Vẹn tròn khí tiết

PHƯƠNG GIANG 19/12/2019 11:31

Nghẹn ngào xen lẫn niềm vui ngày hạnh ngộ, những nữ cựu tù binh nguyên là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tỉnh bị địch bắt tù đày được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973 đã có buổi gặp gỡ đầy cảm xúc. Ký ức hào hùng một thuở lại hiện về trong từng lời kể…

Những nữ cựu tù binh xúc động ngày gặp lại. Ảnh: T.C
Những nữ cựu tù binh xúc động ngày gặp lại. Ảnh: T.C

Ký ức ngày gặp lại

Những cái ôm dài như không dứt tại hội trường nơi tổ chức buổi họp mặt. Họ, những nữ cựu tù binh từng trải qua ngày tháng bị địch giam cầm ở trại giam Phú Tài (Bình Định) trở về bên nhau, tranh thủ những phút giây ngắn ngủi để ôn lại chuyện xưa, gửi lời thăm hỏi những người đồng đội vắng mặt. Đây là hoạt động ý nghĩa được Hội Tù yêu nước tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 46 năm Ngày trao trả tù binh (1973 - 2019) theo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Những ký ức được gọi về, có ám ảnh, nỗi đau, cả tình thương vô bờ các mẹ, các chị dành cho nhau và tấm lòng kiên trung với cách mạng. Bà Phan Thị Hiền - Trưởng ban Liên lạc Nữ cựu tù binh Quảng Nam thổ lộ, những tháng ngày sống trong bàn tay kẻ thù, hàng giờ, hàng ngày các nữ tù binh đều sẵn sàng đối mặt với cái chết. Giữa một bên là kẻ thù với bộ máy đàn áp khổng lồ, trang bị đủ các loại vũ khí, công cụ tra tấn dã man và một bên là chị em tay không tấc sắt, chỉ có ý chí là sức mạnh trong cuộc đọ sức ấy. “Chị em chúng tôi đã đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu, sinh mạng để bảo vệ khí tiết, danh dự của người con cách mạng. Số chị em còn sống hiện nay hầu hết mang trong người những vết thương, bệnh tật do hậu quả của gông cùm, tra tấn, chịu nỗi đau suốt quãng đời còn lại. Nhưng chị em đã nuôi dưỡng tinh thần trung kiên, cùng cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng” - bà Hiền xúc động chia sẻ.

Ngược từ Bình Định ra gặp lại những người đồng đội, bà Nguyễn Thị Lý - Trưởng ban Liên lạc Nữ cựu tù binh Phú Tài tỉnh Bình Định bùi ngùi ôn lại những kỷ niệm một thời đấu tranh kiên cường trong trại giam của kẻ thù. Bà Lý nhắc nhiều về câu chuyện của những người đã ngã xuống, kể về thủ đoạn tàn ác, vô nhân tính của địch trong trại giam. “Chị em đã cùng nhau biến nhà lao thành trường học cho chính mình, dũng cảm bước qua cái chết, một lòng kiên trung với Đảng, với dân, dù hy sinh cũng không bao giờ khuất phục trước gót giày của quân thù. “Máu quý hơn vàng, nhưng Tổ quốc cần thì sẵn sàng tay dâng”, hơn một nghìn nữ tù binh chúng tôi đã sống cùng nhau, đã chia sẻ với nhau trong những ngày gian khó nhất, nay lại được may mắn gặp lại nhau đây để tay bắt mặt mừng. Hòa bình, về với Đảng, với nhân dân, chị em lại dùng chút sức lực sót lại để tiếp tục cống hiến, trọn một lòng thủy chung với cách mạng” - bà Lý nói.

Tấm lòng son sắt

Ông Phạm Văn Đào - Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh chia sẻ, buổi họp mặt được tổ chức thể theo nguyện vọng của Ban Liên lạc Nữ tù binh Phú Tài Quảng Nam. Hơn 100 nữ cựu tù trong và ngoài tỉnh cùng ngồi lại bên nhau trong không gian ấm cúng của một ngày cuối năm. “Nhà lao Phú Tài là địa ngục của nữ tù binh, do địch lập ra để đày ải, giết chóc, khổ nhục hàng nghìn chị em các tỉnh từ Quảng Trị trở vào. Bọn chúng đàn áp, khủng bố cực hình đối với nữ tù binh, nhằm biến các chị thành những con người tàn phế, dùng mọi thủ đoạn để chiêu hồi, song chính các chị đã là những con người kiên trung bất khuất, biến nhà tù thành trường học, thành mặt trận đấu tranh trực diện với kẻ thù. Trong cuộc chiến đấu ấy, biết bao chị em đã phải đánh đổi bằng cả máu xương, bằng tính mạng của mình để bảo vệ danh dự và phẩm chất cách mạng. Sau khi được trao trả, trở lại chiến đấu và đoàn tụ với gia đình, không ít người do bệnh tật thương tích tái phát vì hậu quả chiến tranh đã vĩnh viễn đi xa. Những người ở lại hôm nay là nhân chứng sống, vừa thay cho đồng đội ngã xuống tố cáo tội ác của giặc, vừa tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo bước theo mục tiêu, lý tưởng” - ông Đào nói.

Trong số những nữ tù binh ở Phú Tài, có người là nữ sinh vừa rời mái trường để xuống đường tranh đấu, có người là công nhân bỏ xưởng để đấu tranh, có người là thiếu nữ làng quê dũng cảm tham gia đánh giặc. Chiến tranh đã cướp đi tuổi xuân, cướp đi thời son sắc khi các chị em bị địch bắt, giam cầm. Nhưng hơn cả, khí tiết người chiến sĩ cách mạng vẫn luôn cháy trong tim mỗi chị em, để họ sống sót thần kỳ, vượt qua bao tàn bạo của những đòn roi tra tấn. Không chỉ trao cho nhau những câu chuyện, những cái ôm, các mẹ, các chị cũng dành cho nhau sự sẻ chia, bằng nhiều phần quà tặng các hoàn cảnh còn khó khăn do phải chịu đày đọa của di chứng sau chiến tranh. Đức hy sinh thấm vào máu của những người nữ tù. Ở họ, một bản hùng ca đã và đang được kể, bằng niềm tin, bằng ý chí không sờn, một lòng son sắt.

PHƯƠNG GIANG