Để di sản phát triển bền vững

VĨNH LỘC 15/12/2019 18:01

(QNO) - TP.Hội An vừa kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ trở thành Di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh những thành tựu đạt được, áp lực về du lịch cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết. Và xuất hiện những tín hiệu vui khi một số giải pháp đã và đang được thành phố xem xét triển khai thời gian tới nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Đường Phan Châu Trinh sẽ trở thành phố đi bộ. Ảnh: VĨNH LỘC
Đường Phan Châu Trinh sẽ trở thành phố đi bộ. Ảnh: VĨNH LỘC

Mở rộng phố đi bộ

Đề án “Mở rộng không gian phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” đang được Ban Thường vụ Thành ủy Hội An xem xét thông qua, với điểm nhấn đường Phan Châu Trinh sẽ trở thành phố đi bộ. Dự kiến, giai đoạn 1 thực hiện phố đi bộ đường Phan Châu Trinh sẽ bắt đầu ngày 1.3.2020, thời gian hoạt động 18h đến 21h30 (mùa đông) hoặc 22h (mùa hè) tất cả ngày trong tuần. Giai đoạn 2 từ ngày 1.3.2021, thời gian hoạt động 15h đến 21h30 (mùa đông) hoặc đến 22h (mùa hè) tất cả ngày trong tuần.

Sản phẩm phụ trợ của phố đi bộ đường Phan Châu Trinh sẽ bao gồm các hoạt động văn hóa - nghệ thuật được bố trí hài hòa theo từng vị trí. Cụ thể, tại vỉa hè trước Trường Mầm non Cẩm Phô sẽ tổ chức các trò chơi đi cầu khỉ, đánh trống, ném vòng, đá bóng vào khung thành...; vỉa hè số 49 đường Phan Châu Trinh tổ chức hoạt động âm nhạc đường phố - Acoustic; trước cổng trường Nguyễn Duy Hiệu là các trò chơi dân gian trẻ em và hát bội vào tối thứ Sáu hàng tuần…

Mở rộng không gian phố đi bộ sẽ giúp thúc đẩy phát triển các dịch vụ bên ngoài vùng lõi phố cổ. Ảnh: VĨNH LỘC
Mở rộng không gian phố đi bộ sẽ giúp thúc đẩy phát triển các dịch vụ bên ngoài vùng lõi phố cổ. Ảnh: VĨNH LỘC

Khảo sát cho thấy, lưu lượng phương tiện giao thông tuyến đường Phan Châu Trinh rất lớn. Chỉ riêng đoạn từ ngã tư Lê Lợi - Phan Châu Trinh đến ngã ba Cao Hồng Lãnh - Phan Châu Trinh vào khung giờ 18 - 21h đã có gần 4.000 lượt xe máy, hơn 330 lượt ô tô, gần 270 lượt xe đạp điện lưu thông. Tương tự, đoạn từ ngã tư Lê Lợi - Phan Châu Trinh đến ngã ba Hoàng Diệu - Phan Châu Trinh có trên 2.000 lượt xe máy, khoảng 220 lượt ô tô, gần 160 lượt xe đạp điện lưu thông thời điểm này.

Có thể khẳng định, việc mở rộng không gian phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ tuyến đường Phan Châu Trinh rất cần thiết, qua đó giúp giảm áp lực lên vùng lõi di sản, nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường khói bụi, tiếng ồn khu vực di sản. Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An chia sẻ, sắp tới đơn vị sẽ tổ chức họp dân, thông báo về chủ trương, lấy ý kiến và vận động nhân dân hưởng ứng đề án. “Tôi tin rằng người dân sẽ ủng hộ” - bà Cẩm nói.

Xây mới bãi đỗ xe

Đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” được tổ chức tại khu phố cổ lần đầu năm 2004. Đến năm 2015, không gian phố đi bộ được mở rộng qua tuyến đường Nguyễn Phúc Chu. Gần đây nhất, năm 2017 không gian này được tiếp tục mở rộng xuống khu vực phía đông phố cổ.

Cùng với đó, nhiều điểm di tích cũng được đưa vào tuyến tham quan như: Hội quán Hải Nam, điểm trình diễn nghề xí mà, Bảo tàng nghề y, chợ đêm Trần Qúy Cáp... Đồng thời, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật truyền thống cũng được bố trí bổ sung như hòa tấu, nhạc cụ dân tộc, thư pháp tại Hội quán Hải Nam; trò chơi dân gian tại đường Nguyễn Huệ; biểu diễn hát bội tại nhà số 31 đường Nguyễn Thái Học… phần nào đáp ứng được nhu cầu tham quan, giải trí của du khách.

Mở thêm bãi đỗ xe sẽ giúp giải quyết bài toán về giao thông ở Hội An. Ảnh: VĨNH LỘC
Mở thêm bãi đỗ xe sẽ giúp giải quyết bài toán về giao thông ở Hội An. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, qua 15 năm hoạt động, đề án đã khẳng định được quy mô, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các mục đích đề ra. Tuy nhiên, trước tình hình khách tham quan ngày càng tăng như hiện nay, nhất là buổi chiều và tối dẫn đến không gian phố đi bộ chịu áp lực rất lớn; các bãi đậu xe tại những khu vực liền kề phố cổ gần như quá tải, thường xuyên ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho lưu thông. Bên cạnh đó, việc giữ xe trên các vỉa hè đường Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hai Bà Trưng cùng với việc kinh doanh buôn bán lấn chiếm vỉa hè của một số người dân càng khiến cảnh quan thêm nhếch nhác, cản trở lưu thông đi lại của người đi bộ và khách tham quan…

“Giao thông Hội An hiện rất bức bí, do đó không chỉ xây dựng đường Phan Châu Trinh thành phố đi bộ mà Hội An cũng đang nghiên cứu cấm xe ô tô vào trung tâm, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố của xe đạp và xe điện. Lúc đó, xe ô tô chỉ được đậu tại các khu vực An Bàng, cầu Đế Võng, Thanh Hà… Trước mắt, trong năm 2020 Hội An sẽ xây mới 2 bãi đậu xe, gồm tại đường Lý Thường Kiệt (diện tích 1,1ha) và trước chùa Long Tuyền, đường Nguyễn Tất Thành (2,3ha). Hiện nay hồ sơ đầu tư 2 dự án này đã được phê duyệt thông qua” - ông Sơn cho biết.

Tròn 20 năm kể từ ngày Đô thị cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, áp lực du lịch lên phố cổ vẫn luôn là bài toán nan giải. Việc mở rộng không gian phố cổ, giảm xe ô tô vào trung tâm dù là câu chuyện không mới nhưng vẫn luôn được xem là giải pháp tối ưu của du lịch Hội An hiện nay, kể cả những năm tới nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

VĨNH LỘC