Bà Bổng “bảo hiểm”
Với trên 95% dân số có bảo hiểm y tế (BHYT), xã Điện Thắng Nam trở thành địa phương có diện bao phủ BHYT lớn của thị xã Điện Bàn. Kết quả này có sự đóng góp công sức thầm lặng của bà Đinh Thị Bổng - Đại lý BHYT tự nguyện của xã.
Cách đây hơn 12 năm, khi đang là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Điện Thắng Nam, bà Bổng được chọn cử đi học lớp nghiệp vụ thu BHYT tự nguyện do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Điện Bàn tổ chức. Từ đó, bà đã gắn bó với công việc này cho đến nay. Bà Bổng cho biết, việc bán BHYT không dễ dàng gì vì phần lớn người dân nghĩ việc mua BHYT là không cần thiết. Gia đình nào có người sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm mới mua, còn người khỏe mạnh thì cho rằng mua BHYT là lãng phí. “Có những hôm mưa gió, đường sá đi lại khó khăn nhưng sợ người dân không nhớ thời hạn hết bảo hiểm, không đăng ký mua kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nên tôi đến từng nhà để nhắc nhở, vận động. Hồi đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đối với những đại lý BHYT cấp xã, nên tôi tự mua sắm máy vi tính, máy in, mua phần mềm quản lý… để thuận tiện trong công việc” - bà Bổng cho hay.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bà không nhớ rõ đã vận động bao nhiêu người mua BHYT tự nguyện, chỉ biết rằng số lượng người dân mua bảo hiểm ngày càng nhiều lên. Người dân từ chỗ ngại mua BHYT thì giờ đây đã tự giác hơn. Từ chỗ nghĩ mua bảo hiểm là lãng phí, thì bây giờ người dân mua bảo hiểm là “để dành”, là “phòng thân” khi đau ốm xảy ra. Trong số các đại lý bảo hiểm ở thị xã Điện Bàn, bà Đinh Thị Bổng là người lớn tuổi nhất. Thế nhưng suốt 12 năm qua, bà chưa bao giờ để xảy ra sai sót nào đáng kể. Bà tự thiết lập hồ sơ quản lý một cách khoa học, những hồ sơ nào cần lưu trữ thì bà sắp xếp cẩn thận. “Chỉ cần hỏi đến địa bàn nào, gia đình nào, người dân nào… về tình hình mua BHYT là tôi có thể lấy đúng hồ sơ đó, rất nhanh chóng và chính xác” - bà Bổng khẳng định.
Không chỉ quản lý theo các biểu mẫu hồ sơ quy định, bà còn tự thiết lập các hồ sơ lưu trữ chi tiết với từng trường hợp. Trường hợp nào đã được Nhà nước đóng BHYT, trường hợp nào là học sinh, sinh viên, công nhân đã mua bảo hiểm, trường hợp nào bảo hiểm sắp hết hạn… đều được bà Bổng quản lý quy củ. Không chỉ quản lý trên giấy, bà còn quản lý hồ sơ trên máy vi tính. Theo bà Bổng, hồ sơ bảo hiểm liên quan đến tiền bạc và quyền lợi của người dân, nên phải rất cẩn thận, làm việc phải có tâm, nếu lơ là rất dễ có sai sót. Hiện nay, dù đã là cán bộ về hưu, nhưng bà Bổng vẫn được tín nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn và là đại biểu HĐND xã. Đây là cơ hội để bà lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, đặc biệt những vấn đề liên quan đến BHYT luôn được bà giải đáp cặn kẽ. Với bà, cái quý nhất trong những năm tháng làm công tác bảo hiểm là sự ghi nhận của nhân dân, địa phương và ngành bảo hiểm, thể hiện sinh động qua tỷ lệ người dân đóng bảo hiểm. “Nguyện vọng lớn nhất của tôi là làm sao để tất cả người dân ở xã Điện Thắng Nam đi khám chữa bệnh phải có thẻ BHYT” - bà Bổng chia sẻ.
Theo ông Võ Quang Tuấn - Trưởng thôn Phong Ngũ, xã Điện Thắng Nam, địa phương hiện có trên 97% người dân tham gia BHYT là nhờ công sức không nhỏ của bà Bổng. “Bà Bổng rất nhiệt tình trong công việc, nỗ lực thuyết phục người dân tham gia BHYT vì quyền lợi của chính họ. Đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra trường hợp người dân bị đau ốm ngặt nghèo mà không có BHYT” - ông Tuấn nói. Ông Hà Đức Dũng - Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Nam cho hay: “Địa phương rất ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của chị Bổng trong công tác quản lý BHYT tự nguyện. Từ chỗ rất ít người tham gia, đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT của xã rất cao. Xã phấn đấu năm 2020, tất cả người dân đều có BHYT. Tin tưởng rằng với tâm huyết, trách nhiệm của chị Bổng thì địa phương có thể đạt được chỉ tiêu này”.