Trong hơi ấm ngày đông
Đã qua mùa rẫy. Câu lý mừng cơm mới chừng như còn vương trên những gương mặt hân hoan, nhưng bước chân thì đã bắt đầu rời làng, tiến về phía núi. Trong sương rét, không còn nhiều nhóm người tụm năm, tụm bảy ngồi uống rượu. Người vùng cao tất bật. Họ, đang nghĩ nhiều về tết.
Xôn xao tiếng nói từ phía căn nhà nhỏ của Tơngôl Anhêêm (ở thôn Cha’lăng, xã Ch’Ơm, Tây Giang), dù vùng cao đang co mình trong cái rét. Nhóm người soạn sửa những chiếc bẫy chuột bé xíu, phân công nhau chuẩn bị thức ăn làm hành trang ngược núi. Mùa đi bẫy chuột. Mỗi chuyến đi nhanh thì đôi ba ngày, chậm, có khi cả tuần ở trong rừng. “Đồ nghề”, ngoài bẫy kẹp, còn có thòng lọng được làm từ những thanh tre uốn cong, dùng dây mây tạo thành. Sương chưa tan hẳn trên những nóc nhà, họ đã lên đường.
1. Chuột núi thành một thứ đặc sản không thể thiếu trong mùa tết. Sâu dưới cánh rừng, chỉ có những thợ săn lão luyện như Anhêêm mới rành rẽ được nơi mà loài chuột thường đến kiếm ăn, cách chọn vị trí để đặt bẫy. Nhóm người đã làm sẵn những lán trại nhỏ trong rừng, tìm nơi đặt bếp. Sau mỗi ngày thăm bẫy, “chiến lợi phẩm” sẽ được mổ sạch, rồi xông khói trên giàn bếp, để dành đến tết. Mưa, rét và biết bao hiểm nguy chực chờ. Nhưng đó là tục. Đôi chân trần kiêu hãnh của những chàng trai xứ núi, nối gót cha ông. Vả lại, với họ, rừng là nhà. Họ thông thuộc những ngả rừng, nhìn hướng núi mà đi. Họ thạo cả những dấu chân, chỉ cần nhìn qua là biết có thú dữ để tránh. Trập trùng cây rừng, có nơi ánh nắng không thể xuyên qua tán rừng già, nhưng họ chưa bao giờ đi lạc.
Săn chuột như một “trách nhiệm” của đàn ông. Họ sẽ là những người chuẩn bị phần thịt để dành lại trong nhà. “Từ bao đời, chuyện đi săn đã thành tục. Trong mâm đãi khách ngày tết, hay gùi quà về thăm nhà vợ bao giờ cũng phải có vài con chuột khô. Đó là truyền thống rồi, ai cũng muốn có món quà này cho trọn vẹn tấm lòng mình. Mình không được bắt những con thú lớn, những loài bị cấm” - Anhêêm nói. Đó cũng là câu trả lời cho những băn khoăn của chúng tôi, khi thành quả của cả tuần trời trong rừng có khi chỉ vỏn vẹn chừng mươi con chuột.
Ở rừng, ngoài thời gian đặt và thăm bẫy, có một thú vui khác, là soi ếch núi vào ban đêm. Loài ếch da đen bóng, hay nấp dọc những khe nước, chân thác, là một đặc sản khác của vùng cao. Họ soi đèn pin, bắt bằng tay. Ngày trước, khi chưa có đèn pin, đồng bào thường dùng đuốc. Họ xuyên qua ngả rừng như một cuộc dạo chơi. Trở về lán trại, tất cả quây quần bên nồi cháo khuya, dành lại những thứ bắt được để mang về. Anhêêm nói, có cực, nhưng anh em đều tằn tiện để dành. Thứ ngon, vật quý, bao giờ cũng dành để đãi khách. Đó cũng chính là tấm lòng của người vùng cao hồn hậu và bao dung, như thăm thẳm rừng già.
2. Trong ký ức của những người già, cuộc đi săn luôn là hành trình thử thách đầy lôi cuốn. Chúng tôi gặp già Alăng Chúc (thôn Ra Lang, xã Jơ Ngây, Đông Giang), một thợ săn kỳ cựu của làng. Sương đông như phủ kín khắp làng. Hơi thở của ông già phả ra thành khói, ánh nhìn thả rớt đâu đó phía xa kia, còn đôi tay vẫn huơ đều bên bếp lửa. Phía trên vách nơi chúng tôi ngồi với ông già, rất nhiều sọ đầu thú đủ kích cỡ, chiến tích mà ông và người làng giữ được. Những ngày tháng tung hoành khắp đại ngàn còn in dấu trong trí nhớ ông già. Rừng mênh mông. Con heo rừng, con mang, con nai nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Nhiều lúc chúng mò đến tận rìa làng, vào tận rẫy.
“Bắn hụt, bẫy trật thì không dễ gì bắt được một lần nữa. Nên đàn ông đi săn cũng là một cách chứng tỏ bản lĩnh, tài năng của mình. Trong tay mình thời đó, chỉ có những chiếc pa’nanh (nỏ), plóh (ống thổi tên) và những chiếc bẫy tự tạo. Đối mặt với thú rừng, phải vừa nhanh vừa dũng cảm. Nếu sợ, có thể bị chúng tấn công ngược trở lại” - già Chúc kể lại. Dù tuổi già đã ập đến trong cơn nhớ nhớ quên quên, nhưng nhắc lại chuyện xưa, chừng như thấy niềm vui lấp lánh trên gương mặt của già Chúc. Ông tự hào, vì đã góp công trong rất nhiều cuộc đi săn, mang về những bữa ăn chung của làng.
Ngay cả trong việc ăn mừng, đồng bào vẫn có những luật tục rất riêng, in dấu tính cách người vùng cao. Khi có “thịt” - chiến lợi phẩm của cuộc đi săn, họ không vội nói với nhau, mà lặng lẽ trở về làng. Bất kỳ ai mà họ gặp được trên đường, họ sẽ thông báo bằng câu lý - một cách nói bóng gió về việc sẽ có bữa ăn chung. Sau đó, thanh niên làng sẽ trở ngược lên rừng, theo chân thợ săn để mang “thịt” về gươl làng. Đó vừa là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với “thần rừng”, vừa là tâm lý chung không muốn khoe khoang. Ai có gạo góp gạo, ai có muối góp muối.
Trong bữa ăn chung, cả làng cùng múa hát trống chiêng, cùng say men rượu cần. Tất cả gia đình đều được chia một phần thịt (gọi là t’vir). Riêng những người săn sẽ được thưởng một khoanh thịt cổ con heo, con mang thêm vào phần thịt t’vir mà họ được hưởng. “Bây giờ hết rồi. Người ta cũng không cho săn bắt như ngày xưa, nên thanh niên không còn biết bắn nỏ, đặt bẫy nữa. Nhưng nhiều lúc đi thăm rẫy, đi tuần rừng, bà con vẫn gặp bẫy dây cáp đặt trong rừng, của người phía bên kia cánh rừng” - già Chúc trầm ngâm.
3. Mùa đông, ấm lại bằng những ân tình. Người ta đến thăm nhau theo tục tr’záo. Vượt qua những đoạn đường có khi hàng chục cây số, họ mang theo phần thịt khô dành được, mang biếu cho nhau. Khi đã tạm gác được những vất vả của một mùa rẫy, giờ là lúc để gặp, kể cho nhau về những tháng ngày đã qua, nhắc nhớ tình cảm đã cùng nhau trải. Câu hát lý ngân lên, đong đầy thêm mối kết giao giữa hai bên sui gia, gởi trao những lời chúc cho một năm mới, khi cái tết cũng đang cận kề.
Pơloong Plênh - một người bạn của chúng tôi ở vùng cao Tây Giang nói, thích nhất là được dự phần vào những buổi gặp mặt tr’záo ngày đông. Khi những xê dịch về văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều, giữ được một tục hay, một nếp cũ, quý như cất được một tấm tút hiếm. Có không ít người trẻ chẳng còn thiết tha với những giá trị vốn rất thiêng liêng của đồng bào. Số khác, thì lạc lõng ở chính mảnh đất của mình, lúc chẳng còn ai lên rừng đi săn, chẳng mấy người tự tay làm bẫy. Những tập tục phần nào chính là hồn cốt của người Cơ Tu, cũng là dấu chân cha ông bao đời đã bước đi để từ đó có con đường cho lớp trẻ kế tục. Không thể nằm ngoài những biến động của thời cuộc, hay tránh né tác động nhịp sống hiện đại. Nhưng chính ân tình của người vùng cao, chính cái hay, cái đẹp trong từng tập tục đã tự tạo ra được sức phòng vệ cho những giá tri văn hóa truyền thống. Vì thế, mới còn những người lặn lội lên rừng săn chuột, ếch núi làm quà, mới có những gia đình vượt qua thăm thẳm đường dài đi tr’záo.
“Có thể đâu đó vẫn còn nghèo, có thể có gia đình chưa được ăn no mặc ấm, nhưng tình người thì không vơi. Vùng cao, vẫn ấm bằng những ân tình như thế” - Ploong Plênh nói.
Trong gió, nghe thoảng hương rượu cần. Cái thứ mùi đăm đắm mê say ấy như gọi về một niềm háo hức đợi xuân. Không có mai vàng, cũng chưa rực đỏ cờ hoa, nhưng đâu đó khắp nẻo đường, vẫn thấp thoáng chút gì của hương tết. Thực ra, tết đã đến sớm hơn trong những toan lo, khi nhà nhà, người người đã sửa soạn, dành dụm ngay từ bây giờ. Ngược núi, xuôi những nẻo rừng, gom góp từng chút một. Hơn tháng nữa, rượu cần sẽ đượm. Mùa đông, dẫu đang se sắt trong giá rét, cũng đã thấy ấm dần với những tha thiết gọi mời từ phía núi.