Nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng tại nhiều nơi
(QNO) - Người dân nhiều nước trên thế giới đang gồng mình gánh chịu trước hiện tượng thời tiết cực đoan.
Thái Lan vừa tuyên bố tình trạng hạn hán tại 54 quận, huyện với gần 3.000 ngôi làng tại 11 tỉnh như Chiang Rai, Nan, Nakhon Phanom, Maha Sarakham, Bueng Kan, Nong Khai…
Ông Monton Sudprasert - Cục trưởng Cục Phòng chống và giảm nhẹ thảm họa (DDPM) thuộc Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết, cục đã yêu cầu các quan chức địa phương điều động xe chở nước để cung cấp cho người dân ở những vùng hạn hán, trong khi binh sĩ giúp mang nước đến những nơi người dân cần.
DDPM thông báo 9 đập nước tại Chiang Mai, Uthai Thani, Chaiyaphum, Khon Kaen, Nakhon Ratchasima, Buri Ram… đã giảm xuống dưới 30% tổng công suất chứa.
Ngày 19.12, nhà chức trách Australia ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang New South Wales do nắng nóng kỷ lục đã làm bùng phát nhiều đám cháy rừng trên khắp khu vực này.
Australia vừa trải qua một ngày nóng nhất trong lịch sử - ngày 17.12 vừa qua, với nhiệt độ trung bình trên toàn lãnh thổ khoảng 41 độ C. Nắng nóng sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới dù nhiệt độ có giảm đi đôi chút.
Tuy nhiên, một số vùng ở miền Đông đất nước như Sydney, thủ phủ của bang New South Wales được dự đoán có thể vượt mức 46 độ C vào cuối tuần này. Đáng quan ngại là Sydney - thành phố lớn nhất của Australia đang bị bao vây trong vành đai lửa do cháy rừng.
Sức nóng đang kết hợp với điều kiện khô hạn và cháy rừng dữ dội được cảnh báo có thể dẫn đến nguy cơ hỏa hoạn nghiêm trọng đến cực đoan ở các vùng khác như bang Victoria, Nam Australia…
Các nghiên cứu về khí hậu chỉ rõ mối liên hệ giữa các vụ cháy rừng đang xảy ra ở Australia cũng như các vụ cháy rừng ở Mỹ và biến đổi khí hậu. Nắng nóng kỷ lục làm khô cháy các thảm thực vật là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy rừng trên. Australia là một trong những nước công nghiệp phát triển nhưng rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, hạn hán khiến các hồ thủy điện khô cạn, hàng triệu người Zambia và Zimbabwe rơi vào cảnh mất điện kéo dài từ nhiều giờ qua.
Kariba - hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất thế giới dọc theo biên giới giữa Zambia và Zimbabwe, có thể buộc phải đóng cửa hoàn toàn sau khi mực nước giảm xuống mức thấp nhất trong 23 năm, làm đảo lộn cuộc sống người dân và có thể gây ra kịch bản tồi tệ cho cả hai nền kinh tế trên.
Vào tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của Zimbabwe đã tăng khoảng 480%, tại Zambia thì ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Zimbabwe đồng thời đã tăng gấp 3 lần mức thuế điện trong tháng 10 vừa qua.