Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

MỸ HẠNH 19/12/2019 11:31

Từ người lính xuất ngũ trở về địa phương với cuộc sống muôn vàn khó khăn, sau 20 năm lập nghiệp, cựu chiến binh Hồ Văn Diếu đã có cơ ngơi hàng trăm tỷ đồng nơi đại ngàn Ngọc Linh.

Cựu chiến binh Hồ Văn Diếu chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh của gia đình. Ảnh: M.H
Cựu chiến binh Hồ Văn Diếu chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh của gia đình. Ảnh: M.H

Là người con của dân tộc Xê Đăng, sinh ra và lớn lên tại thôn 3, xã Trà Linh - xã vùng núi cao và xa xôi nhất của huyện Nam Trà My, cựu chiến binh (CCB) Hồ Văn Diếu tâm sự: “Bản thân sinh ra trong gia đình có điều kiện hết sức khó khăn, phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà phụ giúp gia đình phát nương làm rẫy sinh sống. Năm 1977, theo tiếng gọi Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Đến năm 1981, tôi xuất ngũ trở về địa phương làm ăn sinh sống, nhưng cái đói nghèo vẫn cứ đeo bám mãi nên tôi quyết tâm tìm cách để thoát nghèo”.

Trà Linh được biết đến là vùng đất của các loài dược liệu quý hiếm, trong đó có sâm Ngọc Linh. Ý thức được điều đó, ông Diếu đã cùng vợ con tìm hạt, vào rừng mở rộng diện tích gieo trồng. Dần dà, cây sâm có giá trị kinh tế cao hơn, gia đình ông cùng bà con trong xã mạnh dạn vay vốn Nhà nước để trồng sâm. Ông cho biết, việc trồng sâm đòi hỏi phải có vốn lớn, muốn cây sinh trưởng, phát triển tốt phải đảm bảo độ ẩm ướt và che phủ mặt đất quanh năm. Cây sâm có giá trị rất cao nên phải bảo vệ an toàn, chống trộm cắp, chống chuột rừng chuyên ăn hạt sâm. Do đó, vườn sâm được bảo vệ bằng hàng rào lưới B40 dây thép gai và tôn lá bao quanh, điện thắp sáng, kẹp bẫy chuột và trang bị máy bộ đàm để thông tin liên lạc.

Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, vườn sâm của gia đình ông Diếu sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, 3 vườn sâm của gia đình ông rộng cả chục héc ta với đủ độ tuổi, sâm nhiều tuổi nhất là hơn 20 năm, và ít nhất là 1 năm. Với giá hiện nay, mỗi vườn sâm ước tính cho thu hoạch khoảng 200 tỷ đồng. Riêng hạt sâm cho thu hoạch 40 lon hạt mỗi năm, mỗi lon hạt có giá 130 triệu đồng. Thực hiện chủ trương của huyện, ông Diếu mở rộng diện tích trồng thêm 1ha sâm nam. Nhờ đó, gia đình ông đã thực sự thoát nghèo và có của ăn của để, con cháu được học hành, cơ ngơi ổn định.

Khi trở thành người thành đạt, với bản chất người lính cụ Hồ, CCB Diếu còn giúp đỡ rất nhiều gia đình hội viên CCB và bà con trong xã. Các hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua cây giống, ông đã hỗ trợ về cây giống, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc để cây sâm phát triển tốt, biếu tặng các doanh nghiệp tư nhân trồng sâm tại địa phương rất nhiều hạt giống và cây giống trị giá hàng trăm triệu đồng... Những việc làm đó không chỉ thể hiện tấm lòng chia sẻ, cảm thông với những khó khăn của người dân, mà còn đồng hành với địa phương trong việc vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu, làm giàu cho quê hương, hướng tới xây dựng khu du lịch sinh thái vùng sâm của huyện. Nghị lực vượt khó làm giàu và lòng nhân ái của CCB Hồ Văn Diếu đã được các cấp ghi nhận, biểu dương khen thưởng bằng nhiều hình thức.

MỸ HẠNH