Cái kim trong bọc
Chuyện thời Chiến Quốc bên Tàu, ông tể tướng nước Triệu là Bình Nguyên Quân tiếp đãi trong nhà hàng ngàn tân khách, để nhờ cậy tài năng của họ vào những việc từ cai trị đất nước đến quản lý sổ sách điền sản. Rèn quân, nuôi ngựa, thu thuế, viết luật, du thuyết… đủ thứ. Họ giúp ông trở thành vị tể tướng giỏi giang nổi tiếng, được sử sách ca tụng, mấy ngàn năm sau còn lưu tên tuổi.
Có lần ông ta cần người cho một nhiệm vụ rất khó khăn. Lựa chọn mãi chưa thấy ai xứng đáng, thì có một môn khách tên Mao Toại nói, ông để tôi làm cho. Bình Nguyên Quân nhìn anh khách tầm thường, mỉa mai: Tôi nghe “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, ông ở nhà tôi mấy năm chưa thấy tỏ ra cái gì hay ho cả, sao dám nhận việc này?
Toại nói, một khí cụ hữu ích là khi nó được dùng đúng chức năng của nó, lâu nay tôi không tỏ gì bởi chưa có việc xứng dùng tới cái tài của tôi đó thôi.
Quân nghe khẩu khí cũng ghê, vả lại chẳng biết chọn ai nữa, bèn giao Toại làm. Nhiệm vụ thành công ngoài sức mong đợi. Quả là không nói thì thôi, đã nói là như sấm sét; không làm thì thôi, đã làm thì xoay trời chuyển đất! Nhờ đó mà cái tên Mao Toại được nhắc đến mãi, cùng với tên ông chủ lừng danh của mình vậy.
Mấy hôm nay thiên hạ xôn xao về vụ án AVG. Không phải vì những tình tiết ly kỳ của sự việc, mà có phần vì nhân thân của các bị cáo. Một trong đó là sự hài hước (hay cay đắng?) khi các nhà báo đi tác nghiệp với tấm thẻ mang chữ ký của các bị cáo nguyên/cựu Bộ trưởng. Một vị hồi làm thứ trưởng còn chủ biên cuốn sách dạy người ta kiên định lập trường cách mạng, phòng tránh “tự chuyển hóa”, và từng mang sách tặng cho các phạm nhân đang thụ án.
Sự khôi hài ấy thấy nhiều trong xã hội chúng ta hôm nay, nhất là khi có nhiều quan chức, lãnh đạo đang bảnh bao đạo mạo bỗng dưng bốc cháy phần phật trong “lò”. Chắc chắn những việc này cũng sẽ được ghi vào trong sử sách về sau, nhưng với một sự mỉa mai đau xót chứ không có gì để tự hào.
Nguồn cơn nào dẫn đến chuyện trên? Chỉ ngắn gọn thôi: ngôn hành bất nhất. Đặc biệt với những người trong hàng lãnh đạo, một lời nói, một hành vi càng phải cẩn thận, như “bước trên băng mỏng” chứ không thể bua xua lấy được.
Cái sự nói một đàng làm một nẻo từ bao giờ đã thành ra một đặc tính mà dân gian gán cho đội ngũ quan chức tha hóa? Nó xuất phát từ đâu? Để thỏa mãn cho nhu cầu nào? Ai dung túng cho nó sinh sôi? Và làm sao để quét sạch nó, để chấn chỉnh lại kỷ cương, tái lập lại một xã hội biết trọng chữ tín, biết hổ ngươi khi lỡ lời, biết chịu trách nhiệm với từng lời nói việc làm… Nói chung là thiết lập một chuẩn mực trong quá trình Nghĩ – Nói – Làm, từ quan chức đến mỗi công dân, một cách minh bạch và đứng đắn!
Đặt câu hỏi ra thì dễ. Nhưng để trả lời thì đâu phải một trang giấy, một ngày một năm hay một nhiệm kỳ mà xong. Cần phải có tầm nhìn thế hệ và trước hết phải xác lập thiện chí muốn trả lời, bắt đầu từ mỗi cá nhân trong xã hội này. Nhiệm vụ ấy không dành cho riêng ai.