Bài toán tăng trưởng kinh tế
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song hành công nghiệp và dịch vụ. Chú trọng phát triển ngành dịch vụ có điều kiện, có tiềm năng, lợi thế so sánh và giá trị tăng cao. Phát triển du lịch và dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Đó là những mô hình trọng yếu để thúc đẩy tăng trưởng Quảng Nam, được các đại biểu đề xuất tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa IX.
Tìm điểm cân bằng
Giải ngân chậm, số lượng doanh nghiệp tăng nhưng 90% nhỏ và vừa, năng suất lao động thấp, thị trường cạnh tranh khốc liệt… dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại là những điểm yếu cố hữu nhiều năm chưa thể khắc phục được. Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm bàn thảo khi chính quyền tỉnh đưa kế hoạch tăng trưởng từ 7 - 7,5% vào năm 2020. Không đại biểu nào nghi ngờ về mục tiêu tăng trưởng kinh tế bởi phát triển là điều cấp thiết để xác lập vị thế, chất lượng cuộc sống địa phương. Nhưng sự lo lắng của họ là liệu có khả thi hay không khi vẫn còn quá nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
Khá nhiều ý kiến cho rằng sự sụt giảm GRDP được đề cập do dự báo, chỉ tiêu chưa sát thực tế, trong khi mọi yếu tố kích thích tăng trưởng vẫn không có gì thay đổi, thiếu các năng lực mới. Có thể xem xét chỉ đạt GRDP ở mức 6 – 6,5% hay không? Không chỉ bàn đến tăng giảm GRDP, việc phê duyệt dự án nhiều nhưng không triển khai được, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào một số ngành, doanh nghiệp… là vấn đề được quan tâm. Câu hỏi đặt ra, một khi các ngành, doanh nghiệp đó không thể đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến năng lực tăng trưởng địa phương? Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương phân tích, nếu không đánh giá được cơ sở tăng, chưa tìm được nguyên nhân sụt giảm cụ thể của năm 2019 thì kế hoạch 2020 khó thành hiện thực. Theo ông Thử, cần làm việc lại với các nhà đầu tư lớn, chủ lực. Kiên quyết thu hồi các dự án kéo dài, không triển khai thực hiện, tránh việc đầu cơ chiếm đất. Hạn chế cấp phép đối với doanh nghiệp sản xuất gia công, ưu tiên đối với doanh nghiệp sản xuất, sử dụng, ứng dụng công nghệ cao. Còn thủy điện thì ngành yêu cầu Sông Bung 4 và A Vương dừng phát điện. Chứ nếu phát thì hết nước làm sao nông nghiệp có nước để gieo trồng. Tình hình này kết hợp với biến đổi khí hậu thì tăng trưởng cho nông nghiệp, công nghiệp sẽ còn khó nữa.
Tìm lực đẩy cho phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp hay giải ngân vốn… luôn là vấn đề được quan tâm. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, cái sườn của nền kinh tế hiện vẫn dựa vào công nghiệp và khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn là mũi nhọn. Nói ưu tiên đầu tư phát triển nhưng chưa có quy định gì cụ thể. Cần có một nghị quyết chuyên đề riêng về hỗ trợ phát triển công nghiệp… Giải ngân thấp luôn là bài ca muôn thuở. Nếu tình trạng này kéo dài thì luôn có độ trễ cho nền kinh tế. Khi vốn không được đưa vào nền kinh tế, động lực “mồi” thì làm sao kích thích năng lực sản xuất, đầu tư của doanh nghiệp để lấy đà cho tăng trưởng.
Chọn động lực phát triển
Tăng trưởng kinh tế năm 2019 được xem là thấp nhất kể từ khi tái lập tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thừa nhận các cân đối vĩ mô ổn định, nhưng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu. Tăng năng suất lao động chưa trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Tài nguyên và sức lao động giá rẻ không còn là lợi thế của địa phương. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, miền núi vẫn quan trọng với địa phương nhưng rất khó. Đất đai bỏ hoang, nhưng không cho thuê, không nhượng, doanh nghiệp có muốn đầu tư cũng rất khó. Không thể có một quy hoạch tổng thể cho ngành nông nghiệp mà chỉ có thể quy hoạch cho từng sản phẩm cụ thể như sâm, chăn nuôi, trồng rừng gỗ lớn… Chính quyền không thể buộc người dân nuôi con này, trồng cây kia, một khi không tìm được doanh nghiệp đầu tư thì biết bán cho ai? Chỉ còn cách tái cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp để tìm một hướng đi đúng!
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, điều cần thiết là đánh giá đúng tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nhất là GRDP để dự báo, đề ra kế hoạch phát triển, cơ cấu lại kinh tế phù hợp. Quá trình cơ cấu lại kinh tế phải sát thực, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song hành công nghiệp và dịch vụ. Chú trọng phát triển ngành dịch vụ có điều kiện, có tiềm năng, lợi thế so sánh và giá trị tăng cao. Phát triển du lịch và dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý, điều chỉnh cơ cấu nội bộ ngành, lĩnh vực theo hướng chú trọng ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực có tính đột phá, tác động lan tỏa tới các ngành. Giữ vững tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp hiện nay nhưng tăng mạnh tỷ trọng cơ cấu các ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp nhưng gia tăng quy mô và tốc độ phát triển
Theo ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT, sẽ thúc đẩy các cơ sở công nghiệp mới hình thành đi vào sản xuất, đưa 3 dự án thủy điện lớn vào khai thác hoạt động năm 2020 như Sông Tranh 4 (48MW), Đăk Mi 2 (98MW), Tr’Hy (30MW) và 4 dự án FDI với tổng số vốn gần 220 triệu USD, 11 dự án đầu tư công nghiệp nội địa (1.080 tỷ đồng). Các dự án khách sạn 5 sao Casino Hoiana (1 tỷ USD), Khu nghỉ dưỡng cao cấp Đông Bắc (Tây Giang), Khu du lịch sinh thái Cổng trời (Đông Giang) và 4 dự án đầu tư trong nước (1.026 tỷ đồng), dự kiến hoạt động từ năm 2020. Những dự án động lực này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ...