc theo Điều 88 Luật BHXH như sau:
1. Các doanh nghiệp trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất trong các trường hợp:
a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 1 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
2. Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau đây:
a) Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trở lên trong tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh;
b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
3. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
a) Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được xác định theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau, thai sản và quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong thời gian tạm dừng đóng, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hoặc tử tuất thì người lao động hoặc thân nhân người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho người lao động hoặc thân nhân người lao động trong thời gian tạm dừng đóng;
b) Hết thời hạn tạm dừng đóng theo quy định tại Điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH.
4. BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người lao động và người sử dụng lao động đảm bảo điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 điều này. Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an nhận được văn bản đề nghị của người sử dụng lao động theo dấu của bưu điện hoặc dấu của quân bưu.