Rủi ro từ du lịch mạo hiểm ở New Zealand
(QNO) - Vụ núi lửa phun trào tại New Zealand mới đây khiến nhiều du khách thiệt mạng như một lời nhắc nhở rằng các hình thức du lịch mạo hiểm như thế vốn có nhiều rủi ro và cần được chỉ dẫn, cảnh báo rõ ràng.
Du lịch mạo hiểm từ trượt tuyết tốc độ cao, khinh khí cầu đến khám phá hang động, thiên nhiên kỳ vĩ như đến các khu vực núi lửa… là hoạt động hấp dẫn thu hút rất nhiều du khách quốc tế đến New Zealand - một đất nước xinh đẹp nằm ở châu Đại Dương, thuộc Nam bán cầu.
Du lịch nằm trong số những ngành kinh tế mang về doanh thu lớn nhất của New Zealand, khoảng 10,7 tỷ USD. Với dân số khoảng 4,8 triệu người, New Zealand đón đến 3,8 triệu du khách quốc tế mỗi năm.
Giáo sư Michael Lueck - chuyên gia du lịch tại Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand nói: “Du lịch mạo hiểm là một lĩnh vực lớn ở New Zealand. Chúng tôi đang quảng bá mình là thủ đô phiêu lưu của thế giới”. Như đảo Trắng, nơi thu hút khoảng 17.000 du khách mỗi năm.
Thế nhưng, thảm họa núi lửa vừa qua gây chú ý cho du lịch mạo hiểm New Zealand. Sáng 9.12, núi lửa đảo Trắng (White Island) - điểm du lịch nổi tiếng ở nước này cho những ai say mê khám phá núi lửa, bất ngờ phun trào, tạo ra cột khói bụi lớn và đẩy nhiều tro bụi vào không khí, xảy ra tại khu vực cách North Island khoảng 50km về phía đông.
Vào thời điểm núi lửa này “thức giấc” có tổng cộng 47 người trên đảo gồm 5 người New Zealand, 24 người đến từ Australia, 9 người từ Mỹ, 4 người từ Đức, 2 người từ Trung Quốc, 2 người từ Anh và 1 người từ Malaysia.
Reuters cho biết, sáng 13.12, một nhóm lính New Zealand thực hiện chiến dịch nguy hiểm đến đảo Trắng để đưa 6 trong 8 thi thể nạn nhân được xác định thiệt mạng ra khỏi đảo; nhiều du khách khác bị bỏng. Hướng dẫn viên du lịch cho nhóm người trên bị bắt ngay sau thảm họa xảy ra.
Tuy nhiên, thảm họa trên đảo Trắng - còn được gọi là Whakaari không phải là vụ tai nạn đầu tiên của du lịch mạo hiểm ảnh hưởng đến khách du lịch ở New Zealand.
Năm 2015, một chiếc trực thăng chở khách du lịch rơi xuống sông băng Fox Glacier khi đang bay ở New Zealand làm 7 người thiệt mạng, bao gồm phi công và 6 du khách; trong đó có 2 người đến từ Australia và 4 người quốc tịch Anh.
Hai năm trước đó cũng tại New Zealand, chiếc khinh khí cầu đâm vào đường dây điện gần Carterton, phát nổ và rơi xuống đất khiến tất cả 11 người trên đó thiệt mạng. Trước nữa là vào năm 2010, 9 người chết khi một chiếc máy bay chở người nhảy dù lao xuống một mái chèo…
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà khai thác du lịch nên đặt sự an toàn cho khách lên hàng đầu, khách du lịch nên cẩn trọng hơn trong việc chọn lựa hình thức du lịch mạo hiểm vốn nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, một hệ thống cảnh báo tại các địa điểm du lịch, nhất là du lịch mạo hiểm là rất cần thiết. Kèm theo là các đánh giá khoa học, cụ thể là hướng dẫn viên được cung cấp về hoạt động núi lửa.
Bởi như một tuần trước khi xảy ra vụ phun trào sáng 9.12, Cơ quan Giám sát địa chất học của New Zealand - GeoNet nâng mức độ đe dọa của đảo Trắng nhưng lại khuyến cáo hoạt động lúc đó “không gây nguy hiểm trực tiếp cho du khách”.