Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 20/12/2019 10:15

Quảng Nam đã linh hoạt, sáng tạo hiện thực hóa Nghị quyết số 02 ngày 1.1.2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, qua đó xác lập được niềm tin doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh tiếp DN định kỳ đã kịp thời chia sẻ, giải quyết khó khăn cho DN. Ảnh: T.D
Lãnh đạo tỉnh tiếp DN định kỳ đã kịp thời chia sẻ, giải quyết khó khăn cho DN. Ảnh: T.D

Liên tục cải cách

Theo thống kê của UBND tỉnh, năm 2019 có 1.358 doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường (vốn đăng ký 16.210 tỷ đồng, tăng gần 59% so với năm 2018), thu hút 22 dự án FDI (vốn 121 triệu USD, tăng 4 dự án), 65 dự án đầu tư trong nước (vốn 14.137 tỷ đồng), giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thực sự có năng lực triển khai dự án. Không chỉ vậy, Quảng Nam đã thu hút khá nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao (hơn 11.400 tỷ đồng)… Những thống kê này cho thấy công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh địa phương đã đạt kết quả rõ nét.

Kết quả ấn tượng năm 2019 này là nhờ Quảng Nam đã hiện thực hóa khá tốt Nghị quyết 02 Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khi liên tục ban hành các kế hoạch, buộc các sở, ngành, địa phương thực thi. Báo cáo của UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký ngày 12.12 về thực thi nghị quyết này cho thấy, Quảng Nam đã thực hiện nhiều cải cách liên quan đến điều kiện kinh doanh như: rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; cắt giảm các thành phần hồ sơ trong lĩnh vực văn hóa, du lịch; công khai - minh bạch tất cả quy hoạch, kế hoạch trên cổng thông tin điện tử của các đơn vị, cơ quan của tỉnh…

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được cài đặt đến 100% các đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với Văn phòng Chính phủ qua trục liên thông quốc gia. Các ngành, địa phương đã thực hiện việc gửi nhận văn bản liên thông qua phần mềm Q-Office (có ứng dụng chữ ký điện tử), cung cấp 1.047 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3 và 344 DVC trực tuyến mức độ 4. Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Việc giải quyết thủ tục về chứng nhận đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký thành lập DN, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo đúng thời gian quy định, giúp DN tiếp cận điện năng với thời gian thực hiện trung bình các thủ tục là 3,21 ngày/công trình.

Thời gian qua, Quảng Nam thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: T.D
Thời gian qua, Quảng Nam thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: T.D

Ngoài ra, hiện khai báo thủ tục hải quan đều được thực hiện qua phương thức điện tử với 100% tờ khai phát sinh trên địa bàn được thực hiện bằng phương thức điện tử và 100% số tiền thuế, lệ phí phát sinh tại Cục Hải quan tỉnh được thu nộp bằng phương thức điện tử qua các ngân hàng thương mại. Bảo hiểm Xã hội vận hành khá tốt hệ thống một cửa điện tử tập trung trên phần mềm “Tiếp nhận và quản lý hồ sơ” và 98% DN thực hiện kê khai thuế điện tử, 100% DN đăng ký nộp thuế điện tử, tỷ lệ số tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước bằng hình thức điện tử đạt 100%. Không chỉ vậy, chính quyền đã kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy, thay thế những người thiếu năng lực, trình độ hoặc lợi dụng thẩm quyền, vị trí để tư lợi khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, DN…

Tiếp tục cuộc đua đường trường

Kế hoạch của Quảng Nam kể từ năm 2020, không chỉ dừng ở việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phục vụ mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ. Đánh giá năng lực cơ quan công quyền, đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh, mở nhiều chương trình hỗ trợ, đối thoại DN theo từng lĩnh vực, địa phương, tiếp DN định kỳ hàng tháng, kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn cho DN, giải đáp các câu hỏi của DN, tuyên truyền cơ chế, chính sách trên Cổng thông tin hỗ trợ DN tỉnh... đã định hình môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao chỉ số PCI. Chính quyền đã yêu cầu tiếp tục rà soát các quy định về thủ tục hành chính, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính phục vụ khởi sự DN, các lĩnh vực về tài chính, đầu tư, đất đai, xây dựng... Quy trình 4 bước (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả) tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đảm bảo đồng bộ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định. Gia tăng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 và hướng người dân, DN sử dụng “biểu mẫu điện tử”, “hồ sơ điện tử” để nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng khi đăng ký thủ tục trực tuyến mức độ 3, 4…

Cái đích cuối cùng của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chắc chắn không nằm ngoài việc thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư bên ngoài từ DN và các dự án. Tuy nhiên, thành bại của công cuộc cải cách không phải chỉ mỗi địa phương đơn lẻ thực hiện được. Theo Sở KH&ĐT, Quảng Nam đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ phát triển vận tải đa phương thức để giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Xây dựng phần mềm quản lý đầu tư công để các chủ đầu tư cập nhật dữ liệu phục vụ công tác theo dõi, đánh giá đầu tư để nắm chắc tình hình đầu tư phát triển. Điều quan trọng hơn nữa là cần xem xét điều chỉnh một số nội dung của Luật Đầu tư công để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thời gian đầu thực hiện luật. Nhất là các thủ tục thẩm định nguồn vốn, phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi có phát sinh tăng kinh phí vượt tổng mức đầu tư. Ban hành các văn bản dưới luật để triển khai thực hiện các bộ luật có nội dung liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, hướng dẫn chế độ tài chính phục vụ cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thống nhất chung toàn quốc, hướng dẫn thành lập DN khởi nghiệp, cơ chế hỗ trợ thành lập các không gian làm việc chung…

TRỊNH DŨNG